HẠT NGỌC MÙA VÀNG TRÊN NƯƠNG

Thứ hai - 19/12/2022 14:44
Ngày xưa, hạt gạo được ví như hạt ngọc trời cho, góp phần nuôi sống bao gia đình. Hạt gạo được kết tinh từ sương trời, nắng, gió, nước thiên nhiên hòa với giọt mồ hôi vất vả, gian nan của người gieo trồng nên nó. Hạt gạo hiện hữu trong từng mái nhà, từng con người, từng thời đại bởi giá trị dinh dưỡng vĩnh hằng không thể thay thế. Để có được hạt ngọc trời cho nuôi ta khôn lớn từng ngày, người nông dân đã dãi dầu “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Và câu chuyện làm nên hạt gạo từ những hạt lúa rẫy của người đồng bào Stiêng trên sườn đồi cao su ở An Phú, ( Hớn Quản) cũng thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây.
Với tập tục du canh du cư, ngày xưa, cứ mỗi vụ mùa, bà con đồng bào mãi đi tìm nơi thích hợp để trồng lúa rẫy. Theo thời gian, phương pháp canh tác lúa rẫy năm xưa không còn phù hợp vốn đã được thay thế bằng phương pháp mới, phù hợp với những biến đổi của đời sống xã hội. Nếu ngày xưa, bà con đồng bào thường khai hoang, phát rừng trồng lúa thì nay bà con mượn đất nông trường cao su trồng mới, có những khoảnh đất trống bao quanh hàng cây cao su trồng mới để trồng lúa rẫy.
Gắn bó với cây lúa từ thời niên thiếu, bà Thị Nâm, ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, (Bình Long) không quên được tuổi thơ nhọc nhằn trên nương lúa. Bà kể: “ngày xưa trồng lúa rất dễ, chỉ cần gieo hạt xuống là cây lúa tự lên, nay trồng lúa phải bón phân cây mới lên được, vì đất lâu năm, hoang hóa, bạc màu, dinh dưỡng không còn nhiều như xưa. Chưa kể ngày xưa người đồng bào đi rừng, phát rẫy đốt cây, rất nhiều tro được đốt từ xác cây nằm lại, thấm ngược vào đất giúp cây lúa tốt tươi. Theo chu kỳ, người đồng bào phải dọn đất, đốt cây tầm tháng 5 bắt đầu tỉa lúa. Đến tháng 11 cây lúa cho thu hoạch. Ngày xưa không trồng lúa sẽ không có ăn, vì không có tiền để mua gạo.”

Theo dòng lịch sử, song hành với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tư duy canh tác của bà con đồng bào theo đó cũng đổi thay. Máy móc đã thay thế hoàn toàn sức người ở những công việc thích hợp. Chỉ cần một chiếc xe chuyên dùng đã có thể làm các công đoạn chính gồm cắt lúa, tuốt lúa với chi phí 300 ngàn đồng/sào. Người dân chỉ việc hốt lúa vào bao và chở về nhà. Ông Điểu Nho, ấp Sóc Giếng, xã Thanh Lương, (Bình Long) cặm cụi thoăn thoắt chiếc liềm trong tay cắt những đám lúa bị ngả rạp do đợt gió lớn tối hôm trước, ông cho biết: “Trước đây bà con ở Sóc thường đổi công cho nhau để gặt lúa nhưng nay chúng tôi phải thuê máy cắt vì thanh niên đi làm công ty, xí nghiệp. Chỉ còn lại  những người già sức yếu. Chúng tôi chỉ có thể cắt ở những vạt lúa ngả mà máy không cắt được.
Mọi thứ đổi thay, duy chỉ có phương pháp gieo hạt vẫn được giữ vẹn nguyên. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con đồng bào lại ới nhau lên nông trường mượn đất, dùng chày đào lỗ, gieo hạt giống xuống đất. Nông trường Cao su Xa Cam, thuộc công ty TNHH MTV cao su Bình Long có khoảng 33ha đất cao su trồng mới cho đồng bào mượn để trồng lúa rẫy. Đến hẹn lại lên, hàng năm, bà con đồng bào ở Thanh Lương, An Phú lại đến mượn đất của nông trường Cao su Xa Cam để trồng lúa rẫy.
Trồng lúa từ thời giải phóng đến nay, chứng kiến nhiều sự đổi thay nhưng ông Điểu Nho vẫn chung thủy với cây lúa rẫy, vì hương vị thơm ngon, tinh túy vốn có của nó. Ông Điểu Nho tâm sự: “lúa rẫy ăn chắc, no lâu hơn lúa ruộng, bà con đồng bào ăn nhiều để có sức khỏe lao động. Đối với lúa rẫy 5 người ăn 4 loong gạo là no đủ, còn gạo ruộng phải mất 7,8 loong mới no cái bụng….hơn nữa lúa này  sạch hơn lúa ruộng do ít thuốc BVTV hơn.
“Mồ hôi mà đổ xuống đồi, lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương”. Dù giá trị kinh tế từ cây lúa rẫy chưa cao nhưng nó đã góp phần nuôi sống bao thế hệ gia đình, nhất là vào các dịp giáp hạt. Với truyền thống gắn bó với cây lúa rẫy từ bao đời nay và những giá trị dinh dưỡng vốn có của nó cùng đặc trưng về điều kiện đất đai của địa phương có nhiều vườn cao su thanh lý, việc phát triển nghề trồng lúa rẫy ở Hớn Quản vẫn là một nét văn hóa trường tồn mãi với thời gian. Bất chấp thiên tai, địch hại và những biến đổi của khí hậu, dẫu “lúa chín cúi đầu” thì cây lúa rẫy vẫn mạnh mẽ vươn lên, những hạt ngọc mùa vàng vẫn sừng sững vươn vai trên những sườn đồi vàng ươm bởi một lẽ, nó gắn với nhu cầu thiết thân của con người - đó là được ăn no.
Ảnh 1: Ông Điểu Nho cắt những vạt lúa bị ngã rạp do gió thổi.

Ảnh 2: Máy móc đã thay thế sức người ở công đoạn cắt và tuốt lúa.

Ảnh 3: Bà Thị Nâm kiểm tra độ mẩy của hạt lúa chín.
Ảnh 4: Đồng bào “chở” thành quả về nhà.

Tác giả: Thanh Mai - Quý Son

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay1,223
  • Tháng hiện tại465,901
  • Tổng lượt truy cập24,999,559
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây