Khoa học, công nghệ là “hơi thở” cuộc sống

Thứ năm - 18/05/2023 13:43
BPO - Khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực, nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, là bệ đỡ để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Nhìn lại chặng đường vừa qua của KHCN và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bình Phước càng thấy rõ sự đóng góp quan trọng, toàn diện của KHCN, nó đã trở thành “hơi thở” của cuộc sống.

Bài 1:
ĐƯA KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
VÀO THỰC TIỄN

 

Từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỉnh Bình Phước từng bước đưa KHCN trở thành một trong những khâu đột phá chiến lược quan trọng để tiến tới phát triển nhanh và bền vững.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 150 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KHCN, trong đó có 10 nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ; 63 nhiệm vụ cấp tỉnh và 77 nhiệm vụ cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KHCN đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỷ lệ nhiệm vụ KHCN đồng đều trong các lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; chuyển giao thành quả tiến bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Nhiều chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu đã và đang khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của KHCN trong đời sống, tạo động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại.

Một công đoạn chế biến gỗ của Công ty TNHH nội thất Tinh Tuyền, Khu công nghiệp Đồng Xoài 1, thành phố Đồng Xoài

Bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cho biết: Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động, nghị quyết để thực hiện các nhiệm vụ của ngành KHCN. Tiêu biểu như chiến lược về sở hữu trí tuệ, các kế hoạch thực hiện xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các nghị quyết của HĐND, hướng dẫn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin và đổi mới công nghệ. Gần đây nhất, sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kết luận và kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

… đến đẩy mạnh chuyển đổi số

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, KHCN, đổi mới sáng tạo được xem là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh trong chuyển đổi số hiện nay. Những năm qua, KHCN đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng - an ninh, y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp… tạo ra nhiều công nghệ mới mang tính đột phá, nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.  

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành hơn 30 văn bản quản lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển KHCN. Bên cạnh đó, sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp để chung tay cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Tỉnh cũng đã hoàn thành mạng truyền số liệu dùng trong cơ quan đảng, nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến được triển khai từ tỉnh đến xã. Hiện nay, đã có 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 11 huyện, thị xã, thành phố và 96 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh xây dựng, chuyển đổi, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trên nhiều cánh đồng, nông dân đã sử dụng máy gặt đập liên hoàn vào thu hoạch lúa

KHCN đã tạo đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành cơ quan, cải thiện chỉ số xếp hạng của tỉnh. Đặc biệt, là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của Bình Phước đã vào top 10 địa phương đứng đầu cả nước. Trong đó, chính quyền số cấp tỉnh xếp thứ 8, kinh tế số cấp tỉnh xếp thứ 14, xã hội số cấp tỉnh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành của cả nước.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ngày 18-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, với quan điểm: “Chuyển đổi số là một bước cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, chuyển đổi số phải do cấp ủy lãnh đạo, Nhà nước thực hiện với sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm chuyển đổi số thành công trên mọi lĩnh vực”. Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi “từng lĩnh vực” tiến tới chuyển đổi “tổng thể và toàn diện”. Coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số; lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

KHCN phải là “hơi thở” cuộc sống và KHCN phải ứng dụng vào phát triển kinh tế thế mạnh của địa phương. Do đó, tôi nhận định rằng hiện nay xu hướng phát triển KHCN chúng ta không phải nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, nghiên cứu cơ bản nữa, mà phải hướng những nghiên cứu đó về người dân, đặc biệt Bình Phước là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, các cây công nghiệp.

PGS.TS THÁI VĂN NAM
Phó Viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng, Trường đại học Công nghệ, TP. Hồ Chí Minh

 

Để khoa học, công nghệ “cất cánh”

KHCN đã và đang tạo ra những thay đổi có tính đột phá, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế với tốc độ và chất lượng cao hơn, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp cần ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KHCN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. So với các tỉnh trong khu vực, Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế về nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước thực tế đó, ngày 25-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 370-KL/TU về việc định hướng nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kết luận 370). Tại Kết luận 370, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá thực trạng hoạt động KHCN, đưa ra quan điểm, mục tiêu chung, cụ thể và 4 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành KHCN tỉnh phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30-9-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chi nhánh Bình Phước

Kết luận 370 đưa ra mục tiêu cụ thể: Nghiên cứu, tiếp nhận và ứng dụng thành công ít nhất 3 hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, ít nhất 3 hệ thống cơ giới, tự động hóa phục vụ công tác quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, cảnh báo thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành công ít nhất 2 chế phẩm sinh học, ít nhất 2 sản phẩm vật liệu nano và 2 quy trình kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2025, 100% cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử; 100% các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu được đưa vào ứng dụng, tạo ra sản phẩm cụ thể.

Từ trước tới nay, chúng ta coi KHCN là lực lượng. Tiềm lực KHCN là lực lượng gián tiếp vào sản xuất ra của cải vật chất thì bây giờ KHCN phải là lực lượng trực tiếp đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nói riêng tại địa phương.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập139
  • Hôm nay20,471
  • Tháng hiện tại398,373
  • Tổng lượt truy cập24,240,914
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây