UBND huyện Hớn Quảnhttps://honquan.binhphuoc.gov.vn/uploads/honquan/loghq22.png
Thứ hai - 04/01/2021 08:32
Với “slogan” ai thừa đến cho, ai thiếu đến lấy, gian hàng từ thiện xã An Khương (Hớn Quản) như một trung tâm trao đổi hàng hóa nhưng không mang lại giá trị thặng dư cho bên bán. Qua đó, huy động được khối đông tham gia đóng góp sức người, sức của, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn cùng đồng bào mình.
AI THỪA ĐẾN CHO Học hỏi mô hình từ các đơn vị bạn, hội Chữ thập đỏ xã An Khương đã tham mưu UBND xã thành lập gian hàng từ thiện. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, gian hàng rộng khoảng 50m2. Để “hút khách”, gian hàng được đặt trên mặt tiền trục đường nhựa chính gần UBND xã, nơi có đông người qua lại. Hội CTĐ xã đã tham mưu kí kết liên tịch với các ngành, đoàn thể, thành lập tổ quản lý chịu trách nhiệm thực hiện các khâu như trông coi cửa hàng, tiếp nhận nguồn hàng hỗ trợ từ các mạnh thường quân, phân phát quà cho người dân. Thông qua tuyên truyền từ các hội đoàn thể, mạng xã hội nhiều người dân biết đến gian hàng từ thiện hơn để “ai thừa đến cho, ai thiếu đến lấy”. Gian hàng không chỉ thu hút mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ mà nhiều người dân xung quanh, các cô giáo thấy thành viên trong tổ người xếp quần áo, người khuân vác đồ họ liền sắp xếp việc nhà, việc trường đến chung tay bài trí, dọn dẹp gian hàng. Họ là đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình. Có những tình nguyện viên tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tận tâm hỗ trợ sắp xếp, mở cửa gian hàng cho dân chọn hàng hay lặn lội vượt hàng cây số, ổ voi, ổ gà trong những ngày nắng bụi, mưa lầy, chở từng túi rau, thùng mì nghĩa tình đến với những người già neo đơn, tàn tật, xa trung tâm. Người có công góp công, người có của góp của, cứ thế tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng nhân ái đong đầy sau mỗi chuyến hàng nhận về và trao đi. Thông qua nhiều đầu mối hỗ trợ, gian hàng nhận được đa dạng các mặt hàng như chén bát, xoong nồi, quần áo cũ, rau, củ quả, mì gói, gạo… 14,5 triệu đồng tiền mặt, 262 thùng mì gói, 100 gói bột nêm, 300 quả trứng, hơn 3.000 kg rau, củ, quả các loại cùng số lượng lớn nhu yếu phẩm như bún khô, gia vị, muối, đường tổng trị giá trên 62 triệu đồng được phân thành 4.500 phần quà trao cho bà con nghèo, khó khăn xã An Khương đợt covid -19 vừa qua là con số biết nói về hiệu quả vận động bởi gian hàng từ thiện xã An Khương. Hiện nay, xã vận động nhân dân quyên góp mì gói, tiền, nhu yếu phẩm đem đến gian hàng để ủng hộ đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ. Kết quả, đã vận động được trên 42 triệu đồng, 15 thùng mì, một ít nước suối từ các mạnh thường quân, người dân, doanh nghiệp, trang trại trong và ngoài địa bàn. AI THIẾU ĐẾN LẤY An Khương là xã vùng sâu, có khoảng 65% dân số là đồng bào DTTS, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một số thanh niên tìm kế mưu sinh ở các công xưởng, nhà máy. Cùng với đó, xã có nhiều xưởng sản xuất mặt hàng vật liệu xây dựng, quy tụ lượng lớn gia đình công nhân xa xứ, họ là đối tượng gặp nhiều khó khăn. Gian hàng từ thiện xã ra đời đã góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho nhiều hoàn cảnh nhất là các đối tượng này. Gian hàng được bố trí tủ trưng bày, kệ để đồ và móc treo quần áo nhằm giúp người dân có nhu cầu dễ dàng lựa chọn cho mình món đồ ưng ý mà không mất nhiều thời gian và tiền bạc. Lịch mở cửa gian hàng vào các sáng thứ tư, thứ bảy và chủ nhật được niêm yết bên ngoài gian hàng. Ngoài ra, số điện thoại liên hệ để mạnh thường quân, người dân gọi khi muốn hỗ trợ hàng hay xin nhận hàng còn được niêm yết trên bảng hiệu để thuận tiện khi nhận và cho. Ông Trần Đăng Sinh, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ xã kể: “nhiều hôm tiếng chuông điện thoại reo lên, màn hình hiện số lạ, tôi bắt máy. Alo! đầu dây bên kia có tiếng phụ nữ vang lên, chú cho con đến gian hàng từ thiện để xin ít quần áo cho chồng con với mấy đứa nhỏ, cả nhà con mới ở miền Tây lên đây làm công nhân lò gạch ở xã nên chưa có tiền mua sắm gì, con biết ơn chú nhiều”. Cuộc gọi trong chốc lát ấy khiến ông thấy vui lây. Hay động lực đơn giản đối với ông Sinh là cuộc gọi của những thanh niên làm công nhân, lên lịch hẹn trước để chủ nhật được nghĩ làm sẽ đến lựa quần áo. Đợt giản cách xã hội do Covid 19 vừa qua, những người bán hàng rong, vé số và nhiều đối tượng khác gặp nhiều khó khăn…Vì thế, gian hàng từ thiện hoạt động sôi nổi lúc này là cứu cánh cho gia đình họ vơi bớt phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ông Ninh Văn Cường, Phó Chủ tịch hội CCB xã An Khương, thành viên tổ quản lý gian hàng phấn khởi nói: “Dịp covid 19 vừa qua, chúng tôi nhận được cơ man nào là rau, củ, quả, mì gói, bún khô và nhu yếu phẩm khác. Mỗi buổi sáng dân xếp hàng dài cả trăm mét trãi từ bưu điện xã đến gian hàng với khoảng cách 2m/người để nhận quà. Có hôm chúng tôi và tình nguyện viên phân loại trao trên 200 phần quà nhu yếu phẩm cho bà con ở đây. Ai cũng mệt nhưng được bà con vui mừng dành cho ánh nhìn trìu mến, chúng tôi vui lắm. Ở đây có cả những gia đình khá giả đem quần áo xịn mà họ đã chán đến gian hàng đổi đồ lao động về cho bà con lối xóm.” Thực tế trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ập đến khó lường như hiện nay, sức hút, sự lan tỏa tính ưu việt từ loại hình từ thiện mới mẻ này nhiều mô hình gian hàng từ thiện hay tủ quần áo từ thiện, ATM từ thiện đã ra đời. Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả nghĩa tình mang lại, vẫn còn một số mô hình chưa phát huy tối đa hiệu quả xã hội do thiếu sự quan tâm cho công tác quản lý, thiếu người trông coi, dọn dẹp, phân loại hàng. Vì vậy, để các gian hàng, mô hình phát huy hiệu quả, ngoài tinh thần, trách nhiệm thì cần một nguồn kinh phí có thể trích từ nguồn xã hội hóa để duy trì bộ máy hoạt động, có như vậy các gian hàng mới phát huy tối đa công năng sử dụng, hành thiện, giúp ích cho đời. Ảnh: các thành viên và các tình nguyện viên phát nhu yếu phẩm cho bà con nghèo xã An Khương.