Bình Phước tạo đột phá từ nông nghiệp thông minh

Thứ hai - 26/06/2023 10:01 440
(CTTĐTBP) - Vốn là “thủ phủ” của cây cao su và điều, chỉ sau vài năm, tỉnh Bình Phước đã nổi lên là địa phương có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với các mô hình sản xuất, tiêu thụ theo phương thức nông nghiệp thông minh. Bước đột phá mới ấy là nhờ Bình Phước đẩy mạnh mũi nhọn ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống đến nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Trái ngọt của nông nghiệp thông minh
Từ ngày 22 đến 26/6, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Chương trình hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ 6 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 300 gian hàng trưng bày sản phẩm, quy trình, công nghệ tiêu biểu. Ấn tượng và đặc sắc của sự kiện này là đa dạng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao vốn chưa từng là thế mạnh của tỉnh, như: Sầu riêng, ổi ruột đỏ, bưởi da xanh, măng cụt, bơ, mít, yến sào, dưa lưới... Điểm đặc biệt là phần lớn các sản phẩm đều đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí như: Chứng nhận chất lượng OCOP (mỗi xã một sản phẩm), xây dựng mô hình canh tác VietGAP, GlobalGAP, hệ thống mã số vùng sản xuất...
 
tuoi nho giot
Hệ thống chăm sóc cây bơ dựa trên nền tảng internet được triển khai ở Nông trại Thiên Nông (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Trung Trần 
 
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, cho biết: Hưởng ứng chương trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp của tỉnh, HTX Nông Thành Phát tập trung đẩy mạnh hoàn thiện các yêu cầu về công nhận mã vùng trồng cho cây sầu riêng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giấy chứng nhận OCOP... Nhờ đó, HTX đã ký kết cung ứng cho các đối tác ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023.

HTX Phước Thiện (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) là một trong những điển hình thành công của chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Đến tham quan khu sản xuất hơn 800ha trồng mít ruột đỏ và vú sữa Hoàng Kim của cơ sở này, chúng tôi chứng kiến mô hình chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Khắp nơi đều được phủ sóng wifi để vận hành hệ thống tưới nước tự động, bón phân từ xa, camera quan sát, theo dõi thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm... Công nghệ số giúp thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối các kênh thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, chỉ trong hai năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp... Tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, phân bón, vận hành hệ thống VAHIS báo cáo trực tuyến cấp tỉnh về tình hình dịch bệnh; lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis)...

Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.997,8ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm; có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic...

Xây dựng chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số

Đồng chí Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước đã phát triển nông nghiệp đạt thành quả nổi bật trên cả 3 trụ cột, đó là sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Các trụ cột ấy gắn liền với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tạo nên phương thức sản xuất tiêu thụ mới, hiện đại và thông minh, bảo đảm minh bạch về sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu, tăng khả năng gia nhập thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Minh chứng là tại hội chợ sản phẩm nông nghiệp lần thứ 6 của tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP được sự đón nhận của người dân cũng như lượng hàng tiêu thụ đạt tỷ lệ cao.

Tham quan nhiều mô hình, dự các hội thảo, tìm hiểu tình hình nông nghiệp của tỉnh Bình Phước, chúng tôi nhận thấy, ít địa phương nào như Bình Phước đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp một cách đầy đủ, đồng bộ, có chiều sâu, phân cấp từ tỉnh đến cơ sở và tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của nông dân, cơ sở sản xuất. Nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp được cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ để đẩy mạnh bứt phá. Các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin-truyền thông, công thương, các cơ quan, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã; hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... tùy vào mỗi chức năng, nhiệm vụ đã tham gia tích cực, hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất nông nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước, ngành nông nghiệp Bình Phước đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động điều hành, quản lý chuyên ngành, quy hoạch ngành; nâng cao năng lực quản lý vùng an toàn dịch bệnh, hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, nông dân, HTX... Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Bình Phước phối hợp tập huấn chuyên đề về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên các sàn giao dịch.

Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các chương trình tập huấn cho hội viên, HTX, nhất là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart. Nhờ đó, nhiều nông dân, chủ cơ sở đã thuần thục các kỹ năng: Tạo gian hàng, đưa sản phẩn lên sàn, theo dõi đơn hàng trên sàn Postmart, cách chụp ảnh, quay clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách tạo mã QR, lập nhật ký số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu, xu thế phát triển tất yếu. Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp Bình Phước đã không còn là phong trào mà các hoạt động gắn liền với cả hệ thống chính trị, bám sát cơ sở, lấy hiệu quả, mục tiêu đạt được của từng hộ gia đình, mô hình sản xuất để đánh giá. Hơn nữa, nhờ tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các hộ nông dân, cơ sở sản xuất nên các mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, lan tỏa nhanh, sản phẩm đi xa hơn, có thị trường rộng lớn hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Bình Phước đang hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh vào năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ 20% trang trại, cơ sở sản xuất được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP được số hóa; thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện mô hình sản xuất cho một số HTX, đẩy mạnh đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...

Tác giả bài viết: Trung Kiên (Báo Quân đội Nhân dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay23,756
  • Tháng hiện tại1,233,047
  • Tổng lượt truy cập17,480,139
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây