Gặp người 18 năm gắn bó với đài truyền thanh xã

Thứ hai - 27/06/2016 14:39 2315

Mười tám năm gắn bó với Đài truyền thanh xã, với ông Thường, đơn giản chỉ là vì cái “duyên”

Mười tám năm gắn bó với Đài truyền thanh xã, với ông Thường, đơn giản chỉ là vì cái “duyên”
Mười tám năm phụ trách Đài truyền thanh xã, không có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, cuộc sống gia đình có lúc lại rơi vào khốn khó, nhưng vì lòng yêu nghề và trách nhiệm, ông vẫn bền bỉ gắn bó với công việc, cần mẫn ngày ngày đem “tiếng nói” đến với người dân.
Đầu năm 2016, ông Ngô Xuân Thường chính thức nhận quyết định nghỉ hưu, kết thúc mười tám năm gắn bó với chức danh công chức văn hóa, kêm cán bộ đài truyền thanh xã Thanh An (Hớn Quản), một công việc mà hiếm người có thể đảm nhận trong suốt thời gian dài như thế. Giờ đây được sống với niềm vui công việc chăm sóc vườn tược, chăn nuôi, có lẽ với ông là điều mãn nguyện hơn nhiều so với đồng lương hưu ít ỏi, mà trước đây dù phải chật vật bám trụ nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến, một ngày nào đó mình sẽ cần đến lúc tuổi già. Với người đảng viên cựu chiến binh này, trách nhiệm vẫn là điều trên hết.
Vì cái “duyên” với Đài...
Ông Thường quê ở Thanh Hóa, vốn là bộ đội xuất ngũ, chuyển ngạch công tác vào Bình Phước từ năm 1987 và sinh sống tại ấp Thanh Sơn, xã Thanh An. Trước khi trở thành công chức văn hóa xã năm 1998, ông từng là công nhân cao su, bảo vệ trường học, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp. Mức lương công chức văn hóa khi đó chỉ có 250 ngàn/tháng, nhưng phải kiêm luôn công việc của Đài truyền thanh và nhiều công việc khác mà không có phụ cấp. Trong khi vợ chồng ông sống chủ yếu dựa vào cây bắp, cây đậu từ những thửa đất mới khai hoang, lại phải nuôi ba đứa con nhỏ.
Ông Thường cho biết, trước đây radio còn hiếm chứ nói gì đến các phương tiện nghe nhìn khác. Nên việc đưa thông tin hàng ngày đến với người dân qua hệ thống loa truyền thanh là rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống của đài hồi đó chỉ có một máy catset xài pin, một bộ amply xài điện bình ắc quy và một số lao phóng thanh có dây đặt gần khu vực trung tâm xã. Thiết bị máy móc rất hay hỏng nên cán bộ đài phải thường xuyên leo trụ điện sửa loa, dò tìm chỗ dây loa đứt để đấu nối, có lúc thì chật vật với amply bị cháy sò, hỏng tụ... Gặp sự cố không thể khắc phục thì báo cho cán bộ đài huyện, đài tỉnh về giúp, nhưng có khi chờ cả nửa tháng họ mới về.
Mặc dù vậy, đài xã vẫn luôn đảm bảo duy trì việc tiếp âm đài trung ương, tỉnh và huyện. Dù bận rộn nhưng ông Thường vẫn dành thời gian viết tin, bài tuyên truyền trên đài. Mỗi tuần đều có chương trình phát thanh của địa phương và vài ba tin, bài phản ánh tình hình trên địa bàn xã. Công việc đòi hỏi ông ngày nào cũng phải dậy từ sáng sớm để lên xã mở đài, rồi bận bịu tối ngày với công việc của Ban văn hóa. Vợ ông vừa phải chăm con, vừa làm lụng vất vả nên thường xuyên la rầy và “bắt” ông nghỉ việc. Nhưng nghỉ việc thì không có người thay, nên ông cứ... phải làm.
Mười tám năm liên tụ là công chức văn hóa, kiêm phụ trách đài truyền thanh xã, có những giai đoạn ông Thường còn làm Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ, cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ, Chi hội trưởng Hội cựu Chiến binh ấp... Ở mỗi lĩnh vực công tác, ông đều vinh dự được đón nhận nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng và giấy khen của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Hỏi về lý do gắn bó lâu năm với đài truyền thanh, người đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng chỉ cười: “Có lúc cũng đã nghĩ đến phải nghỉ việc để lo cho gia đình, nhưng có lẽ vì cái duyên với đài nên tôi cứ gắn bó mãi”.
“Ông Thường là một tấm gương cần mẫn, nhiệt tình và chịu khó hiếm gặp trong công việc. Trong quá trình công tác, ở bất cứ lĩnh vực nào, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Đặng Xuân Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Thanh An đánh giá.
Nghĩ về truyền thanh cơ sở hiện nay
Ông Thường cho rằng, mặc dù ngày nay phương tiện nghe nhìn có đa dạng và phổ biến rộng rãi, nhưng radio và loa truyền thanh vẫn là “người bạn” quen thuộc của nhiều người, nhất là giới trung niên và người lớn tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu, xa. Nhận thức và nhu cầu người nghe ngày càng cao thì đòi hỏi nội dung tuyên truyền của đài cũng phải hay, phải mới, đầy đủ và phong phú hơn. Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở cũng phải có trình độ nhất định. Nên việc tập huấn đào tạo, hoặc tuyển dụng người có chuyên môn vào làm việc ở đài truyền thanh cấp xã là rất cần thiết.
Là người luôn phải đi làm trước, nhưng lại về sau mọi người, tuy nhiên cán bộ đài truyền thanh xã lại chưa có chế độ phụ cấp tương xứng với công việc. Đây là nguyên nhân của việc thường xuyên thay đổi lực lượng này trong nhiều năm qua. Thời gian ông Thường công tác tại đài truyền thanh xã Thanh An, cũng đã có rất nhiều người vào thay thế vị trí này, nhưng đều không bám trụ được. Thực trạng này, theo ông cần sớm được giải quyết.
Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay26,373
  • Tháng hiện tại1,065,412
  • Tổng lượt truy cập16,133,543
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây