Theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Luật Giáo dục đại học năm 2012, thì: Văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo cao đẳng, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng; Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục đại học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học; Học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận văn, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng thạc sĩ; Nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận án, nếu đạt yêu cầu theo quy định thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp bằng tiến sĩ.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước (ảnh minh họa) - B.L
Như vậy, theo quy định này thì văn bằng giáo dục đại học sẽ chỉ được cấp cho những người đã học và sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo nào đó, trong đó bao gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Như vậy, nói cách khác là người học ở hình thức đào tạo nào thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp tương ứng với hình thức đào tạo đó. Ví dụ: Bằng tốt nghiệp cử nhân Luật hệ chính quy, tại chức hay hệ vừa học vừa làm hoặc hệ đào tạo từ xa.
Tuy nhiên, theo quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, thì quy định nêu trên đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại Điểm 1 và 2 Khoản 23, Điều 1 có quy định như sau: Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Theo quy định này thì ở đây có 2 điểm mới. Thứ nhất là bằng tốt nghiệp cao đẳng không được thừa nhận thuộc loại văn bằng đại học. Thứ hai là người học hoàn thành chương trình đào tạo nào và đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì sẽ được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng. Điều này có nghĩa là ai theo học chương trình đào tạo cử nhân hay thạc sĩ hoặc tiến sĩ, đồng thời đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ được cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Như vậy từ ngày 1-7-2019, khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì văn bằng giáo dục đại học đã không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Nói đúng hơn là sau ngày 1-7-2019, trong văn bằng tốt nghiệp đại học (cử nhân) sẽ không còn các cụm từ “hệ chính quy”, “hệ tại chức” hay “hệ vừa học vừa làm” hoặc “hệ liên thông” và “hệ từ xa”. Do đó, cũng bắt đầu từ ngày 1-7-2019, bằng đại học dù được đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông, hoặc vừa học vừa làm đều có giá trị ngang nhau. Với quy định này, những sinh viên đang theo học các hình thức đào tạo khác nhau, sau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng và đặc biệt là trong tuyển dụng lao động, xin việc làm.
N.V ( Báo Bình Phước)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn