Bà Chín thuốc nam từ thiện

Thứ tư - 23/03/2016 20:25 1825

Bà Chín thuốc nam từ thiện

Người dân trong vùng gọi bà Phạm Thị Vàng (62 tuổi) ngụ tổ 5, ấp 9, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản là bà Chín thuốc nam. Cả đời sống vô gia cư, nhưng bà lại dành những tháng năm còn lại để làm việc thiện, ngày ngày lặn lội khắp nơi tìm cây thuốc chữa bệnh cứu người…

Ước nguyện cuối đời của bà Chín là có 1 sào đất để gieo trồng những giống cây thuốc và truyền nghề cho ai đó

 

Nơi ở của bà Chín là căn chòi vắng vẻ nằm ở bìa rừng cao su của Nông trại Phú Gia, giáp bờ sông Sài Gòn. Chúng tôi tìm đến và phải đợi khá lâu mới thấy bà từ trong lô cao su trở về. Chân không mang dép, đầu đội chiếc nón rách, bà Chín mặc bộ quần áo cũ, trên tay ôm một mớ cây. Ngồi bệt xuống thềm nhà, tay cầm nón quạt mồ hôi, người phụ nữ trông bộ dạng lam lũ hỏi chúng tôi “Mấy chú đến xin thuốc phải không, bị bệnh gì?”.

Phương thuốc lạ lẫm...

Bà Chín cho biết, chưa tính thời gian đi hái thuốc mất khoảng nửa tháng, tốn nhiều ngày kiếm củi nấu thuốc thì để nấu được mẻ thuốc cũng không dễ. Một mẻ thuốc nếu nấu nhanh thì 1 ngày, chậm thì 3 ngày và phải canh chừng để thuốc đạt yêu cầu.

Cách làm thuốc của bà Chín cũng rất lạ. Nhiều loại cây thuốc sau khi phơi khô được cho vào 2 nồi loại 100 lít để nấu. Khi nước cạn bớt, bọt bã được vớt bỏ thì cho vào nồi nhỏ hơn nấu tiếp. Cuối cùng, lượng cần lấy chỉ khoảng 1 lít ở dạng đặc sệt. Thuốc lúc này được chế rượu vào và cất giữ trong can nhựa. Mỗi mẻ thuốc như thế dành cho một loại bệnh.

Ngoài cho thuốc uống, một số người bệnh còn được bà Chín cạo huyệt bằng dầu cù là. Theo bà, cạo huyệt là để đẩy chất độc ra ngoài. Bà khẳng định mình có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh như thấp khớp, gút, viêm xoang, dạ dày, rong kinh, huyết trắng, tai biến, bại liệt, thậm chí cả bệnh ung thư giai đoạn đầu...

Mặc dù không biết chữ, nhưng bà Chín có thể kể tên hàng chục cây thuốc và công dụng mỗi loại. “Năm 13 tuổi tui thường đi hái thuốc giúp ông nội, đi riết rồi thuộc tên các loại thuốc. Năm 17 tuổi thì tui biết bốc thuốc chữa bệnh” - bà Chín nói.

Cuối năm 2014, ông Nguyễn Văn Biển, Phó ấp 9 (xã Tân Hiệp) bị sưng nhức hai khớp gối không đi lại được. Sau một thời gian khám và điều trị ở bệnh viện không có kết quả, ông Biển tình cờ gặp và được bà Chín cho thuốc. “Thật bất ngờ, chỉ sau hơn một tháng uống thuốc của chị Chín, tôi không những khỏi bệnh mà còn đi đá banh và làm được việc nặng. Tôi thấy ăn ngủ tốt và khỏi cả bệnh đau dạ dày...” - ông Biển vui mừng.

Còn anh Lương Văn Tuấn (1978) ngụ cùng ấp với ông Biển bị tai biến liệt hai tay từ năm 2009. Anh Tuấn đã từng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Y học cổ truyền (Bình Dương) nhưng không khỏi hẳn. “Sau gần 4 tháng được cô Chín cho thuốc uống và bấm huyệt, nay tui thấy hai tay đã cử động được. Mẹ vợ tôi 64 tuổi, bị bệnh đau nhức xương khớp mãn tính, nhưng nay đã khỏi sau khi uống thuốc của cô Chín” - anh Tuấn kể lại.

Ước nguyện truyền nghề

Vợ chồng bà Chín có 9 người con nhưng 2 người không may mất sớm. Vợ chồng bà lấy nhau không có đất đai, nhà cửa nên phải ở nhờ nhà người anh trai. 11 năm trước, khi các con của anh trai lập gia đình, nhà đông người chật chội nên ông bà dắt díu 7 người con rời quê Lao Dung (Đồng Tháp) rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ sống bằng nghề làm thuê. Những người con của ông bà nay đã yên bề gia thất, nhưng mỗi người sống một phương và hoàn cảnh cũng khó khăn nên chẳng đỡ đần được cha mẹ.

Chồng bà Chín - ông Nguyễn Văn Kinh trước đây làm bảo vệ cho Nông trại Phú Gia, nhưng nghỉ làm 2 năm nay vì tuổi già sức yếu. Hiện ông bà dựa vào khoản thu nhập ít ỏi từ tiền công đóng vài thứ đồ mộc vặt vãnh của ông Kinh khi có người đặt hàng. Do vậy, ông bà phải dựa dẫm thêm vợ chồng người con gái ở gần, cũng sống bằng nghề làm thuê và đang ở nhờ trên đất của Nông trại Phú Gia.

Hai năm nay, bà Chín bỏ không đi làm thuê để lặn lội khắp nơi hái thuốc chữa bệnh cứu người. Không kể đường xa vất vả, len lỏi bờ bụi tìm thuốc, bà còn lặn lội sớm hôm trong lô cao su, gom củi về nấu thuốc. Điều đặc biệt, bà Chín thường từ chối nhận tiền, quà khi người bệnh đến xin thuốc. “Ai cho tui thì cho rượu để ngâm thuốc chứ đừng cho tiền, quà. Ông bà, ba má tui ngày xưa cũng lấy thuốc giúp người ta chứ đâu có lấy tiền” - bà Chín nói.

Nay các loại cây thuốc đã cạn kiệt, bà Chín lại đem những nhánh cây nhỏ về trồng để nhân giống. Hiện vườn thuốc chỉ khoảng 1 sào là đất trồng nhờ của Nông trại Phú Gia đã có hàng chục loại. Bà lo lắng vườn thuốc sẽ mất đi nếu nay mai chủ nông trại không cho ở nhờ nữa. Bà chia sẻ: “Tui có một nguyện vọng là được truyền nghề cho ai đó muốn học hỏi để họ tiếp tục chữa bệnh giúp người”. 

Quang Trung(báo Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập151
  • Hôm nay16,609
  • Tháng hiện tại640,408
  • Tổng lượt truy cập16,887,500
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây