UBND huyện Hớn Quản

https://honquan.binhphuoc.gov.vn


Chủ động trong nền kinh tế số

BPO - Theo Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 ngành ưu tiên. Thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp nói chung và lĩnh vực hợp tác xã (HTX) nói riêng là hướng đi tất yếu nhằm thay đổi phương thức quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhanh nhạy thích ứng

Phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo của HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp không nuôi cấy theo kiểu truyền thống, bởi đông trùng hạ thảo là loại nấm chất lượng cao, đòi hỏi môi trường phải tuyệt đối sạch và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, âm thanh. “Các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng đều được đầu tư, trang bị hệ thống máy tự động để giảm tác động của con người và thời tiết. Từ đó cho chất lượng nấm ổn định và đồng đều” - anh Trương Quang Ninh, thành viên HTX chia sẻ.

Phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo của HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh

Song song với sản xuất, việc áp dụng các nền tảng số trong tiêu thụ sản phẩm cũng được HTX tận dụng tối đa như: sản xuất video ghi lại quá trình nuôi cấy nấm, livestream giới thiệu công dụng và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm để không chỉ thu hút người xem, mà qua đó việc bán hàng cũng thuận lợi hơn. 

Chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX chia sẻ: “Với lợi thế trẻ tuổi, nhạy bén công nghệ, các sàn thương mại số là công cụ để chúng tôi tận dụng quảng bá sản phẩm. 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng để HTX tiếp tục xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu”.

Tuy mới hoạt động nhưng HTX đông trùng hạ thảo PN Bình Phước đang chinh phục khách hàng bởi sản phẩm chất lượng và đa dạng cách quảng bá trên nền tảng công nghệ. Ngoài các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, HTX cũng đang phát triển thành công nhiều dòng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khác nhau từ trung cấp đến cao cấp, như: đông trùng sấy thăng hoa, yến chưng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, rượu đông trùng hạ thảo... Nhờ được đầu tư bao bì, đóng gói chỉn chu nên sản phẩm ngày càng hoàn thiện và được đông khách hàng biết đến, đặt mua. 

Không trông chờ, ỷ lại

Có thể thấy, CĐS không chỉ giải quyết bài toán về quản trị HTX, giảm thiểu công sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy quảng bá nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình CĐS trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh còn nhiều bất cập, khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS đang trong giai đoạn bước đầu, nhỏ lẻ và mới chỉ tập trung ở một số khâu như công nghệ tưới tiêu, chế biến, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử… “Trong quá trình CĐS, HTX rất cần cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tiếp cận nguồn vốn cũng như trang thiết bị hiện đại nhằm sản xuất ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường” - anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh mong muốn.

Tận dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm chính là lợi thế của Hợp tác xã đông trùng hạ thảo PN Bình Phước

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 226 HTX đang hoạt động, trong đó 196 HTX nông - lâm nghiệp, chiếm hơn 86%, với khoảng 50 HTX hoạt động hiệu quả; 84 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị với nhiều mức độ khác nhau tại các xã nông thôn mới; 9 HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, có 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Mặc dù tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể nhưng nhìn chung công tác triển khai các chính sách hỗ trợ HTX, đặc biệt là hỗ trợ về vốn và đất đai còn chậm. Bản thân các tổ chức kinh tế tập thể và phần lớn HTX hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, chưa đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định, kinh tế tập thể được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình CĐS, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thực tế các HTX vẫn gặp nhiều khó khăn bởi 3 nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Đây chính là bài toán đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước, cần cụ thể hóa các chính sách để các HTX dễ dàng tiếp cận.

Ông Nghiệp Quốc Vương, Giám đốc HTX thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước (TP. Đồng Xoài) cho biết: HTX đã áp dụng hoàn toàn phương pháp quản lý bán hàng bằng phần mềm, giúp quản lý nội bộ, từ việc nhập - xuất kho đến bán hàng, hạn chế tình trạng thất thoát, sai lệch hàng hóa. Cùng với đó là tận dụng kênh tiếp thị điện tử, marketing, bán hàng online trên nền tảng các sàn thương mại điện tử, trang web, mạng xã hội, thanh toán điện tử… Dù mới được khai thác nhưng ông Vương hài lòng bởi kết quả đem lại rất khả quan, dễ tiếp cận với nhu cầu của đa số người dùng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận còn nhiều trở ngại: “Chúng tôi chỉ mới làm riêng lẻ, chưa tạo được sự kết nối với các HTX khác trên địa bàn tỉnh cùng tận dụng công nghệ số để phát triển. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại, nguồn vốn còn hạn hẹp. Chất lượng nhân sự để đáp ứng việc CĐS thiếu và yếu. Đây thực sự là rào cản lớn khi phát triển kinh tế tập thể theo hướng CĐS”.

CĐS trong lĩnh vực kinh tế tập thể là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý và thành viên HTX. Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng đề án CĐS trong HTX và hỗ trợ cơ chế, chính sách, tài chính thì bản thân các HTX phải chủ động điều chỉnh phương thức hoạt động, CĐS từ những việc nhỏ nhất, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Khi đã chủ động, sẵn sàng, các HTX mới vững vàng trong bối cảnh, xu hướng mới và đón nhận cơ hội phát triển.

Tác giả bài viết: baobinhphuoc.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây