Niềm hạnh phúc của người thầy thuốc

Thứ hai - 27/02/2023 08:56
BPO - Sứ mệnh to lớn, niềm hạnh phúc của các y, bác sĩ là cống hiến hết mình vì sức khỏe nhân dân. Vì vậy, dù trên cương vị nào họ cũng dành nhiều thời gian, tâm sức, cường độ làm việc khẩn trương với những đêm không ngủ để làm tròn sứ mệnh, xứng đáng với lời Bác Hồ dặn: “Lương y phải như từ mẫu”.

Những phụ tá thầm lặng

Trong lĩnh vực y tế, không một công việc nào là nhàn hạ. Đối với điều dưỡng viên, áp lực trên vai nặng khi họ là người ngày đêm gắn bó chăm sóc, theo dõi sức khỏe người bệnh. Vất vả là thế, nhưng với lòng yêu người, yêu nghề sâu sắc, đội ngũ điều dưỡng đã hết lòng chăm sóc, phục vụ người bệnh, cùng y, bác sĩ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

23 năm công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cũng là ngần ấy năm điều dưỡng Nguyễn Thị Lơ gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Chị Lơ cho biết: “Do phải thường xuyên túc trực bên người bệnh, công việc rất áp lực nên nhiều đồng nghiệp không bám trụ được, xin chuyển khoa khác khiến khoa chúng tôi luôn trong tình trạng thiếu người. Cả khoa có 20 giường bệnh, cần 4 điều dưỡng thì hiện nay chỉ có 3 người thay nhau túc trực. Ở đây, ngoài thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, chúng tôi phụ trách cho bệnh nhân ăn, uống, vệ sinh cá nhân, túc trực bên người bệnh 24/7. Công việc vất vả, ít có thời gian chăm lo cho gia đình, song với tôi nghề nghiệp là cái duyên, khi đã yêu nghề thì mình phải nỗ lực làm việc, chỉ mong người bệnh mau khỏe”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lơ chăm sóc bệnh nhân

“Người ta có ốm đau, bệnh tật thì mới đến bệnh viện. Có khi đau đớn, khó chịu quá khiến họ quát mắng, nặng lời với chúng tôi, nhưng mình phải thông cảm, tích cực động viên thì người bệnh mới phối hợp điều trị bệnh tốt nhất” - điều dưỡng viên Vũ Đức Thành, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ. 20 năm công tác tại bệnh viện, công việc của anh Thành là tiêm, truyền, phát thuốc cho bệnh nhân theo y lệnh của bác sĩ. Ngoài ra, anh tiếp xúc trực tiếp, theo dõi tình hình người bệnh và hỗ trợ sức khỏe, tinh thần, giúp bệnh nhân làm quen với môi trường bệnh viện, chuyển viện hoặc đi khám chuyên khoa…

Phục hồi chức năng - biện pháp giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe sau tai biến, chấn thương

Những năm gần đây, ngành y tế Bình Phước luôn đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở y tế, nhất là điều dưỡng viên. Họ phải choàng gánh thêm lượng công việc mỗi ngày, đồng thời nhẫn nại lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu với bệnh nhân, chăm sóc, phục vụ người bệnh tận tình nhất. Chính vì vậy, công việc của những điều dưỡng trong các bệnh viện được coi là một nghề đặc biệt. Họ là những phụ tá thầm lặng, đang hành nghề bằng cả trái tim, góp sức mình vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trọn chữ "tâm" với nghề

Trong bệnh viện, các cơ sở y tế, y, bác sĩ, nhân viên y tế dù mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở chữ “tâm” với nghề. Tất cả đều vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Khoa Phục hồi chức năng được coi là khoa đặc thù nhất, vì nơi đây can thiệp các khiếm khuyết về ngôn ngữ, vận động cho trẻ em; phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Vì vậy, làm việc ở khoa này, ngoài khả năng chuyên môn, còn cần sự điềm tĩnh, nhẫn nại và cả tinh thần trách nhiệm “bác sĩ như mẹ hiền”.

Điều dưỡng hạng III Lê Thị Hiền trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em

Điều dưỡng Lê Thị Hiền cho biết: Đảm nhận vai trò kỹ thuật viên trị liệu ngôn ngữ cho trẻ em từ năm 2019, tôi liên tục tìm tòi, học hỏi từ chuyên gia nước ngoài của các dự án phi chính phủ, từ các lớp đào tạo chuyên biệt; đồng thời học hỏi thêm kiến thức từ các lớp học trực tuyến trên internet. Trẻ em thường gặp chướng ngại riêng, là một “phổ” riêng biệt nên mình phải tận tâm, gần gũi, am hiểu tính cách, sở thích của từng bé thì việc can thiệp để trị liệu mới hiệu quả. 

“Y, bác sĩ ở đây niềm nở, tận tình lắm. Có những lúc phải điều trị bệnh liên tục, kéo dài, tôi muốn từ bỏ thì được các y, bác sĩ động viên, khích lệ nên bản thân có thêm động lực chữa trị” - bà Phạm Thị Biên ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú nói về những y, bác sĩ tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. 

Tỉnh lại sau cơn tai biến thập tử nhất sinh, bà Biên nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Phục hồi chức năng. “Tưởng chừng không qua khỏi, nhưng sau 1 năm tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nay tôi đã cầm nắm được đồ vật, đi lại, nói chuyện hồi phục dần. Nhờ các y, bác sĩ giỏi chuyên môn, nhờ những lời động viên, chia sẻ của họ, tôi mới được như bây giờ” - bà Biên chia sẻ.

Để có sự tin tưởng của người bệnh như hiện nay, không chỉ là nỗ lực nâng cao chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ mà chúng tôi phải “rèn giũa” từ lời ăn, tiếng nói, thái độ ứng xử với bệnh nhân... Bởi, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau với nỗi đau của họ, bác sĩ khó đi được trọn vẹn với nghề.

Bác sĩ Chuyên khoa I NGUYỄN DUY THẠNH, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước

 

Nghề y là nghề vô cùng cao quý. Cao quý không chỉ ở hai chữ “thầy thuốc” mà nó còn thể hiện ở sự tận tâm, tận lực, nhiệt huyết với nghề của các y, bác sĩ để mang đến niềm vui và sức khỏe cho bệnh nhân.

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay16,429
  • Tháng hiện tại464,348
  • Tổng lượt truy cập24,998,006
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây