UBND huyện Hớn Quản

https://honquan.binhphuoc.gov.vn


CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5

Bỏ xét tuyển sớm, tăng mức hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng Việt Nam, Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… là chính sách nổi bật hiệu lực từ tháng 5. Ban biên tập trang thông tin điện tử huyện xin giới thiệu đến bạn đọc.
Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

Giờ học âm nhạc của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh tư liệu: Trung Kiên/TTXVN

Thay đổi quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng
Thông tư 06/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 5/5 sửa đổi nhiều quy định về tuyển sinh đại học, trong đó có bỏ xét tuyển sớm.
Xét tuyển sớm là các đợt tuyển sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ biến là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) kết hợp tiêu chí khác. Các đại học vẫn có thể dùng những phương thức này, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp, đồng thời quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp về thang chung.
Bộ cũng quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với thí sinh có thành tích đặc biệt hay có chứng chỉ ngoại ngữ, không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét, ví dụ tối đa 3 điểm trên thang 30. Đồng thời, các trường phải đảm bảo không có thí sinh nào có điểm xét tuyển (bao gồm cả điểm cộng và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng) vượt quá mức tối đa.
Với tổ hợp xét tuyển, Bộ không giới hạn số lượng, nhưng yêu cầu gồm ít nhất ba môn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo. Trong đó, Toán hoặc Ngữ văn là bắt buộc, với trọng số tính điểm không dưới 25%. Thực tế các năm trước, hầu hết trường đảm bảo điều này.
Các đại học được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn này để đưa vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không quá 50%. Trường hợp xét học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 với trọng số không dưới 25%. Thí sinh được xét tuyển thẳng không được xác nhận nhập học sớm như trước. Các em vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ. Các trường không được yêu cầu nhóm này cam kết hay xác nhận nhập học sớm. Tăng mức hỗ trợ học sinh vùng khó khăn
Hiệu lực từ 1/5, Nghị định 66/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và người trong diện hưởng chính sách.
Cụ thể, trẻ em học bán trú được hỗ trợ tiền ăn trưa 360.000 đồng/tháng, thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học. Học sinh bán trú và học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn 936.000 đồng, tăng khoảng 20% so với hiện nay.
Nếu học sinh và học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí được trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc được hỗ trợ 360.000 đồng.
Ngoài ra, học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo. Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 được hưởng thêm một tháng các chính sách trên.
Học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được cấp chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với kinh phí 1,08 triệu đồng. Mỗi năm học, học sinh được cấp hai bộ quần áo đồng phục và vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với kinh phí 1,08 triệu đồng.
Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp Tết Nguyên đán.
Điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng
Nghị định số 69/2025 hiệu lực từ 19/5, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam, trừ một số trường hợp. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 50% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc.
Tăng mức công tác phí cho cán bộ, công chức
Thông tư 12/2025 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 4/5. Trong đó, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị.
Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác là 300.000 đồng/ngày, tăng 100.000 đồng/ngày so với quy định hiện nay. Trường hợp đi công tác trong ngày, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi trong ngày, quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 400.000 đồng/người/ngày, tăng 150.000 đồng so với hiện nay. Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng) để chi trả cho người đi công tác.
Giá dịch vụ quản lý chung cư tại Hà Nội cao nhất 16.500 đồng/m2
Từ ngày 1/5, Hà Nội áp dụng khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Cụ thể, nhà chung cư không có thang máy có mức giá 700 đến 5.000 đồng/m2/tháng; nhà có thang máy từ 1.200 đến 16.500 đồng/m2/tháng.
Khung giá trên không áp dụng cho các dịch vụ cao cấp, nhà ở xã hội, nhà chung cư cũ chưa cải tạo và các trường hợp đã thống nhất giá qua Hội nghị nhà chung cư hoặc trong hợp đồng mua bán, thuê căn hộ.
Chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/ 5/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Nghị định này quy định đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định số 66/2025/NĐ-CP là đã bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi) vào diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập từ nguồn ngân sách nhà nước. Sự bổ sung này không chỉ góp phần phổ cập giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà còn bảo đảm công bằng trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế, từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục dân tộc đã tiếp cận đến hầu hết học sinh các cấp học và sinh viên, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trẻ em nhà trẻ bán trú vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập được xây dựng, ban hành trong những năm qua.
Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ 360.000 đồng tiền ăn trưa/tháng/trẻ (không quá 9 tháng/năm học). Ngoài ra, cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ (không quá 9 tháng/năm học) để quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em này.
Như vậy, định mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP tăng gấp đôi so với Nghị định số 105/2020/NĐ-CP (nhóm trẻ mầm non từ 3 – 6 tuổi được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng/trẻ). Việc tăng định mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ cho thấy tầm nhìn của việc hoạch định chính sách nhằm phát triển con người ngay từ những năm đầu đời.
Siết chặt quy chế thi tuyển công chức, viên chức
Thông tư 001/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ về ban hành Nội quy và Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 1/5/2025, đưa ra nhiều điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, thí sinh thi tuyển nếu đến muộn quá 5 phút đối với bài thi có thời gian tối đa 30 phút, hoặc quá 10 phút đối với bài thi từ 60 phút trở lên, sẽ không được tham gia thi, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định pháp luật.
Thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi những vật dụng cần thiết như bút viết, thước kẻ, nước uống trong bình trong suốt không dán nhãn hoặc có ký hiệu, giấy tờ yêu cầu của bài thi, thuốc (nếu có bệnh án). Tuyệt đối cấm mang điện thoại, các thiết bị ghi âm, ghi hình, máy tính, phương tiện truyền tin vào phòng thi.
Đáng chú ý, hành vi sử dụng điện thoại di động trong phòng thi sẽ bị đình chỉ thi ngay, thay vì chỉ bị cảnh cáo như trước đây.





 

Tác giả: BBT-HĐ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây