UBND huyện Hớn Quản

https://honquan.binhphuoc.gov.vn


Chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng

(Chinhphu.vn) - Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định điều này tại Hội thảo Dịch vụ tài chính-ngân hàng 2023 với chủ đề "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng và fintech-dữ liệu cá nhân" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức sáng 26/5.
Chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Tài chính-ngân hàng ở nước ta là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, trong 2 thập kỷ qua chúng ta đã chứng kiến công nghệ bùng nổ và phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có.

Công nghệ bùng nổ đã tạo ra những hình thái mới, những vật thể mới cũng chưa từng có mà Metaverse là một ví dụ. "Cách đây 2 thập kỷ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng có một ngày, có thể tương tác giữa thế giới thực và thế giới ảo", ông Vũ Viết Ngoạn nói.

Đối với doanh nghiệp, thuyết "lợi thế quy mô" để đánh giá năng lực của doanh nghiệp đã trở nên lỗi thời. Hiện nay, đánh giá năng lực của doanh nghiệp phụ thuộc vào chỉ số đánh giá tốc độ và năng lực thích ứng của doanh nghiệp đối với bên ngoài, đặc biệt là đối với công nghệ. Khả năng thích ứng để tiếp nhận và ứng dụng công nghệ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

Cũng theo nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tài chính-ngân hàng ở nước ta được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hàng đầu. Hiện nay, ở Việt Nam, có trên 30% dân số sử dụng app để giao dịch ngân hàng, chỉ đứng sau Trung Quốc (trên 41%). Việc ứng dụng chuyển đổi số của ngành tài chính-ngân hàng nước ta rất ấn tượng.

Để có được kết quả này, theo ông, có 3 trụ cột quan trọng. Thứ nhất là hạ tầng công nghệ-viễn thông, hạ tầng số của nước ta thời gian qua được đầu tư và hết sức coi trọng. Đây là sự cố gắng hết sức lớn, chứng tỏ sự nhạy bén của Chính phủ đối với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp luật, chính sách được quan tâm, cải thiện và đổi mới liên tục trong những năm qua.

Ngoài ra, với nền tảng dữ liệu, tuy nước ta có khởi đầu chậm hơn, nhưng gần đây đã tạo tiền đề hết sức lớn.

Ông Vũ Viết Ngoạn dự báo, thời gian tới, làn sóng chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đang có chương trình triển khai tập trung vào chuyển đổi số.

Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ sẽ ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn, có nghĩa là sự liên kết giữa các chủ thể trong nền kinh tế sẽ nhiều hơn, tạo ra nhiều loại hình mới dịch vụ mới cho người tiêu dùng. Fintech tiếp tục có nhiều không gian phát triển trong thời gian tới.

Chuyển đổi số sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM: TPHCM đang nghiên cứu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trong đó có ý tưởng đề xuất là hình thành một phố fintech, giống như Phố Wall của New York - Ảnh: VGP/Vũ Phong

TPHCM xem khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển

Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, chủ đề của Hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng và fintech-dữ liệu cá nhân" rất phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay và đặc biệt là với định hướng phát triển của TPHCM.

TPHCM hiện đang nghiên cứu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, trong đó có ý tưởng đề xuất là hình thành một phố fintech, giống như Phố Wall của New York. Các sở, ban ngành đang nghiên cứu ý tưởng này.

Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho TPHCM đến năm 2030 phải trở thành đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. Đến năm 2030, kinh tế số của TPHCM phải chiếm 40% GRDP của Thành phố.

Để thực hiện mục tiêu đó, TPHCM đã ban hành rất nhiều chính sách, tập trung vào lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định đây là 2 động lực, trọng tâm để giúp TPHCM phát triển và nổi trội trong thời gian tới.

TPHCM đã ban hành nhiều chính sách để các doanh nghiệp phát triển và hoạt động. Thành phố cũng tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, đầu tư phát triển hiệu quả các trung tâm ươm tạo khoa học, công nghệ tại các trường đại học, các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quan Trung để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

 

Song song với đó, TPHCM cũng đã ban hành rất nhiều đề án, chương trình quan trọng, như: Chương trình chuyển đối số TPHCM, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, Chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, sản phẩm CNTT và truyền thông giai đoạn 2020-2030…

Về chủ đề năm 2023, TPHCM chọn chủ đề chuyển đổi số là dữ liệu số. TPHCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng chiến lược phát triển dữ liệu số TPHCM, chiến lược quản trị dữ liệu số TPHCM, trong đó tập trung 3 nhóm dữ liệu lớn: Dữ liệu đất đai, đô thị; dữ liệu thông tin người dân; dữ liệu phát triển tài chính doanh nghiệp.

Ông Lâm Đình Thắng khẳng định, với sự nỗ lực của TPHCM thời gian qua, kết quả chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo Thành phố rất đáng ghi nhận. TPHCM hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Năm 2022, TPHCM đứng ở vị trí 111, tăng 68 bậc so với năm 2021. TPHCM hiện xếp thứ 3 toàn quốc về chuyển đổi số. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên THHCM đánh giá được mức độ đóng góp của kinh tế số và GRDP là 15,3%, vượt so với chỉ tiêu Thành phố đặt ra là 15%.

Tác giả bài viết: baochinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây