Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để tăng trưởng kinh tế

Thứ năm - 25/05/2023 09:50
(Chinhphu.vn) - Năm 2023 được khẳng định là "Năm dữ liệu số quốc gia", là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Để khai thác dữ liệu số hiệu quả, chính quyền các địa phương phải cởi mở, sáng tạo và linh hoạt trong chính sách quản lý dữ liệu. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số.
Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa phát biểu khai mạc diễn đàn - Ảnh: VGP/HM

Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023 (Vietnam-Asia DX Summit 2023) với chủ đề "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức trong 2 ngày 24 và 25/5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Năm 2023 được khẳng định là "Năm dữ liệu số quốc gia", là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho năm dữ liệu số. Bộ TT&TT cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm dữ liệu số quốc gia", với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số.

 

Bộ TT&TT cho biết, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương, 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch, tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch. 

Theo Vietnam-Briefing, thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027.

Hiện nay, thị trường dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các giải pháp nước ngoài thường có chi phí lớn và chưa thực sự tối ưu với các bài toán dữ liệu đặc thù của Việt Nam, do đó bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ Việt là cần làm chủ công nghệ, đẩy nhanh công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới, các giải pháp make in Vietnam để có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu của chính quốc gia mình.

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam, như Viettel, VNPT, FPT, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI - một doanh nghiệp công nghệ tiên phong trong lĩnh vực lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn tại Việt Nam cho biết, dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống, như dầu mỏ, than đá…và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế số.

"Việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin", ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ, muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các bộ, ban, ngành. 

Đặc biệt, để khai thác dữ liệu số hiệu quả, chính quyền các địa phương phải cởi mở, sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu; cùng hợp tác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số một cách thông minh để nhanh chóng có những mô hình quản trị mới giải quyết bài toán của địa phương, tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế số mới cho địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số. 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa chia sẻ, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế-xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam.

Tác giả: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay19,774
  • Tháng hiện tại42,031
  • Tổng lượt truy cập23,884,572
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây