Theo Hãng tin AP, người dân địa phương đã tìm thấy một đứa trẻ sơ sinh khi đang đào bới tòa nhà bị sập ở một thị trấn phía tây bắc Syria. Dường như người mẹ đã sinh ra em khi bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng tuần này.
Người thân của bé và một bác sĩ cho biết dây rốn của bé gái sơ sinh vẫn còn nối với mẹ của bé, Afraa Abu Hadiya, người đã qua đời.
Đứa bé là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót sau vụ động đất hôm 6/2 tại thị trấn nhỏ Jinderis, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Em bé sơ sinh đã được giải cứu vào chiều 6/2, hơn 10 giờ sau khi trận động đất xảy ra. Sau khi những người cứu hộ đưa bé ra ngoài, một người phụ nữ hàng xóm đã cắt dây rốn cho bé, và cùng những người khác vội vã đưa bé đến bệnh viện nhi ở thị trấn Afrin gần đó.
Bé gái 7 tuổi lấy tay che chắn cho em trai suốt 36 giờ khi hai đứa trẻ bị kẹt dưới đống đổ nát của căn nhà ở Haram.
"Xin hãy cứu cháu, cháu sẽ làm bất cứ điều gì để trả ơn", bé Mariam, 7 tuổi, nói với những người cứu hộ ngày 7/2, khi được phát hiện dưới đống đổ nát tại ngôi nhà ở làng Besnaya-Bseineh, Haram, bắc Syria.
"Cháu sẽ làm người giúp việc cho chú", bé gái nói trước khi nhân viên cứu hộ trả lời "Không, cháu không cần làm vậy".
Cô bé nhẹ nhàng vuốt tóc em trai Ilaaf khi hai bé nằm trên chiếc giường đã bị mảnh vỡ đè lên. Mariam có thể cử động được một cánh tay để che chắn cho Ilaaf khỏi bụi từ những mảnh vỡ.
Mohamad Safa, đại diện của tổ chức phi chính phủ Patriotic Vision tại Liên Hợp Quốc, viết trên Twitter ngày 7/2 rằng: "Bé gái 7 tuổi để tay trên đầu cậu em nhỏ để bảo vệ bé khi cả hai kẹt dưới đống đổ nát". Safa kêu gọi mọi người chia sẻ hình ảnh nhằm thắp lên hy vọng cho nhiều người trong những vùng bị ảnh hưởng do thảm kịch động đất ngày 6/2.
CNN đưa tin hai bé được giải cứu sau 36 tiếng mắc kẹt dưới đống đổ nát và được đưa đến bệnh viện.
Ở phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước Syria cũng đang phải gồng mình chống chọi với cú rung chuyển kinh hoàng từ bên dưới bề mặt Trái đất.
Cảnh tượng tang thương bao trùm khắp một vùng ở phía Bắc quốc gia Trung Đông này. Thế nhưng, đâu đó giữa cảnh tượng thảm khốc, người ta vẫn có những giây phút "thở phào". Ví như, khoảnh khắc cô bé Raghad Ismail (18 tháng tuổi) được đưa ra từ đống đổ nát, với điều kỳ diệu là em không hề bị xây xước gì.
Vào giây phút biết không thể chống đỡ được với đám bê tông, gạch vụn trút xuống, cha của Raghad chỉ có thể ôm con gái vào lòng, chống lưng lên phía trên với hy vọng con sẽ được che chở, bình an. Cả mẹ, anh trai và chị gái của Raghad đều đã bị tước đi sinh mạng trong phút chốc thảm họa ập đến.
Tổng số nạn nhân tử vong vì thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria không ngừng gia tăng và hiện đã lên tới 11.000 người.
Theo Reuters, ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người đã trải qua đêm thứ 2 trong xe hơi hoặc nằm ngủ tạm ngoài đường giữa thời tiết âm độ mùa đông, vì nơi ở của họ đã bị tàn phá hoặc cảm thấy lo lắng khi quay trở lại các tòa nhà bị rung chuyển vì trận động đất mạnh 7,8 độ Richter cùng hàng chục dư chấn sau đó hôm 6/2.
Liên minh châu Âu (EU) đã cử các đội tìm kiếm, cứu nạn đến trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống vệ tinh Copernicus của khối được kích hoạt để cung cấp các dịch vụ lập bản đồ khẩn cấp. Ít nhất 19 quốc gia thành viên EU cũng như Mỹ, Nga, Israel, Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lebanon, Algeria, Pakistan, Nhật, Thụy Sĩ, CH Czech… đã cử hoặc hứa gửi các chuyên gia cứu hộ cùng đồ cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Báo New York Times dẫn lời Renato Solidum, Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines nhận định, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, động đất đã san phẳng hơn 5.600 tòa nhà và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của nước này. Các chuyên gia Mỹ ước tính, thiệt hại về kinh tế có thể tương đương 1% GDP của đất nước.
Tác giả: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn