Đi trước mở đường, tạo không gian phát triển
Thực tiễn đã chứng minh trong hệ thống cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế. Bởi đường đi đến đâu thì người dân và địa phương nơi đó phát triển đến đấy. Vì vậy, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải với phương châm "đi trước mở đường, tạo không gian phát triển" là ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền thành phố Đồng Xoài.
Thành phố Đồng Xoài tuyên dương hộ dân hiến đất làm đường. Đây là việc làm chưa có trong tiền lệ
Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ mang tính đột phá. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông vừa góp phần chỉnh trang đô thị, quan trọng nữa là tạo ra những không gian mới cho sự phát triển của thành phố”.
Năm 2022, thành phố Đồng Xoài thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm, bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn vô vàn khó khăn, thách thức. Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhưng những tháng đầu năm nay, dịch vẫn xuất hiện ở một vài địa phương trong thành phố với các biến chủng mới. Dẫu vậy, thành phố đã cố gắng dồn lực để nâng tầm hệ thống hạ tầng giao thông.
Thời gian qua, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền thành phố đã làm được rất nhiều việc, điển hình như cải tạo lại chợ, nâng cấp các tuyến đường. Tôi đánh giá cao cách làm, cách vận động nhân dân chung tay tham gia của thành phố. Chính cách làm phù hợp đã đem lại hiệu quả thiết thực, Nhà nước và nhân dân xích lại gần nhau hơn. Trong đại dịch, nhiều công trình, dự án được sự ủng hộ, giúp đỡ, hiến tặng đất đã sớm hoàn thành. |
Ông LÊ XUÂN NGHIÊM, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài |
Tập trung khơi thông điểm nghẽn
Với tư duy phát triển kinh tế - xã hội thì hệ thống giao thông phải đi trước một bước nên chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố đã đồng loạt cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông hiện hữu và thực hiện mở mới nhiều tuyến khác. Điều đặc biệt là bằng cách thức dân vận phù hợp, thành phố đã khơi thông được các “điểm nghẽn” giao thông vốn tồn tại nhiều năm do những vướng mắc, bất đồng trong giải phóng mặt bằng.
Khó nhất trong số các điểm nghẽn giao thông mà thành phố đã tháo gỡ được phải kể đến dự án đường Nguyễn Chánh, đoạn thuộc khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình. Đoạn đường này có tổng chiều dài 480m, lộ giới 28m, điểm đầu tiếp giáp quốc lộ 14, điểm cuối giáp đường quy hoạch số 30 (tức đường Tôn Đức Thắng). Dự án được triển khai từ năm 2012, tuy nhiên còn 4 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do liên quan đến việc giao nhận đất tái định cư nên dự án bị ách tắc nhiều năm. Tháng 9 vừa qua, điểm nghẽn này đã được khơi thông. Từ chỗ là một “nút cổ chai” vừa mất an toàn giao thông vừa làm mất mỹ quan đô thị, giờ đây cơ bản con đường đã thẳng tắp và thông thoáng.
Điểm nghẽn đường Nguyễn Chánh trước khi được khơi thông
Việc xây dựng các dự án giao thông cần có tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn ấy chính là phương châm mà lãnh đạo thành phố Đồng Xoài đã đề ra: Giao thông là phải kết nối, phải tạo giá trị về nhiều mặt nên hạn chế đến mức thấp nhất những con đường cong, đường cụt. Lợi ích mà các tuyến đường giao thông đem lại chính là lợi ích cho xã hội, cho nhân dân chứ không phải lợi ích của một vài tổ chức hay cá nhân nào.
Anh Phạm Văn Quân ở khu phố 3, phường Tân Đồng, nơi có tuyến đường Lê Lai đang được nâng cấp, mở rộng vui vẻ chia sẻ: Chúng tôi rất mừng vì con đường này trước đây là hẻm cụt, đường đất nhỏ. Mỗi lần mua bán con heo, con bò, xe ba gác vô chở cũng không được. Giờ thì khác rồi, không còn là hẻm nữa mà là đường lớn. Đường làm đến đâu nhà cửa mọc lên đến đó, nhân dân rất phấn khởi.
Sức mạnh từ lòng dân
Trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, khâu khó khăn nhất, tốn kém là giải phóng mặt bằng. Dự án nào gỡ được “nút thắt” này thì sẽ nhanh chóng hoàn thành. Kể từ khi trở thành đô thị loại 3 vào cuối năm 2018, giá đất ở Đồng Xoài đã tăng chóng mặt, tại những khu vực trung tâm là “tấc đất, tấc vàng” theo đúng nghĩa đen, nên việc giải phóng mặt bằng các dự án giao thông càng thêm khó. Dẫu vậy, “khó trăm bề dân liệu cũng xong” và để có được sự ủng hộ của nhân dân, thành phố đã phát động phong trào “việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào đã phát huy tác dụng một cách rõ ràng.
Đường Phan Bội Châu, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển cho cả một khu vực rộng lớn
Đường Phan Bội Châu đoạn qua phường Tân Bình có lộ giới 32m, điểm đầu tiếp giáp ĐT741, điểm cuối kết nối với đường vành đai phía Nam (đoạn giáp ranh xã Tiến Hưng). Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.150m và có 41 thửa đất của 39 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Sau thời gian tuyên truyền, vận động, toàn bộ 39 hộ dân có đất bị ảnh hưởng đã nhất trí, đồng thuận hiến hơn 35.000m2, trị giá hơn 70 tỷ đồng để làm đường. Bằng cách dân vận khéo léo, cơ chế phù hợp, toàn bộ mặt bằng tuyến đường này không cần áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà thực hiện hình thức vận động người dân hiến đất, tự nguyện chặt hạ cây, tháo dỡ vật kiến trúc bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng đường. Đổi lại sau khi hiến đất, giải phóng mặt bằng, hình thành tuyến đường, người dân sẽ được sử dụng toàn bộ diện tích đất còn lại tiếp giáp với mặt tiền đường Phan Bội Châu.
Ông Nguyễn Duy Tứ ở khu phố Tân Trà, P. Tân Bình, TP. Đồng Xoài, cho biết: Khi biết tuyến đường Phan Bội Châu đi qua đất của gia đình, xác định lộ giới thì đất của gia đình bị ảnh hưởng khoảng 600m2. Khi nghe lãnh đạo thành phố, phường, khu phố giải thích và thấy được chính sách phù hợp thì gia đình đã tình nguyện hiến toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng để làm đường. Giờ đây, đứng trên con đường này tôi thấy phấn khởi vì mặt tiền thông thoáng vừa lợi cho gia đình vừa có ích cho đất nước”.
Khi tuyến đường Phan Bội Châu hoàn thành thì khoảng cách từ khu vực trung tâm của thành phố đến các vùng ven quanh Khu công nghiệp Đồng Xoài III được rút ngắn đáng kể. Cụ thể, đường Phan Bội Châu sẽ kết nối các Khu công nghiệp Đồng Xoài I, Đồng Xoài II với Khu công nghiệp Đồng Xoài III; đồng thời kết nối, thông tuyến quốc lộ 14 với ĐT741 qua các đường Tôn Đức Thắng, đường vành đai phía Nam và đường Trường Chinh nối dài. Trước đây, những nơi tuyến đường đi qua vốn là khu vực với đặc điểm địa hình, địa chất chủ yếu là đầm lầy, nước ngập quanh năm, ít có giá trị kinh tế. Khi có đường, giá trị đất sẽ tăng lên, việc đi lại thuận lợi, quan trọng hơn là mở ra một không gian phát triển mới cho cả một khu vực mà trong nhiều thập kỷ qua bị chia cắt bởi đầm lầy và ao hồ nối tiếp nhau.
Kinh nghiệm của thành phố triển khai các tuyến giao thông thời gian qua đó là, muốn nhân dân đồng hành với Nhà nước trong giải phóng mặt bằng các dự án giao thông thì phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân. Người dân phải được thụ hưởng những giá trị mà con đường đem lại sau khi hoàn thành. Với cách làm này, trong một thời gian ngắn, thành phố đã thực hiện được hàng loạt tuyến giao thông quan trọng, có tính kết nối cao. Từ đó, mở ra cơ hội và không gian phát triển cho nhiều khu vực. |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài Hà Anh Dũng |
Tác giả: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn