Bài cuối
CHUYỂN ĐỔI SỐ PHẢI PHÙ HỢP THỰC TẾ
Còn nhiều khó khăn
Qua thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục đã mang lại hiệu quả tích cực về nâng cao chất lượng giáo dục tại một số địa phương. Năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có 265 trường học với tổng gần 255.730 học sinh; có 1.077 cán bộ quản lý, 14.115 giáo viên và 2.651 nhân viên. Các cấp học được trang bị 8.381 máy vi tính và 2.121 máy chiếu, tivi, bảng tương tác thông minh phục vụ dạy môn Tin học. Về nhân lực, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí tối thiểu 1 giáo viên, nhân viên chuyên trách kiêm nhiệm thực hiện triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại mỗi đơn vị. Hiện tổng biên chế giáo viên Tin học trên địa bàn tỉnh là 284, còn thiếu 112 người so với nhu cầu thực tế là 396.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục, đến nay Sở GD&ĐT đã tiếp nhận và giải quyết 121/121 thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4, đạt 100%; 100% trường học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng... Ngoài ra, Sở GD&ĐT quan tâm đầu tư trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm để các trường triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Một tiết học của thầy và trò Trường THCS&THPT Đắk Mai, huyện Bù Gia Mập
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì các trường học trên địa bàn tỉnh cần thêm khoảng 250 phòng máy tính, 6.011 máy tính, 2.127 máy chiếu, bảng tương tác thông minh và tivi. Trong giai đoạn 2023-2025, nhu cầu cần thêm 218 phòng Lab học tiếng Anh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng cho biết: “Qua giám sát tại các trường học, đoàn nhận thấy các trường đang gặp khó khăn về thiếu nhân sự CNTT. Ngoài ra, việc đầu tư trang thiết bị CNTT tại các trường chưa đồng bộ; ưu tiên bố trí kinh phí cho ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở mỗi trường học có sự khác nhau. Đồng thời, các đơn vị chưa đánh giá cụ thể mức độ đầu tư và hiệu quả thực tế mang lại trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào quản lý, dạy và học”.
Khó khả thi ở trường vùng sâu
Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Bù Gia Mập đang trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT được đầu tư phục vụ chuyển đổi số vào quản lý, dạy và học được đánh giá đạt trên 70% so với yêu cầu Đề án 131, Đề án 06 đặt ra. Tuy nhiên, hiện trường có tỷ lệ học sinh DTTS hơn 34%, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo gần 10%. Đây là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số của trường. Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: Đối với học sinh DTTS cũng như các em hoàn cảnh khó khăn, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gặp nhiều trở ngại hơn. Do các em không có trang thiết bị CNTT hiện đại, ít tương tác với bên ngoài…
Với học sinh vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng CNTT vào học tập là điều mới mẻ, thậm chí một số em hoàn cảnh khó khăn thì cơ hội tiếp cận hình thức học hiện đại này là điều xa vời. Em Nguyễn Thị Quỳnh Dao, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Bù Gia Mập cho biết: Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong học tập giúp giáo viên và học sinh dễ kết nối với nhau hơn, cắt giảm chi phí học tập. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại vì nhiều học sinh không thể tiếp cận thiết bị hiện đại, không có kết nối internet…
Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, huyện Bù Gia Mập có 70% học sinh DTTS, phần lớn phụ huynh DTTS ở đây không biết chữ, không biết sử dụng thiết bị điện tử, không có điều kiện mua điện thoại thông minh, cũng không mở tài khoản ngân hàng. Vì không sử dụng điện thoại thông minh nên những thông tin của nhà trường gửi đến phụ huynh cũng không biết được. Với những lý do đặc thù này nên trường gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số. Bà NGUYỄN THỊ NHƯ Ý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh |
Giải pháp chiến lược
Mặc dù còn những khó khăn, vướng mắc nhưng phải khẳng định rằng các mục tiêu đề ra trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngành giáo dục đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận: Văn bản điện tử, cung cấp các thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%; số hóa hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, xác thực định danh điện tử đạt tỷ lệ cao; các chỉ tiêu sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, giáo án điện tử, sử dụng chữ ký số đạt 100%; thu các khoản phí, lệ phí thanh toán không dùng tiền mặt… đạt 90-100%.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số nên chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc truyền thống; chưa chủ động học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào các hoạt động dạy, học và quản lý. Công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT với các sở, ngành liên quan chưa đồng bộ nên kết quả không đạt như mong muốn…
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị ngành giáo dục phải quán triệt mục tiêu trọng tâm từ nay đến năm 2025, toàn ngành phải nỗ lực thực hiện các yêu cầu của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục. Đồng thời, phải cụ thể hóa, lộ trình hóa. Có như vậy thì quá trình chuyển đổi số giáo dục trên địa bàn tỉnh mới đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh HÀ ANH DŨNG |
Đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện các đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục đang chuyển sang giai đoạn mới. Mặc dù được các địa phương, người đứng đầu cơ sở giáo dục ưu tiên thực hiện nhưng để mục tiêu đề án thành kết quả thực tế là khoảng cách khá xa. Nếu ngành giáo dục không sớm định vị lại các mục tiêu, tiềm lực và nhu cầu thực tiễn của mỗi đơn vị thì đề án khó tạo ra bước “nhảy” ngoạn mục về chất lượng nhằm nâng tầm giáo dục của tỉnh thời gian tới.
Tác giả: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn