Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
2016-03-18T08:05:48+07:00
2016-03-18T08:05:48+07:00
https://honquan.binhphuoc.gov.vn/Dieu-kien-tu-nhien/Vi-tri-dia-ly-va-dieu-kien-tu-nhien-440.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
UBND huyện Hớn Quản
https://honquan.binhphuoc.gov.vn/uploads/honquan/loghq22.png
Thứ ba - 15/03/2016 14:43
1.1. Vị trí địa lý:
Huyện Hớn Quản nằm trên Quốc lộ 13 cách Chơn Thành khoảng 15 km, cách thị xã Bình Long khoảng 12 km, cách thị xã Đồng Xoài theo Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 khoảng 45 km. Với trục giao thông hiện có từ Hớn Quản đi Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi.
Ranh giới của huyện như sau:
- Phía Bắc giáp thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh;
- Phía Nam giáp huyện Chơn Thành;
- Phía Đông giáp huyện Bù Gia Mập và huyện Đồng Phú;
- Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh.
- Diện tích tự nhiên của huyện là: 66.379,8 ha.
- Huyện có 13 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm các xã: Thanh An, An Khương, Tân Khai, Đồng Nơ, Tân Hiệp, Minh Đức, Minh Tâm, Tân Lợi, Phước An, Tân Hưng, Thanh Bình, An Phú và Tân Quan.
- Giao thông thuận lợi với Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 giao nhau tại Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) là tuyến giao thông quan trọng nối Tây nguyên và các tỉnh khác trong khu vực. Trong tương lai gần, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn tại Bình Dương sẽ kết nối với Bình Phước sẽ tạo cho Bình Phước nói chung và huyện Hớn Quản nói riêng có điều kiện giao thông thuận tiện đến Tp. Hồ Chí Minh và các đầu mối giao thông quốc tế như Sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, cảng nước sâu Thị Vải, cảng Cát Lái,v.v…
Trong tương lai Hớn Quản nằm trên trục đường sắt Xuyên Á; có đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Hoa Lư.
Với vị trí nêu trên, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
1.2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên
1.2.1. Đặc điểm khí hậu
Tỉnh Bình Phước nói chung và huyện Hớn Quản nói riêng nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
a) Nhiệt độ không khí
Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,8 - 26,20C. Nhìn chung sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, khoảng 7 - 90C nhất là vào các tháng mùa khô.
- Nhiệt độ trung bình: 26,70C/năm;
- Nhiệt độ tháng cao nhất: 28,70C (tháng 4);
- Nhiệt độ tháng thấp nhất: 25,50C (tháng 12);
- Nhiệt độ cao tuyệt đối: 39,50C;
- Nhiệt độ thấp tuyệt đối: 16,50C.
b) Độ ẩm không khí
- Do chế độ theo mùa nên biên độ cao dao động về độ ẩm không khí giữa mùa mưa và mùa khô khá lớn.
- Độ ẩm trung bình hàng năm từ 80,8 - 81,4%.
- Bình quân năm thấp nhất là 45,6 - 53,2%, tháng có độ ẩm cao nhất là 88,2%, tháng có độ ẩm thấp nhất là 16%.
- Độ ẩm tháng cao nhất 91% (tháng 9).
c) Mưa
- Lượng mưa bình quân hàng năm biến động từ 2.045 - 2.325 mm.
- Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 - 11, chiếm 85 - 90% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất 376 mm (tháng 7).
- Mùa khô từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 5 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 10 - 15% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 2 và tháng 3.
- Lượng bốc hơi hàng năm khá cao từ 1.113 - 1.447 mm. Thời gian kéo dài quá trình bốc hơi lớn nhất vào tháng 2, 3 và 4.
d) Nắng
- Nằm trong vùng dồi dào nắng. Tổng số giờ nắng trong năm từ 2.400 - 2.500 giờ. Số giờ nắng bình quân trong ngày từ 6,2 - 6,6 giờ. Thời gian nắng nhiều nhất vào tháng 1, 2, 3, 4 và thời gian ít nắng nhất vào tháng 7, 8 và 9.
- Khu vực không có sương mù.
e) Gió
- Mỗi năm có 2 mùa gió theo 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa, gió thịnh hành Tây - Nam. Về mùa khô, gió thịnh hành Đông - Bắc. Chuyển tiếp giữa hai mùa còn có gió Đông và Đông Nam.
- Tốc độ gió trung bình đạt 10 - 15 m/s, lớn nhất 25 - 30 m/s (90 - 110 km/h). Khu vực này không chịu ảnh hưởng của gió bão.
1.3. Tài nguyên khoáng sản
Theo Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 3/1/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về phê duyệt dự án: “Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Phước đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020”.
Đối với huyện Hớn Quản có tài nguyên khoáng sản bao gồm:
- Khoáng sản sét gạch ngói: tổng diện tích 598 ha với trữ lượng là 24.750.000 m3, trong đó đến năm 2010 là 115 ha và trữ lượng 4.250.000m3, giai đoạn 2011-2015 diện tích là 30ha và trữ lượng là 900.000m3 còn lại dự trữ cho các giai đoạn sau.
- Khoáng sản đá xây dựng: tổng diện tích 1.741 ha với trữ lượng là 330.300.000m3, trong đó đến năm 2010 là 146 ha và trữ lượng 28.100.000m3, giai đoạn 2011-2015 diện tích là 120ha và trữ lượng là 24.000.000m3 còn lại dự trữ cho các giai đoạn sau.
- Khoáng sản Laterit - đất phún sỏi đỏ: tổng diện tích 892ha với trữ lượng là 26.360.000m3, trong đó đến năm 2010 là 181ha và trữ lượng 5.030.000m3, giai đoạn 2011-2015 diện tích là 376ha và trữ lượng là 11.280.000m3 còn lại dự trữ cho các giai đoạn sau.
Với điều kiện về vị trí địa lý và tài nguyên trên, huyện Hớn Quản có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực (nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ).