Đôi nét về Đình thần Thanh an và các ngày lễ hội:Đình thần Thanh An gồm hệ thống các miếu thờ: Chánh điện phía tây thờ Thần Hoàng (Thần Hoàng là vị thần bổn xứ có công khai phá ra vùng đất này) và phía trước Chánh điện là tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên tả là miếu thờ Mẹ Địa Mẫu, bên hữu là miếu thờ Đức Thánh Trần.
Toàn cảnh Đình thần Thanh An |
Miếu thờ |
Lễ hội Đình Thần Thanh An gồm có các ngày lễ như: lễ hội Hạ Nêu, lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Cầu Bông, Lễ hội Thượng Nêu, trong đó có hai lễ hội lớn trong năm đó là Lễ hội Kỳ Yên diễn ra từ ngày 13 - 14 tháng 2 Âm lịch (lễ hội Kỳ Yên là lễ hội cầu cho Quốc thái Dân an); lễ hội Cầu Bông diễn ra từ ngày 15 - 16 tháng 10 Âm lịch (lễ hội Cầu Bông là lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu), đây là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc của nhân dân trong vùng, có ý nghĩa rất to lớn trong việc gắn kết cộng đồng khu dân cư, đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân sống trên địa bàn tề tựu về đây sinh hoạt trong những dịp lễ hội. Ngoài ra, nhân dân ở các địa phương lân cận cũng thường xuyên đến thăm viếng theo phong tục tín ngưỡng dân gian.
Bên cạnh đó, Đình thần Thanh An không chỉ là nơi diễn ra các lễ hội dân gian mà đây còn là nơi tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ tới những vị Anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước và còn là niềm tự hào của toàn thể bà con nơi đây. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2009 Uỷ ban nhân dân xã Thanh An đã ra Quyết định thành lập Ban quản lý Đình thần Thanh An, với 10 thành viên do cụ Nguyễn Văn Toàn làm Trưởng Ban để trông coi, bảo quản và duy trì các hoạt động. Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Ban quản lý Đình thần và bà con nhân dân nơi đây vẫn cùng nhau hướng một lòng, người góp công, người góp của để tổ chức và duy trì các hoạt động lễ hội hàng năm.
Hiện nay, nguyện vọng duy nhất của bà con, nhân dân nơi đây là mong muốn xây dựng được một ngôi miếu để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của toàn Dân tộc Việt Nam. Theo tôi, đó là tâm nguyện hết sức chân thành, giản dị, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó giáo dục nếp sống lành mạnh hướng về cội nguồn dân tộc cho mọi người, kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, tinh thần nhân ái, nghĩa tình, thuần phong mỹ tục, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng và chính quyền để bà con tiếp tục duy trì, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
Vết tích xưa của ngôi đình |
Vết tích xưa của ngôi đình |
Bá Báu – Phòng VH&TT