Sự hình thành và phát triển

Trước thế kỷ XVI, vùng đất Hớn Quản toàn rừng rậm, rất thưa vắng bóng người, chỉ có số ít người dân tộc thiểu số thuộc tộc người S’tiêng, Mnông, Tà Mun, Khmer sống tụ tập trong vài buôn, sóc; lấy bờ suối, bìa rừng, bưng bàu dựng lều trại làm nơi trú ngụ.

 
Công cuộc khai phá của triều đình nhà Nguyễn từ cuối thế kỷ XVII đã làm cho xứ Đàng Trong ngày càng nhiều dân cư từ Đàng Ngoài vào sinh cơ  lập  nghiệp.  Năm  1698, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý vào phương Nam để xác lập nền hành chính của vùng đất Nam Bộ. Vùng đất Hớn Quản lúc bấy giờ thuộc tổng Bình An, huyện Phước Long, phủ Gia Định. Trong huyện Phước Long có đặt dinh Trấn Biên. Sau khi triều Nguyễn nâng huyện Phước Long lên thành phủ thì tổng Bình An thuộc về trấn Biên Hòa và được nâng lên thành huyện Bình An, gồm 2 tổng là An Thủy và Bình Chánh. Vùng đất Hớn Quản nằm trong địa hạt tổng Bình Chánh, huyện Bình An, trấn Biên Hòa. Đến niên hiệu Thiệu Trị, huyện Bình An thành lập thêm một số tổng mới, trong đó có tổng Quảng Lợi. Hớn Quản là một thôn nằm trong tổng Quảng Lợi, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa.
Năm 1862, triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất giao ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Thực dân Pháp đã thiết lập nền hành chính mới, chia tỉnh Biên Hòa ra thành 5 hạt, trong đó có hạt Bình An, lỵ sở đặt tại Thủ Dầu Một. Đến năm 1869 Pháp lại đổi hạt Bình An thành hạt Thủ Dầu Một. Vùng đất Hớn Quản lúc đó vẫn là một thôn thuộc tổng Quảng Lợi, hạt Thủ Dầu Một.

Năm 1906, thực dân Pháp tăng cường xiết chặt quản lý ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng thành lập đại lý hành chính Hớn Quản thuộc huyện Phước Long, tỉnh Biên Hòa.
 
Năm 1912, Pháp cho tách một phần tỉnh Biên Hòa và một phần tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một. Hớn Quản trở thành đơn vị hành chính cấp quận của tỉnh Thủ Dầu Một. Lúc này quận Hớn Quản có 3 tổng là tổng Tân Minh (gồm có 4 làng người Kinh là Tân Quang, Tân Thành, Tân Phú, Tân Khai), tổng Minh Ngãi và tổng Quảng Lợi. Sau năm 1954, Hớn Quản vẫn là một quận của tỉnh Thủ Dầu Một.
 
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam thế chân thực dân Pháp với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta bằng việc thành lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Sau đó chính quyền Diệm cho tách một số quận của hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa để thành lập hai tỉnh mới là tỉnh Bình Long và Phước Long. Tỉnh Bình Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143/NV ngày 22-10-1956, gồm 3 quận trực thuộc là An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành. Hớn Quản là một phần đất thuộc quận An Lộc. Vào thời điểm hình thành, quận An Lộc có 14 xã người Kinh và 29 xã người dân tộc thiểu số.
 
Từ năm 1966 đến năm 1975, tỉnh Bình Long chia làm 3 quận với 29 xã. Trong đó, quận An Lộc có 15 xã. Địa bàn Hớn Quản lúc đó chiếm phần lớn diện tích của quận An Lộc.
 
Về hệ thống tổ chức hành chính của phía cách mạng: Tháng 5 - 1951, để lãnh đạo đấu tranh cho phù hợp với tình hình thực tế, ta sáp nhập hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên. Lúc này, Hớn Quản là đơn vị hành chính cấp quận thuộc tỉnh Thủ Biên. Năm 1960 ta thành lập tỉnh Bình Long, Hớn Quản là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Bình Long với mật danh C55. Năm 1971, ta sáp nhập tỉnh Bình Long và Phước Long thành Phân khu Bình Phước, Hớn Quản là một quận thuộc Phân khu Bình Phước. Năm 1972 ta đổi Phân khu Bình Phước thành tỉnh Bình Phước. Cho đến năm 1975, Hớn Quản vẫn là một quận thuộc tỉnh Bình Phước.
 
Tháng 7-1976, tỉnh Bình Phước sáp nhập vào tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Sông Bé, Hớn Quản là một trong 14 huyện, thị của tỉnh Sông Bé.
 
Ngày 11-3-1977, sáp nhập các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản và Chơn Thành thành huyện Bình Long.
Tháng 2-1978, tái lập lại huyện Lộc Ninh theo địa giới hành chính huyện Lộc Ninh cũ. Huyện Bình Long còn lại gồm các xã của huyện Hớn Quản và các xã của huyện Chơn Thành cùng thị xã Bình Long ngày nay. An Lộc là thị trấn của huyện Bình Long.
 
Tháng 1-1997, tỉnh Sông Bé tách thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Huyện Bình Long trong đó bao gồm cả Hớn Quản, Chơn Thành và thị xã Bình Long ngày nay, là một trong 5 huyện của tỉnh Bình Phước.
 
Tháng 5-2003, tỉnh Bình Phước có thêm 2 huyện mới là huyện Chơn Thành và huyện Bù Đốp, trong đó huyện Chơn Thành được tách ra từ huyện Bình Long và huyện Bù Đốp được tách ra từ huyện Lộc Ninh. Hớn Quản vẫn là vùng đất thuộc huyện Bình Long.
 

Lãnh đạo tỉnh tham dự lễ công bố ngày đổi tên huyện Bình Long thành huyện Hớn Quản
 
Ngày 11-8-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP thành lập thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản. Theo đó, thị xã Bình Long gồm thị trấn An Lộc cùng với 2 xã Thanh Phú, Thanh Lương và một phần diện tích của xã An Phú để thành lập thị xã. Phần đơn vị hành chính còn lại của huyện Bình Long cũ, gồm 12 xã là Tân Khai, Thanh Bình, Minh Đức, Minh Tâm, Đồng Nơ, Tân Hiệp, An Phú, Phước An, Tân Lợi, Tân Hưng, Thanh An, An Khương, lấy xã Tân Quan thuộc huyện Chơn Thành để thành lập huyện Hớn Quản.

  Ý kiến bạn đọc

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay1,039
  • Tháng hiện tại328,497
  • Tổng lượt truy cập25,449,989
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây