Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ.
Với 455 phiếu tán thành, chiếm 92,67% tổng số đại biểu, chiều 20/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cảnh vệ.
Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều, quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.
Đối tượng áp dụng của Luật là đối tượng cảnh vệ, lực lượng cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học và chất phóng xạ, công cụ hỗ trợ hoặc yếu tố khác gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ;
Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; tụ tập đông người trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ; làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ;
Làm giả, mua bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ hoặc lợi dụng việc tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ…
Về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ và các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đối với nội dung liên quan đến danh sách đối tượng cảnh vệ, Luật quy định đối tượng cảnh vệ là: Người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Khu vực trọng yếu gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng, khu vực làm việc của Chủ tịch nước, khu vực làm việc của Quốc hội, khu vực làm việc của Chính phủ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.
Sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ…
Bên cạnh đó, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ; biện pháp cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ... cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật.
Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Pháp lệnh Cảnh vệ số 25/2005/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được thông qua với 457 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,08%.
Với 8 chương, 76 điều, Luật quy định về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Việt Nam. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường.
Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.
Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lý hoặc tiêu hủy; vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy xác nhận bị mất phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
Luật quy định, người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của tòa án; đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định. Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.
Bên cạnh đó, bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm quy định việc huấn luyện và cấp chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.