NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 33/2023/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Thứ ba - 13/06/2023 08:45
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã thay thế 04 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, do đó có nhiều điểm mới. Ban biên tập trang Facebook xin giới thiệu đến bạn đọc.
Đồng chí Phan Thị Kim Oanh - PBT HU, CT UBND huyện vào thăm HTX Dưa lưới hữu cơ xã Thanh An
Đồng chí Phan Thị Kim Oanh - PBT HU, CT UBND huyện vào thăm HTX Dưa lưới hữu cơ xã Thanh An
Thay thế 4 Nghị định
Thứ nhất, về tên của Nghị định 33/2023/NĐ-CP: Nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Nghị định này thay thế 04 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, gồm:
(1) Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
(2) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
(3) Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn;
(4) Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (các quy định của pháp luật có liên quan là các văn bản hướng dẫn các Nghị định của cơ quan có thẩm quyền).
Không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã.
Thứ hai, về chức danh cán bộ, công chức cấp xã, Nghị định không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).
Bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã
Thứ ba, về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cụ thể như sau:
Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể như sau:
Theo quy mô dân số: Đối với phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định thì được tăng thêm 01 công chức và 01 người hoạt động không chuyên trách; đối với các ĐVHC còn lại, cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định thì được tăng thêm 01 công chức và 01 người hoạt động không chuyên trách;
Theo diện tích tự nhiên: Ngoài việc tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số nêu trên, mỗi ĐVHC cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định thì được tăng thêm 01 công chức và 01 người hoạt động không chuyên trách.
Trên cơ sở tổng số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo loại ĐVHC cấp xã và số lượng được tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên nêu trên (tính theo từng cấp tỉnh), Nghị định quy định việc thực hiện khoán cho từng địa phương (cấp tỉnh) và phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của từng ĐVHC cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả cấp tỉnh theo quy định này.
Căn cứ tổng số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được HĐND cấp tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở từng ĐVHC cấp xã cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do HĐND cấp tỉnh giao cho cấp huyện.
Phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố
Thứ tư, về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:
Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, theo đó Nghị định tiếp tục quy định 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.
Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đối với vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có đặc thù, Nghị định quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác)
Thứ năm, về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã:
Quy định hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã đối với những vấn đề nêu trên nhiều nội dung đã được thực hiện như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, theo đó để từng bước liên thông và thống nhất một nền hành chính công vụ, Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định này như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.
Đối với vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có đặc thù khác với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên thì quy định cụ thể trong Nghị định như sau:
Quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác) và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) cán bộ, công chức cấp xã.
Trường hợp đang là cán bộ, công chức cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ;
Việc tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (thực hiện theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ).
Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã đối với đội viên trí thức trẻ tình nguyện và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm
Thứ sáu, về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã:
Do chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, do đó không có đủ căn cứ pháp lý để quy định công chức cấp xã có chức danh Văn phòng Đảng ủy và một số chức danh thuộc cấp ủy cấp xã (hiện nay các địa phương đang bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm) nên Nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm.
Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã
Thứ bảy, về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố:
Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/01 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người).
Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những ĐVHC cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 01 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người tăng thêm.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở (trong đó, mức khoán 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc ĐVHC cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thôn, tổ dân phố thuộc ĐVHC cấp xã biên giới, hải đảo; mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các thôn, tổ dân phố còn lại). Đối với ĐVHC cấp huyện không tổ chức ĐVHC cấp xã thì thôn, tổ dân phố được xác định theo ĐVHC cấp huyện đó;
Trên cơ sở tổng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tính theo quy định nêu trên (tính theo từng cấp tỉnh) và nguồn kinh phí ngân sách dành cho cải cách tiền lương theo quy định ở địa phương, Nghị định quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý của từng ĐVHC cấp xã và tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập, nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn (ngân sách Trung ương không hỗ trợ).
Trường hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách mà có sáp nhập thôn, tổ dân phố thì không điều chỉnh giảm mức khoán quỹ phụ cấp (tính cho cả cấp tỉnh) nêu trên.
4

Đồng thời, Nghị định quy định việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì không phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan Trung ương.
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Thứ tám, Nghị định quy định các nội dung về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật và bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
BBT-NĐ

Tác giả: BBT-NĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay11,055
  • Tháng hiện tại488,835
  • Tổng lượt truy cập25,022,493
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây