Luật Phòng thủ dân sự có những nội dung cơ bản sau:
1. Những quy định chung (gồm 10 điều từ Điều 1 đến Điều 10) ), quy định những vấn đề chung của Luật như: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; thông tin về sự cố, thảm họa; cấp độ phòng thủ dân sự; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự và các hành vi bị nghiêm cấm.
2. Hoạt động phòng thủ dân sự (gồm 20 điều, từ Điều 11 đến Điều 30), quy định các nội dung về:
- Hoạt động phòng ngừa sự cố, thảm họa; hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra sự cố, thảm họa. Trong đó, quy định một số nội dung trọng tâm như: Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự; kế hoạch phòng thủ dân sự; công trình phòng thủ dân sự; trang thiết bị phòng thủ dân sự; hoạt động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, huấn luyện phòng thủ dân sự.
- Thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự.
- Các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, 2, 3, tình trạng khẩn cấp và tình trạng chiến tranh; biện pháp khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; cứu trợ, hỗ trợ thiệt hại; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ.
3. Chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự (gồm 5 điều, từ Điều 31 đến Điều 35), quy định các nội dung về:
- Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước.
- Lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi, trong đó: Lực lượng nòng cốt bao gồm Dân quân tự vệ và Dân phòng; Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
4. Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự (gồm 3 điều, từ Điều 36 đến Điều 38), quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tô chức; quyên và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trong phòng thủ dân sự.
5. Nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự (gồm 3 điều từ Điều 39 đến Đỉều 41), quy định về nguồn lực cho phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự và Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự.
6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự (gồm 12 điều, từ Điều 42 đến Điều 53), quy định nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự nói chung; trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
7. Điều khoản thi hành (gồm Điều 54 và Điều 55), quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến phòng thủ dân sự và thời điểm có hiệu lực hành Luật.
Để đảm bảo các nội dung của Luật được triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau: (1) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; (2) Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng thủ dân sự; (3) Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được Quốc hội giao trong Luật; (4) Tổ chức quán triệt việc thực hiện, phổ biến Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật; (5) Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia trên cơ sở tổ chức lại Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; (6) Chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp Bộ, ngành trung ương và các cấp địa phương.
Nguyễn Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật