Giao thương sâm Ngọc Linh thời 4.0

Thứ hai - 08/05/2023 14:48
Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý và có giá trị kinh tế rất cao, sinh trưởng trên núi Ngọc Linh nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Để tăng cường giao thương và quảng bá thương hiệu, doanh nghiệp và đồng bào trồng sâm tại huyện vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tận dụng vai trò của mạng xã hội không bị giới hạn bởi không gian, khoảng cách để cung ứng sản phẩm ra thị trường bên ngoài với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi tháng.

Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh ở xã Trà Linh huyện Nam Trà My

        

           Bán sâm qua mạng

          Kể từ năm 2017 đến nay, tại huyện miền núi cao Nam Trà My, định kỳ từ ngày 01-03 hằng tháng đều tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu để doanh nghiệp, người dân bán sản phẩm cho du khách rất hiệu quả. Tuy nhiên, do phiên chợ chỉ diễn ra có 3 ngày nên thời gian còn lại trong tháng đa phần mọi người giao thương sâm, dược liệu qua mạng xã hội. Hầu hết bà con trồng sâm và hộ kinh doanh sâm, dược liệu đều sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, youtube để đăng bán sản phẩm. Nhờ sức lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội nên sâm Ngọc Linh, dược liệu từ núi rừng Nam Trà My đã được cung cấp đến hầu hết khắp các tỉnh thành trong cả nước.

          Chị Alăng Thị Hóc ở thôn 3 xã Trà Linh chủ yếu giao thương sâm Ngọc Linh qua mạng xã hội facebook và zalo. Hằng ngày, chị Hóc thu mua sâm của bà con trong làng sau đó đăng sản phẩm lên mạng xã hội kèm giá cả, số điện thoại liên lạc. Khi có người tương tác đặt mua, chị Hóc sẽ lấy thông tin khách hàng và sử dụng dịch vụ ship sâm hỏa tốc đến tận nhà cho khách và thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng hoặc dịch vụ thu tiền hộ. Nhờ vậy mà mỗi tháng bình quân chị Hóc bán được từ 2 đến 4 kg sâm củ. Đồng thời tự duy trì cho mình lượng khách hàng ổn định từ facebook. "Tôi thấy việc bán sâm qua zalo, facebook rất tiện lợi, đăng sản phẩm lên để khách hàng lựa chọn, không tốn kém bất kỳ chi phí bán hàng gì cả. Mình bán sâm theo giá tận gốc đến tay khách hàng nên mọi người sẽ yên tâm hơn, không sợ bị ép giá" - chị Hóc cho biết.

 

Nhờ mạng xã hội nên chị Alăng Thị Hóc mỗi tháng bán được gần 4 ký sâm Ngọc Linh

Nhờ mạng xã hội nên chị Alăng Thị Hóc mỗi tháng bán được gần 4 ký sâm Ngọc Linh

 

          Còn đối với hộ trồng sâm như chị Hồ Thị Blup ở làng Tắc Lang xã Trà Linh thì đã quan tâm đến việc bán sâm Ngọc Linh trên mạng xã hội được chừng 3 năm trở lại đây. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm giới thiệu, quảng bá nên ít người liên hệ. Nhưng qua cách học hỏi, tương tác trên môi trường mạng, giờ đây bình quân mỗi tháng chị Blup bán được trung bình gần 5kg sâm củ, sâm giống cho khách hàng cả nước. "Trước đây mình dùng mạng xã hội chủ yếu đăng bài, ảnh lung tung về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng từ khi chỉ tập trung đăng bán sâm Ngọc Linh tôi thấy lợi ích rất lớn. Ở trên núi cao này không thể mang sâm nhà trồng để đi rao bán khắp nơi được, với lại sâm Ngọc Linh bán theo trọng lượng, mình trữ lâu ngày sẽ bị hao hụt và hỏng. Nhưng nhờ zalo, facebook mình ngồi tận vườn sâm đăng ảnh, video lên, khách hàng cả nước tương tác và chọn lựa sản phẩm. Nhiều lúc mình livestream ngay tại vườn sâm lên mạng xã hội để giới thiệu văn hóa sâm Ngọc Linh nên khách hàng rất thích thú và họ tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mình bán ra" - chị Blup chia sẻ.

 

Chị Hồ Thị Blup tương tác với khách hàng trên mạng ngay tại vườn sâm nên được nhiều người tin tưởng.

 

          Chủ tịch UBND xã Trà Linh, ông Hồ Văn Thể cho biết, toàn xã hiện có 728 hộ gia đình có sâm Ngọc Linh. Trong đó có khoảng 690 hộ trồng sâm trực tiếp dưới tán rừng, còn lại 38 hộ già yếu không lên núi được nên nhờ người thân trồng giúp. Qua khảo sát đa số các hộ đồng bào Xê Đăng trồng sâm Ngọc Linh đều tạo lập trang facebook, zalo, tiktok cá nhân để đăng ảnh, livestream bán sâm củ, sâm hạt, lá sâm và cây giống. Trước đây bà con trồng sâm bán chủ yếu cho thương lái chứ chẳng biết bán cho ai vì địa hình xa xôi, cách trở nên dễ bị ép giá hoặc không nắm rõ giá thị trường. Bây giờ nhờ công nghệ 4.0 bà con đồng bào tất cả đều biết đăng sản phẩm qua các trang mạng xã hội để giới thiệu tới khách hàng. Qua đây không chỉ biết cách giao thương mà bà con cũng tự xây dựng lượng khách hàng ổn định, tin cậy.

           Hướng tới thương mại điện tử

          Không riêng gì đồng bào Nam Trà My mà ngay cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My cũng đa phần giao thương qua các nền tảng mạng xã hội. Chị Hồ Thị Thúy Ngân là chủ showroom Sâm Ngọc Linh Tuấn Ngân tại xã Trà Mai. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, trang web kinh doanh, chị Ngân đã liên tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường để khách chọn mua. Bình quân mỗi tháng cơ sở Tuấn Ngân bán được hơn 2kg sâm củ qua mạng xã hội. Ngoài ra các mặt hàng như trà lá sâm, rượu sâm và đặc biệt là sâm Ngọc Linh ngâm mật ong được chọn mua rất nhiều. Khi khách mua hàng qua mạng xã hội, chị Ngân sẽ lấy địa chỉ để gửi theo đường hoả tốc trong vòng 1 ngày đến tận nhà nên người mua rất hài lòng, hình thức thanh toán thực hiện trên môi trường điện tử. "Qua facebook nhiều khách hàng lạ biết đến và tìm hiểu thương hiệu sâm Ngọc Linh. Hằng ngày tôi thường xuyên đăng bài tương tác cùng khách hàng qua nhiều hình ảnh, video đi núi, lên vườn sâm, sinh hoạt cùng bà con Xơ Đăng giúp mọi người hiểu rõ về nguồn gốc câu chuyện của sâm Ngọc Linh, từ đó khách hàng tin tưởng và đặt hàng online và giới thiệu cho bạn bè, người thân mua sản phẩm của mình". Cuối tháng 3 vừa rồi, chị Ngân được tham gia khoá đào tạo chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp do Bộ kế hoạch đầu tư tổ chức tại Tp. Tam Kỳ. Tại đây, chị Ngân được tìm hiểu về các giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, được hướng dẫn áp dụng các giải pháp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như voso, postmart, shopee, lazada, tiktok... để mở rộng giao thương sâm Ngọc Linh qua môi trường điện tử.

 

Qua mạng xã hội chị Hồ Thị Thúy Ngân còn mời gọi khách hàng đến thăm quan showroom và mua sâm

 

          Từ năm 2017, huyện Nam Trà My đã thành lập facebook Thủ phủ sâm Ngọc Linh và kênh youtube Phiên chợ sâm Ngọc Linh. Thông qua 2 nền tảng mạng xã hội này, huyện đã tập trung quảng bá cây sâm Ngọc Linh, các loài dược liệu quý và văn hóa đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Bh'noong đến với du khách cả nước. Riêng kênh yotube hiện đã có hơn 12.000 người đăng ký. Hoạt động giao thương phiên chợ sâm hằng tháng đều được quay clip đăng tải lên kênh để quảng bá tới du khách.

          Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, năm 2023 về thương mại số, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu hơn 30% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, hơn 60% đặc sản địa phương, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử. Huyện sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tập huấn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bà con nhân dân tăng cường ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, mua bán, thanh toán trực tuyến, hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử... "Có thể thấy nhờ mạng xã hội, trang web mà người dân, doanh nghiệp ở Nam Trà My bán sản phẩm sâm Ngọc Linh, dược liệu quý, nông sản rất thuận tiện. Mỗi tháng, ngoài phiên chợ định kỳ thì thông qua các giao dịch trên mạng đã giúp tiêu thụ hàng chục ký sâm cùng rất nhiều dược liệu. Có tháng cao điểm, bà con bán cả tạ sâm củ, sâm lá ra thị trường thu về lợi nhuận rất lớn. Ngay cả thời điểm dịch Covid 19 hạn chế đi lại, nhưng ở huyện vẫn tổ chức phiên chợ online cho các hộ kinh doanh giới thiệu quả bá sản phẩm nên vẫn giao thương bình thường. Nhờ mạng xã hội quảng bá nên lễ hội sâm, phiên chợ sâm ở Nam Trà My được rất nhiều du khách biết và đến thăm quan, mua sắm. Tới đây chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con phát triển thương mại điện tử theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững hơn, nhất là tập trung đưa sản phẩm lên các sàn thương mại lớn có lượng người truy cập nhiều" - ông Mẫn cho biết.  Cùng với đó, Nam Trà My cũng sẽ phát triển mạnh Phiên chợ sâm trên không gian ảo theo công nghệ VR, AR, AI, Blockchain, 3D-Printing; xây dựng sàn thương mại điện tử riêng về phiên chợ sâm và dược liệu; tổ chức số hóa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và dược liệu đặc trưng để tạo mã QR Code đặt tại phiên chợ và các điểm công cộng nhằm giúp du khách tìm hiểu về giá trị văn hóa, dược liệu, công dụng, giá cả cho từng sản phẩm.

          Ngoài cây sâm Ngọc Linh quý hiếm, vùng đất Nam Trà My cũng có rất nhiều cây dược liệu quý như sâm nam, quế Trà My, đương quy, giảo cổ lam, thất dịp nhất chi hoa... Với việc người dân và doanh nghiệp biết tận dụng mạng xã hội để giao thương hàng hóa đã giúp giải quyết bài toán về thị trường, tăng cơ hội giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để địa phương triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ về thương mại điện tử trong thời gian tới./.

Tác giả: theo t63.mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay224
  • Tháng hiện tại464,090
  • Tổng lượt truy cập24,306,631
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây