
Trong không khí trang nghiêm, các thành viên trong đoàn thành kính dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Mỗi nén hương như một lời tri ân sâu sắc gửi đến những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là di tích lịch sử tiêu biểu, có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn. Đầu năm 1970, tình hình chiến trường có lợi cho ta, Bộ chính trị ra Nghị quyết “Mở cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Miền Đông Nam Bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên với mục tiêu là tiêu diệt quân địch và mở rộng vùng giải phóng. Miền Đông Nam Bộ là hướng rất quan trọng. Trên hướng này, ta mở chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Địa bàn chiến dịch gồm các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Đối với địa bàn tỉnh Bình Phước, chiến dịch diễn ra trên pham vi các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, thị xã Chơn Thành và Bình Long ngày nay với đường chiến lược 13 là Quốc lộ 13 trước di tích hiện nay. Trên hướng chiến lược đường 13, có 3 Sư đoàn được giao nhiệm vụ đó là Sư đoàn 5 đánh trận then chốt mở đầu chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, Sư đoàn 7 được giao nhiệm vụ chốt chặn trên đường 13.
Trong suốt 150 ngày đêm từ ngày 05/4/1972 đến ngày 28/8/1972, trên một đoạn đường dài gần 20km đoạn từ cầu Cần Lê đến Nam Chơn Thành lấy Tàu Ô làm điểm chốt chính, Sư đoàn 7 cùng quân dân địa phương với lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đặc biệt là vận dụng linh hoạt cách đánh chốt với tiến công, dựa vào hệ thống công sự liên hoàn, hệ thống hầm chữ A vững chãi, che chắn, thực hiện: “Chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống”, qua đó đánh bại mọi cuộc tiến công của địch, buộc chúng phải rời khỏi vùng tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13. Mỹ – ngụy ví con đường 13 là con đường không vui, con đường máu và nước mắt.
Với chiến thắng tại Chốt chặn Tàu ô đã góp phần vào thành tích chung của chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tổng tiến công chiến lược 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi đàm phán với ta về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Học viên dâng hương và tìm hiểu về Di tích
Buổi lễ không chỉ là sự kiện mang tính tri ân mà còn là cơ hội để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh. Đứng trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ. Hôm nay, tập thể lớp nhận thức về Đảng đợt 1, năm 2025 quyết tâm kế tục và phát huy truyền thống cách mạng của lớp lớp cha anh đi trước, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển.

Tập thể lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đợt 1, năm 2025 chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài