DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN - VÌ SAO KHÓ?

Thứ năm - 16/11/2023 15:18 1412
BPO - Tháng 12-2019, Cổng dịch vụ công quốc gia đưa vào vận hành chính thức đã trở thành kênh “hiện đại hóa” thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Tại Bình Phước, bắt đầu từ ngày 19-5-2020, tỉnh đã triển khai dừng việc tiếp nhận thủ tục bằng văn bản giấy. Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xây dựng với kỳ vọng rút ngắn thời gian, công sức và chi phí thực hiện TTHC. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả cổng DVCTT tại một số nơi, một số thời điểm đạt thấp do những hạn chế về kỹ thuật và công nghệ; “sức ì” của người dân cũng như những cơ chế, chính sách chưa đồng bộ...

DVCTT tại những địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn đang là bài toán khó vì hạn chế về trang thiết bị, đường truyền internet, khoảng cách địa lý, trình độ dân trí, điều kiện sử dụng các thiết bị điện tử và “sức ì” của người dân. Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh sử dụng DVCTT, song do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên kết quả đạt được chưa như mong đợi. 

Nhiều tiện ích nhưng ít người dùng

Sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và có thể thực hiện ở bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu trên môi trường mạng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa chọn hình thức này để nộp TTHC mà vẫn trực tiếp đến cơ quan hành chính ngồi chờ đến lượt.

Mặc dù biết đến dịch vụ công và cũng đã được hướng dẫn tạo tài khoản nhưng do tâm lý ngại sai sót, muốn trực tiếp nộp hồ sơ để hỏi thêm các thắc mắc hoặc kịp thời bổ sung giấy tờ khi cần thiết nên khi cần giải quyết TTHC, bà Phạm Hoài Thu ở thôn 5, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng vẫn phải mang một sấp hồ sơ ra bộ phận một cửa xã nhờ công chức làm thay. Bà Tâm cho biết: Tôi đã thu xếp công việc để dành một buổi lên xã làm thủ tục, ngồi chờ và hỏi trực tiếp cán bộ vẫn hay hơn là tự mày mò gửi trên mạng. Do mình không rành về công nghệ nên có khi ngồi cả ngày làm cũng không xong.

Người dân vẫn chưa thay đổi thói quen nộp thủ tục hành chính bằng giấy nên cán bộ Công an xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng vừa tiếp nhận hồ sơ trực tiếp vừa hướng dẫn người dân thực hiện online

Không sử dụng điện thoại thông minh, ngại tiếp cận công nghệ thông tin, ngại tìm hiểu quy trình, cách thức thực hiện… là những lý do người dân đưa ra để liên tục trì hoãn sử dụng dịch vụ công. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà còn tạo thêm áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ.

Anh Cao Tấn Phát ở thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng cho biết: “TTHC gia đình mình phát sinh rất ít, có khi một năm mới đi làm một lần. Nay mình đi làm giấy khai sinh cho con, mặc dù đã được hướng dẫn nộp trên dịch vụ công nhưng vì lâu mới làm nên không nhớ”.

“Mặc dù đã quyết liệt thực hiện không tiếp nhận hồ sơ giấy, tất cả TTHC của xã đều đã nâng lên mức độ 3, 4; hệ thống máy móc tại bộ phận một cửa được đầu tư đồng bộ cùng với hệ thống wifi miễn phí để người dân dễ dàng truy cập nhưng vẫn rất ít người dùng. Xã cũng thành lập nhiều tổ công nghệ số cộng đồng tới tận nhà hướng dẫn trực tiếp cho người dân... Tuy nhiên, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà xã đang triển khai" - ông Võ Minh Phước, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết.

Còn với xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, mặc dù đa số người dân đã được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công nhưng không mấy ai sử dụng. Bên cạnh quan tâm đầu tư nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, lãnh đạo xã đã tìm nhiều giải pháp phù hợp để tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức nhưng vẫn chưa phá bỏ được “sức ì” từ phía người dân. Cán bộ, công chức thay vì chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn thì nay phải kiêm thêm việc nộp TTHC thay cho người dân lên hệ thống. Điều này đang gây áp lực rất lớn cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa.

Chị Lê Thị Toàn, công chức Văn phòng - Thống kê xã Minh Hưng cho hay: “Khó khăn nhất là từ phía người cao tuổi, đây cũng chính là đối tượng thực hiện TTHC nhiều nhất. Đa phần người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh hoặc sử dụng nhưng cũng không biết quy trình nộp nên rất khó hướng dẫn. Thay vì làm việc hết giờ hành chính thì chúng tôi thường tăng ca tới 12 giờ trưa, làm việc cả ngày cuối tuần để không chỉ hướng dẫn cho người dân mà còn để kịp tiếp độ công việc thường ngày chưa giải quyết xong”. 

"Xã triển khai rất nhiều giải pháp nhưng cũng phải làm từng bước. Đặc biệt tập trung vào lớp trẻ, triển khai trong các trường học để mỗi hộ có ít nhất một người biết sử dụng dịch vụ công. Xã cũng quy định mỗi cán bộ, đảng viên phải có tài khoản định danh và thực hiện TTHC trên mạng. Đồng thời đưa vào tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Khó khăn thì nhiều nhưng không làm thì chẳng bao giờ tới đích" - ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng chia sẻ.

Cần đổi mới, thân thiện, dễ sử dụng

TTHC nộp trên dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả trên môi trường mạng. Đặc biệt, người dân sẽ biết được tiến độ giải quyết hồ sơ đã thực hiện đến đâu. Tuy nhiên, những tiện ích này chưa được khai thác tối đa.

Lĩnh vực đất đai có lượng hồ sơ phát sinh rất lớn nhưng thủ tục hành chính còn rườm rà, khó sử dụng dẫn đến người dân e ngại khi thực hiện. Trong ảnh: Người dân đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Chơn Thành giải quyết hồ sơ về đất đai

Ngoài những rào cản là trang thiết bị, đường truyền internet, khoảng cách địa lý, trình độ dân trí, điều kiện sử dụng các thiết bị điện tử thì theo nhiều người dân, DVCTT mặc dù dễ tiếp cận nhưng để sử dụng thì lại khó, vì phải khai lại thông tin nhiều lần; một số thủ tục vẫn yêu cầu phải tải và in mẫu tờ khai hoặc phải scan giấy tờ khiến người dân phải thực hiện thêm nhiều bước. Đơn cử như lĩnh vực đất đai có lượng hồ sơ phát sinh rất lớn nhưng TTHC còn rườm rà, khó sử dụng dẫn đến người dân e ngại khi thực hiện...

Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để đơn giản hóa các bước thực hiện TTHC trực tuyến, phải làm thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích thực sự khi sử dụng DVCTT.

Các sở, ban, ngành cùng với lãnh đạo tỉnh rà soát lại cổng DVCTT triển khai cho người dân đã thân thiện, hấp dẫn người dùng chưa? Ở đây có những thông tin mà người dân cần và có được sắp xếp ở vị trí ưu tiên không? Cách thức và thao tác thực hiện TTHC trên cổng DVCTT phải đơn giản, thuận tiện hơn nữa... Khi giải quyết TTHC trực tuyến nhanh hơn, đơn giản hơn làm trực tiếp, chắc chắn người dân sẽ sử dụng.

Tiến sĩ BÙI PHƯƠNG ĐÌNH, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình Phước đang thực hiện bước đi khá mạnh mẽ trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử. Nhiều TTHC từ cấp tỉnh đến xã đã được đưa lên cổng DVCTT để giảm bớt chi phí, thời gian của nhân dân. Vì vậy, để xây dựng Chính phủ số phải có nhiều công dân số, nghĩa là người dân am hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Sự chủ động, chung tay, đồng lòng của người dân là rất quan trọng, vì mọi nguồn lực đầu tư đều hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, nhân dân là đối tượng hưởng lợi. Chuyển đổi số chỉ đạt được hiệu quả cao khi người dân hiểu và chủ động tham gia.

Tác giả bài viết: theo baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập255
  • Hôm nay88,960
  • Tháng hiện tại1,201,165
  • Tổng lượt truy cập17,448,257
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây