Khẳng định vị thế, tầm quan trọng của hệ thống Cổng TTĐT các địa phương

Thứ sáu - 25/11/2022 15:08
(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố đã khẳng định được vị thế, tầm quan trọng trong việc thông tin công tác chỉ đạo, điều hành về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; định hướng thông tin và là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến…

Ngày 25/11, tại Quảng Trị, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Hưng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Lê Đức Tiến-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Hồng Sâm-Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ; các đồng chí là đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí là đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố cùng hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của 45 Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết tỉnh Quảng Trị vinh dự được cùng phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ đăng cai tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các Cổng TTĐT trên cả nước.

"Diễn đàn là cơ hội để Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố trao đổi kinh nghiệm quản lý, triển khai hoạt động của Cổng TTĐT cấp tỉnh. Đây cũng là dịp để đánh giá lại, khẳng định rõ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống Cổng TTĐT cấp tỉnh, thành phố", ông Võ Văn Hưng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết trong những năm qua, Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố cũng như Cổng TTĐT tỉnh Quảng Trị đã phát huy là một kênh truyền thông chính thống trong việc thông tin cho công chúng về các hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Qua đó góp phần định hướng thông tin báo chí và dư luận xã hội, làm cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa chính quyền tỉnh với nhân dân.

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm: "hoạt động cung cấp thông tin có nhiều đổi mới, những thông tin được đăng tải trên Cổng TTĐT được dư luận đánh giá cao về nội dung, thông tin được cập nhật mang tính thời sự và là nguồn tin chính thống cho báo chí khai thác, phản ánh lại"-Ảnh: VGP/Hải Minh
 

Chủ lực, chủ động cung cấp thông tin chính sách, chỉ đạo, điều hành

Thông tin về tình hình hoạt động Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố năm 2022, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính Phủ Nguyễn Hồng Sâm cho biết với chức năng, nhiệm vụ là cầu nối trao đổi thông tin hai chiều giữa chính quyền với nhân dân, Cổng TTĐT đã liên kết, tích hợp thông tin các trang thành viên của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, sử dụng, nắm bắt được chính xác và đầy đủ thông tin về sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh cũng như chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, giúp cho các tổ chức, cá nhân có thể tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.

Cổng TTĐT đã chủ động cung cấp thông tin báo chí, đảm bảo cung cấp thông tin về hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước trên Cổng. Chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, phản ánh kịp thời, đầy đủ các hoạt động, sự kiện nổi bật của tỉnh, hoạt động của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; phản ánh các mặt đời sống xã hội, bám sát các cuộc vận động lớn của tỉnh, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các ngày truyền thống của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể…

Những năm gần đây hoạt động cung cấp thông tin có nhiều đổi mới, những thông tin được đăng tải trên Cổng TTĐT được dư luận đánh giá cao về nội dung, thông tin được cập nhật mang tính thời sự và là nguồn tin chính thống cho báo chí khai thác, phản ánh lại.

Điểm đáng chú ý, đã có một số tỉnh xây dựng và vận hành Fanpage, đã được gắn tick xanh, hoạt động khá hiệu quả, phát huy được lợi thế của mạng xã hội trong việc tuyên truyền phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Có thể nói, Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố đã khẳng định được vị thế, tầm quan trọng trong việc thông tin công tác chỉ đạo, điều hành về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; định hướng thông tin và là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến…

Hơn 300 đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đi đầu trong thực hiện chức năng giao tiếp 2 chiều

Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố đã đăng tải đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính (TTHC). Đưa thông tin đến với người dân, doanh nghiệp, giúp họ nắm vững và áp dụng đúng đắn các chủ trương, chính sách của tỉnh, tạo cầu nối để họ tiếp xúc với chính quyền một cách nhanh chóng, thuận tiện và đưa việc giải quyết các TTHC bằng các dịch vụ trực tuyến trên mạng.

Cổng TTĐT đã đi đầu trong việc thực hiện chức năng giao tiếp 2 chiều như các hình thức: Đối thoại, toạ đàm trực tuyến và chuyên mục công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan Nhà nước trả lời nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giải đáp những câu hỏi, ý kiến của nhân dân về những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội như ở Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Yên Bái...

Bên cạnh đó nhiều tỉnh thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu giúp tỉnh trong công tác định hướng thông tin dư luận; thực hiện các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Hải Dương...

Đồng thời, Cổng TTĐT đã xây dựng thêm các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với từng giai đoạn nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố của tỉnh trong việc cung cấp để phổ biến kịp thời thông tin về quản lý và chỉ đạo điều hành; tích hợp, duy trì thông tin về trình tự thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng TTĐT tỉnh.

Đây cũng là là đầu mối tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật trên Cổng TTĐT tỉnh...; là địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp thông tin, phần mềm tiện ích phục vụ nhu cầu tra cứu của nhân dân.

Bên cạnh việc quản trị, phát triển nội dung Cổng TTĐT tỉnh, một số đơn vị đã tổ chức biên tập, quản lý việc xuất bản và phát hành Công báo cấp tỉnh đúng theo quy định. Xây dựng bản tin điểm báo hằng ngày để tham mưu, đề xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Tổ chức họp báo định kỳ, cung cấp thông tin cho báo chí…

Đại biểu trao đổi tại Hội nghị-Ảnh: VGP/Hải Minh

"Gỡ vướng" cho các Cổng TTĐT địa phương

Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận, đề xuất, kiến nghị để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò và vị thế của Cổng TTĐT các địa phương; đại diện các bộ ngành cũng đã trao đổi về các nội dung liên quan đến hoạt động của Cổng TTĐT các địa phương.

Các ý kiến đều nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của Cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước như quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cổng TTĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, các khó khăn, vướng mắc nổi lên là: Khó khăn về cơ cấu tổ chức, quyền hạn; khó khăn về nhân sự và khó khăn về tài chính.

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên,Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm cho biết Hội nghị thống nhất, đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo thống nhất công tác quản lý, vận hành hệ thống Cổng TTĐT cấp tỉnh theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Thông tư số 01/2022/TT-VPCP; hướng dẫn rõ Cổng TTĐT cấp tỉnh là đơn vị hành chính hay đơn vị sự nghiệp và trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành phố.

Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về hoạt động của Cổng TTĐT các tỉnh, thành; sớm có hướng triển khai thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP để áp dụng đồng bộ, thống nhất; cần có quy định về cơ cấu, tổ chức, biên chế, vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hệ số phụ cấp lãnh đạo của Cổng TTĐT cấp tỉnh, thành.

Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản xác định chức danh "Phóng viên", "Biên tập viên" đối với những cán bộ làm công tác nội dung của Cổng TTĐT; hướng dẫn chi tiết quy định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn đối với đội ngũ kỹ thuật quản trị Cổng TTĐT.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính ban hành quy định chi trả nhuận bút, thù lao đối với cán bộ của Cổng TTĐT cấp tỉnh thống nhất trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể định mức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với Cổng TTĐT cấp tỉnh. Có cơ chế tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo phóng viên, biên tập viên các hạng; tổ chức thi nâng hạng cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Cổng TTĐT. Đồng thời, tạo điều kiện cho Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố có một bộ phận phóng viên, biên tập viên được cấp "Thẻ nhà báo" để thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các ý kiến cũng đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí đủ nhân lực chuyên trách thực hiện hoạt động quản lý, vận hành Cổng TTĐT; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, các trang thiết bị, phần mềm; cấp kinh phí phù hợp để Cổng TTĐT hoạt động; bổ sung vào quy chế hoạt động của UBND để các sở, ngành có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trả lời nhân dân, doanh nghiệp trên Cổng TTĐT.

Khẳng định vị thế, tầm quan trọng của hệ thống Cổng TTĐT các địa phương - Ảnh 5.

Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đối với Cổng TTĐT Chính phủ, các ý kiến cũng đề nghị định kỳ hằng năm, Cổng TTĐT Chính phủ chủ trì tổ chức giao ban đánh giá tình hình hoạt động, công tác nghiệp vụ của Cổng TTĐT các địa phương. Từ đó định hướng cho Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyên môn; đề nghị xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, tổ chức kết nối giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT địa phương.

Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ hỗ trợ xây dựng kế hoạch truyền thông các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, tổ chức truyền thông về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chủ trì tổ chức tập huấn công tác chuyên môn (tổ chức sản xuất, xuất bản các sản phẩm truyền thông, quản trị nội dung của Cổng TTĐT) cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Cổng TTĐT các địa phương; chủ trì tổ chức Hội thảo hằng năm để Cổng TTĐT các địa phương trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động; hướng dẫn kỹ năng làm báo cáo thông tin, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kỹ năng xử lý các sự cố truyền thông; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các nền tảng mạng xã hội phục vụ công tác truyền thông về chỉ đạo, điều hành của địa phương,...
Ngay tại Hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng TTĐT Chính phủ đã giải đáp những kiến nghị của Cổng TTĐT các địa phương liên quan đến mô hình tổ chức, vị trí pháp lý, vị trí việc làm, số lượng người làm việc, chế độ chính sách cho phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Cổng TTĐT địa phương …
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Sâm cho biết sau hội nghị này, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để chuyển cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất để Cổng TTĐT các địa phương phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành công cụ hữu hiệu giúp chỉ đạo, điều hành và tăng thêm niềm tin của nhân dân với chính quyền các cấp.
"Về những kiến nghị đối với Cổng TTĐT Chính phủ, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, đồng hành, phối hợp thật tốt với Cổng TTĐT của các bộ ngành, địa phương để cùng nhau thực hiện thật tốt sứ mệnh mà lãnh đạo và công chúng giao phó cho những người làm công tác truyền thông của cơ quan công quyền: "Cổng TTĐT sẽ là cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, là cơ quan chủ lực trong công tác tham mưu, tổ chức thông tin, trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh của cơ quan công quyền trên không gian mạng", Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Sâm nhấn mạnh.

Trong 63 Cổng TTĐT của 63 tỉnh, thành phố có 44 Cổng TTĐT thuộc Văn phòng UBND tỉnh, 18 Cổng TTĐT thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, 1 cổng TTĐT thuộc tỉnh ủy (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh). Theo số liệu của 45 tỉnh tham gia Hội nghị thì có 13 đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, 32 đơn vị thuộc Văn phòng UBND tỉnh....
Về tên gọi các đơn vị quản lý, vận hành cũng khác nhau như: Cổng TTĐT; Trung tâm Báo chí; Trung tâm Tin học - Công báo; Trung tâm Thông tin - Tin học; Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), Trung tâm CNTT và Truyền thông; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Chuyển đổi số...

Tác giả: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay17,153
  • Tháng hiện tại395,055
  • Tổng lượt truy cập24,237,596
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây