Để ngành điều giữ vững ngôi vương

Thứ tư - 12/07/2023 08:34
BPO - Nói đến hạt điều là nghĩ đến Bình Phước, đến Việt Nam. Đó cũng chính là thương hiệu hạt điều mà các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu của Việt Nam đã xây dựng được trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, DN điều nói riêng và ngành điều nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ để nâng cao giá trị ngành điều.

Bài cuối:
DUY TRÌ VỊ TRÍ SỐ 1 THẾ GIỚI

Khó khăn, thách thức

Mặc dù là nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn hạn chế trong chế biến sâu. Hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập từ điều chưa cao, giá trị gia tăng thấp, nhiều diện tích điều bị thoái hóa hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái... hoặc chuyển sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu khiến năng suất điều sụt giảm. Do vậy, nguyên liệu hiện là một trong những vấn đề thách thức đối với ngành điều. “Thành phẩm chế biến sâu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước, thế nên DN rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh để có vùng nguyên liệu. Để có vùng nguyên liệu thì phải có quy hoạch vùng trồng, từ đó mới có nguồn cung cho chế biến sâu, có được sản phẩm tốt” - ông Trần Văn Kha, Giám đốc Công ty chế biến điều và nông sản Vegetexco, thị xã Chơn Thành mong muốn.

Sản lượng điều trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu của các DN chế biến xuất khẩu. Nguồn điều nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Tây Phi... Các cơ sở chế biến điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định.

Nhà máy sản xuất điều của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam, huyện Phú Riềng

Ông Phùng Văn Sâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam, huyện Phú Riềng cho biết: Hiện nay, vướng mắc trong ngành điều là thu mua nguyên liệu. Vùng nguyên liệu điều ở Bình Phước hiện gần như không phát triển mà còn bị thu hẹp do nông dân chặt đi để chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Chúng ta cũng không có hàng rào bảo vệ ngành điều, mà cho nhập khẩu điều thô (đã bóc vỏ cứng, còn vỏ lụa) từ châu Phi dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh của ngành…

Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến điều quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế; khi cơ chế, thị trường thay đổi rất dễ bị thua lỗ. Đặc biệt vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ châu Phi. Vì vậy, ngành điều đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước khác. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam mới chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế.

Khó khăn nữa theo ông Phạm Thanh Quang, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Long Sơn Inter Foods, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở châu Âu dẫn đến đơn hàng của DN giảm, giá cũng giảm. Bên cạnh đó, hiện DN đang bị kiểm dịch thực vật 100% dẫn đến các lô hàng xuất khẩu đã sản xuất ra nhưng không xuất được ngay mà phải chờ kiểm dịch xong, kéo dài thời gian, giảm uy tín đối với khách hàng.

6 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu hạt điều của tỉnh Bình Phước đạt khoảng 81.000 tấn, trị giá khoảng 480 triệu USD. Tỷ trọng chế biến sâu hạt điều hiện chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng hạt điều nhân sản xuất. Mặt khác, các DN ngành điều Bình Phước đối mặt với sự cạnh tranh sản phẩm ngày càng gay gắt ngay cả tại thị trường xuất khẩu truyền thống, đòi hỏi phải đáp ứng tốt các điều kiện hàng rào kỹ thuật quy định về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm...

Thời gian qua, ngành điều phát triển giữ vững thương hiệu hạt điều Bình Phước số 1 thế giới. Đây là thương hiệu đáng tự hào nhưng cũng là trách nhiệm để người trồng điều, các DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh điều phải cố gắng hơn nữa, giữ gìn thương hiệu xứng tầm với vị thế, đóng góp của cây điều, của ngành chế biến xuất khẩu điều. Thời gian tới, cần phát triển mã vùng trồng, ổn định nguồn nguyên liệu để ngành điều phát triển bền vững. 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN TUYẾT MINH

 

Giải pháp phát triển

Nhằm thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và người trồng điều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt điều. Đối với tỉnh Bình Phước, mục tiêu là từng bước cải tạo vườn điều tạp, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên, trong đó có ít nhất 50% diện tích điều sản xuất theo quy trình được chứng nhận; diện tích trồng xen, chăn nuôi dưới tán điều đạt ít nhất 10.000 ha. Các huyện có vùng chuyên canh lớn như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú phải hình thành ít nhất 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị có diện tích từ 300 ha trở lên; ổn định công suất thiết kế của mạng lưới chế biến hiện có là 500 ngàn tấn/năm; chế biến sâu nhân điều đạt 10 ngàn tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 800 triệu USD. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước theo Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Công nhân Công ty cổ phần chế biến điều Hoàng Sơn 1, huyện Bù Đăng phân loại hạt điều

“Tỉnh xác định tận dụng tối đa giá trị gia tăng từ nhân điều, vỏ hạt điều, cũng như các phụ phẩm từ vỏ hạt điều. Tỉnh đang thu hút đầu tư để đổi mới công nghệ, chế biến sâu dầu điều ra dầu sinh học thay thế dầu diezen phục vụ xuất khẩu và sử dụng trong nước. Chúng ta cũng đang thu hút đầu tư để chế tạo nhựa sinh học từ dầu vỏ hạt điều để thay thế nhiên liệu hóa thạch” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương Vũ Ngọc Long cho biết. 

Sự phát triển và thành công của ngành điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng có sự đóng góp quan trọng của khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa. Áp dụng khoa học - công nghệ đã giải quyết được các vấn đề khó khăn trong chế biến hạt điều như: môi trường, thiếu lao động, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để ngành điều phát triển bền vững vẫn cần sự thay đổi từ cơ chế, chính sách tới tư duy.

“Nếu chúng ta xem hạt điều như một món ăn trong bữa ăn hằng ngày thì sức tiêu thụ rất lớn. Khi đến Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, tôi thấy trong bữa ăn của họ có sử dụng hạt điều. Như vậy, nếu như chúng ta chỉ bán điều nhân hoặc điều thô hay những sản phẩm tẩm gia vị thì vẫn chưa đủ, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Trần Quốc Duy nhấn mạnh.   

Với mục tiêu và quyết tâm giữ vững vị trí số 1 thế giới về chất lượng và năng lực xuất khẩu, năm 2010, Bình Phước đã tổ chức thành công lễ hội Quả điều vàng. Từ đây, hạt điều Bình Phước trở thành thương hiệu nổi tiếng chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Nhiều năm liên tiếp Việt Nam vượt qua Ấn Độ trở thành quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới. Ngành điều trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hạt điều Bình Phước đã được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Để ngành điều Bình Phước phát triển, tăng giá trị xuất khẩu, các DN phải đoàn kết với nhau và chuyên nghiệp hơn trong việc phân tích, đánh giá thị trường. Muốn tăng hiệu quả kinh tế thì phải làm tốt chỉ dẫn địa lý và quản lý tốt chất lượng hạt điều thô.

Chủ tịch Hội điều Bình Phước
VŨ THÁI SƠN

 

Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập254
  • Hôm nay15,584
  • Tháng hiện tại37,841
  • Tổng lượt truy cập23,880,382
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây