'BẮT TAY' ĐƯA NÔNG SẢN LÊN SÀN

Thứ năm - 23/11/2023 15:19 542
BPO - Tận dụng thương mại điện tử (TMĐT) nhằm nâng cao ưu thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế toàn cầu đã và đang được các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mức độ sẵn sàng của DN không đồng đều, quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu kỹ năng và nhân lực marketing... Đây là những rào cản khiến DN chưa mạnh dạn bước vào sân chơi số. Để mở rộng các kênh bán hàng, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, một số DN trong tỉnh đã kết nối với các sàn TMĐT, đặc biệt khai thác lợi thế của kênh TikTok Shop để bán hàng đa kênh.

Cần gỡ rào cản

Từng có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Vũ Tiến Hoàng đã thành lập cơ sở mật ong Sông Bé với mong muốn xây dựng, định dạng thương hiệu mật ong Bình Phước. Sau 5 năm thành lập, mặc dù công ty đã tăng cường quảng bá thông qua các kênh bán hàng, tìm kiếm kênh phân phối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên với cách kinh doanh truyền thống, sản phẩm của công ty vẫn chưa tạo được cú hích trên thị trường.

Ông Vũ Tiến Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH mật ong Sông Bé, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: Các sản phẩm mật ong của công ty đã được cấp chứng chỉ về OCOP, ISO, kiểm nghiệm về đường, kháng sinh để đảm bảo cam kết với người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm đang bán trực tiếp là chính, đưa lên sàn TMĐT chủ yếu để quảng bá, giới thiệu chứ chưa bán được số lượng nhiều do còn những rào cản về nhân lực, công nghệ…


Các sản phẩm về mật ong của Công ty TNHH mật ong Sông Bé đã được cấp các chứng chỉ đảm bảo cam kết với người tiêu dùng về sản phẩm sạch, chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm chưa bán được số lượng nhiều trên sàn TMĐT

Hay như các sản phẩm yến sào tại Bình Phước được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã đa dạng với nhiều sản phẩm chế biến sâu. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm này chưa ổn định, thị trường chính vẫn đang xuất thô qua Trung Quốc. Để thương mại hóa sản phẩm, nhiều cơ sở kinh doanh đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, mạng xã hội nhưng số lượng bán trên các nền tảng này vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

“Ngày nay, internet, mạng xã hội đã trở thành kênh kết nối gần nhất với người tiêu dùng hiện đại. Thông qua đó, việc mua sắm trực tuyến đã dễ dàng hơn. Chúng tôi đang tập trung phát triển khách hàng trên các nền tảng số này. Kinh doanh qua sàn TMĐT không chỉ dừng lại ở khâu thu hoạch và bán, mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển. Điều quan trọng nhất là phải kể được câu chuyện về sản phẩm của mình, điều này chúng tôi đang yếu và rất cần sự hỗ trợ” - ông Bùi Viết Trung, chủ cơ sở Yến sào Viết Trung, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài chia sẻ.


Cơ sở yến sào Viết Trung, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài đang tập trung phát triển khách hàng trên các nền tảng số, mong muốn kể câu chuyện về sản phẩm của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội

Để giúp DN đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, thời gian qua các sở, ngành của tỉnh đã hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số… Tỉnh đã hỗ trợ 4 DN, hợp tác xã xây dựng website TMĐT bán hàng và 10 DN, hợp tác xã tham gia bán sản phẩm trên các sàn TMĐT trong nước như: Tiki, Lazada, Shopee. Sàn giao dịch nông sản Bình Phước đã hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký thành viên, tham gia 93 gian hàng với 380 sản phẩm quảng bá, chào bán trên sàn. Tuy nhiên, việc triển khai này vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ rệt, chưa có nhiều DN, nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh bứt phá doanh số nhờ tận dụng nền tảng số.

Khai thác “mảnh đất màu mỡ”

Bán hàng trên các nền tảng số đang là mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, rất nhiều nông sản, sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của Bình Phước chưa được quảng bá rộng rãi, người tiêu dùng cũng chưa hiểu nhiều về câu chuyện làm ra các sản phẩm này. Vì vậy, việc kết nối cơ sở kinh doanh, DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong tỉnh với các kênh TMĐT, mạng xã hội TikTok sẽ tạo thêm cơ hội giúp DN tự quảng bá và bán sản phẩm của mình trên chợ online. Trong đó, kênh Ba Thức Group - đối tác hàng đầu của TikTok Shop Việt Nam đã được Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước chọn để kết nối, bắt tay với 3 DN được chọn ngẫu nhiên để đào tạo, hỗ trợ trong đợt này.

Ông Nguyễn Danh Khương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú cho biết: Các sản phẩm của công ty đang phân phối trên khắp cả nước. Công ty đã liên kết tiêu thụ với nhiều đối tác và có chuỗi cung ứng gần 1.000 cửa hàng ở 60 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên vẫn chưa cạnh tranh được với các sản phẩm đã có thương hiệu lâu đời hơn. Chúng tôi mong muốn qua nền tảng xã hội TikTok sẽ đưa doanh số công ty “bùng nổ” hơn trong thời gian tới.


Công ty cổ phần cao su kỹ thuật Đồng Phú mong muốn qua nền tảng xã hội TikTok sẽ đưa doanh số công ty “bùng nổ” hơn trong thời gian tới

Ông Lê Huy Thy, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Ba Thức Group chia sẻ: “Các DN tại Bình Phước đều có lợi thế là sản xuất lâu năm, có kinh nghiệm, câu chuyện để truyền thông nhưng đa số chưa biết khai thác nhằm quảng bá sản phẩm. Khi DN bắt tay với Ba Thức Group, chúng tôi sẽ “cầm tay chỉ việc”, đào tạo nhân sự, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kênh tùy vào lợi thế của từng DN trên cơ sở những tiềm năng DN đang có. Nếu khai thác tốt thế mạnh, hy vọng sẽ giúp DN lan tỏa thương hiệu nhanh với chi phí rẻ hơn”.

“Từ kinh nghiệm bán hàng trên TikTok Shop kết hợp công nghệ livestream, sắp tới Ba Thức Group sẽ cung cấp giải pháp bán hàng và marketing, bán hàng đa kênh kết hợp với PR, marketing cho các thương hiệu nông sản của Bình Phước. Không chỉ dừng lại ở việc kết nối quảng bá, bán nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, chúng tôi còn hỗ trợ các chủ thể tham gia kinh doanh nông sản online với các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình lập gian hàng, xây và vận hành kênh bán hàng” - ông Phan Minh Thức, Chủ tịch Công ty cổ phần Ba Thức Group cho biết.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Hiện hơn 73% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong số đó có tới 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Riêng tại Bình Phước, mua sắm trực tuyến đã trở thành hình thức phổ biến, doanh thu TMĐT năm 2023 ước đạt 2.260 tỷ đồng.

Người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang các nền tảng có tính tương tác cao để mua sắm, việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm đưa sản phẩm lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các sản phẩm địa phương. Những cái bắt tay của cơ quan quản lý nhà nước với các nền tảng thương mại số cùng với DN sẽ mang đến nhiều cơ hội cho những sản phẩm chủ lực của Bình Phước.

DN trong tỉnh đều mong muốn đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Tuy nhiên, họ vẫn loay hoay, chưa biết cách do những hạn chế về kỹ năng, nhân lực, công nghệ. Vì vậy, việc kết nối DN với đơn vị đồng hành, tư vấn, cung cấp giải pháp công nghệ sẽ là chất xúc tác giúp DN lựa chọn những giải pháp tối ưu, đa chiều, đa kênh để tiếp cận đa đối tượng khách hàng. Đây cũng là giải pháp gỡ khó cho DN trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh
TRẦN QUỐC DUY

Trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các DN tại tỉnh có những bước chuyển đổi số khi đưa ra các chiến lược kinh doanh dài hạn sẽ giúp DN “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là nhóm DN kinh doanh đa kênh, đa nền tảng. Những giải pháp kết nối giữa “các nhà” sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng DN phát triển bền vững trên nền tảng số.

Tác giả bài viết: theo baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập211
  • Hôm nay9,080
  • Tháng hiện tại1,218,371
  • Tổng lượt truy cập17,465,463
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây