Trong những ngày xuân rộn rã, sục sôi khí thế lên đường tòng quân, trong số rất nhiều thanh niên của Hớn Quản chấp hành nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi có không ít thanh niên tình nguyện viết đơn để được lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Họ tình nguyện gác nỗi niềm riêng, gác lại những mộng mơ của tuổi trẻ, nơi quê nhà để lên đường đi nghĩa vụ, với khát khao đi để cống hiến, đi để trưởng thành và một số đi để trở về.
Đang là một công nhân xưởng gỗ, khi nghe thông tin về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023, em Điểu Sram ấp Xạc Lây, xã Tân Quan đã không ngần ngại gác lại công việc đang làm để viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, em là một trong những trụ cột kinh tế của gia đình, vì hoàn cảnh không khá giả gì, ba làm thợ hồ, mẹ đi cạo mủ cao su thuê. Dẫu có chút tiếc nuối nhưng với suy nghĩ hai năm quân trường cũng không phải là dài em nuôi quyết tâm đánh đổi bởi với em, đi là để trưởng thành. Điểu Sram tâm sự: Tôi tình nguyện viết đơn này để xin được tham gia nghĩa vụ quân sự. Vì tôi nghĩ vào trong môi trường ấy được rèn luyện sức khỏe, học hỏi kinh nghiệm sống, và rèn luyện quy cũ. Tôi nghĩ thanh niên phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc nên đã không ngần ngại làm đơn xin nhập ngũ.”
Là một trong 6 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ của xã Tân Quan, gác lại những mộng mơ một thời tuổi trẻ, em Võ Phạm Đức Lượng, ấp Ruộng 2, xã Tân Quan, lao động chính trong gia đình có 4 người, ba đã mất, bà ngoại đã già. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, kế thừa ngọn lửa nhiệt huyết ấy đã thôi thúc em gác nỗi niềm riêng, để xông pha nơi quân trường. Đó cũng là dịp để em được đóng góp một phần công sức, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Lượng tâm sự: “Theo tôi tìm hiểu môi trường quân đội là môi trường khắt khe. Tôi muốn đi bộ đội để va chạm giúp mình chững chạc, trưởng thành hơn nên tôi quyết định làm đơn xin đi. Mẹ là người động viên tinh thần và luôn ủng hộ việc tôi đi lính.”
Ủng hộ việc con đi nghĩa vụ quân sự có nghĩa là bản thân mình trở thành lao động chính trong gia đình nhưng bà Phạm Thị Bộ, mẹ của em Phạm Đức Lượng luôn có suy nghĩ thanh niên phải có nghĩa vụ, trách nhiệm cống hiến cho Tổ Quốc. Bà cho biết: Gia đình cũng biết hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi nghĩ là trách nhiệm của một người dân, thanh niên đến tuổi đi lính thì nên sẵn sàng để làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nếu mãi vì khó khăn riêng của mình mà khép lại cái chung của đất nước là việc làm không nên. Tôi khuyên cháu “con đến tuổi rồi con cứ đi làm cho trọn nghĩa với đất nước rồi sau này về hỗ trợ mẹ sau. Trước mắt ở nhà có khó khăn gì mẹ sẽ thu xếp được.”
Không chỉ cảm động bởi nghĩa cử của Lượng mà tấm lòng hy sinh cao đẹp của người mẹ ấy cũng khiến mọi người thật đáng trân trọng, cảm kích.
Đến nay, nhiều thanh niên Hớn Quản đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày tòng quân. Điều đáng mừng là có rất nhiều thanh niên ý thức cao nghĩa vụ của mình đối với quê hương. Ông Trần Văn Quang, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng BCHQS huyện Hớn Quản cho biết: “ Hớn Quản đã phát lệnh gọi nhập ngũ được 172 công dân (trong đó chính thức công an là 34; dự phòng 02; quân sự chính thức 130; dư phòng 06 công dân) trong số đó số viết đơn chiếm 75%. Tình hình chung đa phần các thanh niên viết đơn xuất thân đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong số đó cũng có một số thanh niên vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong số 75% thanh niên tình nguyện viết đơn có khoảng 50% thanh niên có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Họ muốn thử thách , rèn luyện ý chí, bản lĩnh để cống hiến, viết tiếp những trang sử hào hùng của ông cha ta, góp phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong thời điểm hiện nay.”
Trong những ngày xuân rộn rã khắp các làng quê, Điểu Sram, Võ Phạm Đức Lượng tranh thủ phụ giúp, đỡ đần cho gia đình việc nương rẫy để sẵn sàng cho ngày tòng quân. Bởi họ ý thức: thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là chấp hành pháp luật mà còn là trọng trách nặng nề và thiêng liêng của thanh niên đối với Tổ Quốc.
Nếu ngày xưa, không có những anh hùng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc thì hôm nay, các em không được sống trong yên bình, hạnh phúc, ấm no. Và ngày nay, các em đi vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, không phải hy sinh, mất mát quá nhiều mà chủ yếu là rèn luyện bản thân, bản lĩnh, sức khỏe, để gìn giữ non sông gấm vóc mà các thế hệ cha ông năm xưa đã dày công dành lại. Cái ý chí sục sôi của thế hệ tiếp lửa đã hừng hực trong các em, những thanh niên yêu nước hôm nay. Và đó là tất cả những gì được gói trọn trong hai tiếng “thiêng liêng nghĩa đồng bào”.
Ảnh 1,2: Điểu Sram tranh thủ phụ giúp cha mẹ việc vườn rẫy để sẵn sàng cho ngày tòng quân.
Ảnh 3,4 Võ Phạm Đức Lượng tranh thủ phụ giúp cha mẹ việc vườn rẫy để sẵn sàng cho ngày tòng quân.