Nhiều tiềm năng
Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở tỉnh Bình Phước gắn bó với mô hình trồng tre. Hộ trồng ít khoảng 1 ha, hộ trồng nhiều lên đến hàng chục hécta. Đầu tư trồng tre không tốn nhiều chi phí, mỗi hécta chỉ khoảng 1 triệu đồng tiền giống. Sau 18 tháng trồng sẽ cho thu hoạch măng. Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Chỉ cần đủ nước tưới vào mùa khô là cây phát triển tốt và tre hiếm khi bị sâu bệnh phá hoại. Nông dân trồng chủ yếu các loại tre điền trúc, mạnh tông để lấy măng. Đây là những giống tre năng suất cao, mỗi năm 1 ha có thể cho thu hoạch hàng chục tấn măng tươi.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (bìa trái) và đoàn công tác thăm vườn tre của ông Nguyễn Trung Tuấn (giữa)
Trồng tre lấy măng là cách làm kinh tế theo kiểu “làm chơi, ăn thật” vì công sức bỏ ra không nhiều nhưng lại có nguồn thu khá. Trung bình 1 ha trồng 300 bụi tre, chi phí hết 50 triệu đồng, 1 bụi tre cho thu hơn 500kg măng mỗi năm. “Theo tôi, trồng tre nhàn hơn các loại cây công nghiệp khác, 1 năm chỉ cần đắp đất vào gốc 1 lần, mùa khô tưới nước, bón phân cho cây. Đến mùa măng thì 2 ngày cắt măng 1 lần, thương lái đến tận vườn thu mua” - chị Nguyễn Thị Tuyến ở phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành cho biết.
Thạc sĩ Trần Chí Thành, giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh (giữa) giới thiệu công dụng của lá tre
Song song với trồng tre lấy măng, nhiều nông dân trong tỉnh còn trồng tre tầm vông để lấy cây. Ngoài làm vật liệu xây dựng như những loại tre khác, tầm vông còn được sử dụng làm bàn, ghế, kệ, tủ, đồ dùng trong nhà và hàng thủ công mỹ nghệ. Trồng tầm vông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đặc biệt, khi sử dụng phân hữu cơ bón cho cây càng đem lại hiệu quả cao. Mỗi năm 1 ha có thể cho thu hoạch 4.000-5.000 cây tre, trong khi chi phí chăm sóc không nhiều.
Theo ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản, trên địa bàn huyện hiện có nhiều loại tre như: mạnh tông, tầm vông, tre gai truyền thống… Diện tích bình quân mỗi xã từ 20-30 ha. Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng việc phát triển bền vững cây tre đang gặp khó khăn. Tại các địa phương có rất ít giống tre tốt và tre đang có dấu hiệu suy thoái; diện tích bị thu hẹp dần, canh tác còn manh mún, công nghệ chế biến lạc hậu; một số giống tre hiệu quả kinh tế chưa cao. Do đó, cần có định hướng mang tính chiến lược tăng lợi ích cho cây tre trong thời gian tới.
Tăng giá trị cây tre
Nhằm giúp nông dân trồng tre có thêm nguồn thu, Trung tâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh (Sở KH&CN tỉnh Bình Phước) phối hợp Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo giới thiệu “Công nghệ sản xuất trà lá tre HBO cố định diệp lục tố và dinh dưỡng”.
“Nghe mọi người nói về công nghệ làm trà lá tre, tôi đã lên mạng tìm kiếm thêm thông tin. Tôi đã được dùng thử trà của công ty, thấy thơm ngon. Tôi sẽ tìm hiểu quy trình làm, nếu phù hợp sẽ đầu tư về lĩnh vực này” - ông Nguyễn Trung Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Phước An, xã Phước An, huyện Hớn Quản cho biết.
Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản (thứ hai từ phải qua) thưởng thức trà lá tre
Sau khi tổ chức hội thảo, Trung tâm KH&CN tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh gặp gỡ, trao đổi, khảo sát vùng nguyên liệu để chuyển giao công nghệ đến nông dân huyện Hớn Quản.
Hớn Quản hiện có khoảng 300 ha cây tre. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế chưa cao do bà con trồng rải rác, không tập trung nên chưa tìm được nơi tiêu thụ phù hợp. Ngoài bán măng và thân thì lá tre vẫn bị xem là phế phẩm. Nông dân thường thu gom lá để đốt vì lá tre khó phân hủy. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sản xuất trà lá tre chất lượng cao sẽ giúp nông dân trồng tre tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường đất.
Ông Nguyễn Trung Tuấn cho biết thêm: “Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh đến khảo sát vùng nguyên liệu, tôi rất mừng. Hy vọng, công ty sẽ chuyển giao công nghệ cho hợp tác xã để người dân nơi đây có thêm việc làm, tăng thu nhập”.
Các công đoạn làm trà lá tre
Thạc sĩ Trần Chí Thành, giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong y học cổ truyền, lá tre có vị đắng, tính mát, tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng để chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp. Còn theo y học hiện đại, chiết xuất flavonoid trong lá tre có tác dụng chống ôxy hóa, ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm stress. Bên cạnh đó, lá tre chứa một số enzyme và chất chống viêm, giúp hỗ trợ quá trình trị liệu các bệnh lý như viêm khớp, viêm đường tiết niệu và các bệnh tim mạch; đồng thời chứa nhiều chất khoáng như selenium, silic, magnesium, kalium, calcium… là các chất bù sự mất nước và muối khoáng do ra nhiều mồ hôi.
Với lợi thế về nghiên cứu KH&CN, Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh đã áp dụng công nghệ cố định diệp lục tố và dinh dưỡng để nghiên cứu, sản xuất trà lá tre góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trà, đồ uống thảo mộc, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Từ trước đến nay, người dân chỉ quen trồng cây tre lấy măng hoặc lấy thân để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, có thêm một tiềm năng mới đó là sử dụng lá tre để làm trà, điều này rất đáng mừng. Tôi mong ứng dụng lá tre để làm trà sớm được triển khai tại huyện Hớn Quản. Ông TRẦN HẢI HÀ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản |
Hiện trà lá tre có tiềm năng phát triển rất lớn. Sản phẩm có thể bán ra thị trường như các loại trà thông thường giúp cung cấp dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể, từ đó hướng đến phát triển thực phẩm chức năng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Đồng thời phát triển các sản phẩm nội địa hóa, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, nâng tầm giá trị cho cây tre Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn