Năm 2024, với định hướng CĐS quốc gia là phát triển kinh tế số, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang để làm rõ hơn về mục tiêu, giải pháp cũng như chiến lược CĐS của tỉnh trong năm.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang trao đổi với phóng viên về cơ hội và thách thức chuyển đổi số năm 2024
Phấn đấu vào top 10 cả nước
PV: Năm 2023, Bình Phước đã nỗ lực rất lớn trong thực hiện CĐS, ông có thể khái quát những kết quả nổi bật ở lĩnh vực này của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Quang: Năm 2023, Bình Phước đã thực hiện thành công mục tiêu CĐS với trọng tâm là năm dữ liệu số quốc gia. Tỉnh đã trang bị hệ thống thông tin đồng bộ để triển khai thực hiện. Kết quả, xếp hạng CĐS của tỉnh đạt mức khá, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn tỉnh đã hoàn thành trang bị hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, lắp đặt tại 843/843 thôn, ấp trong tỉnh. Trong năm 2023, Bình Phước cũng vinh dự đón nhận giải thưởng CĐS Việt Nam ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc”, với giải pháp công nghệ số “Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước”. Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố ở lĩnh vực này. Về thương mại điện tử, trong năm qua, các dịch vụ hạ tầng số, chữ ký số được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thôi thúc quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS năm 2024, với 3 trụ cột chính: kinh tế số, xã hội số và chính quyền số đang phát triển đúng hướng, ngày càng nâng chất và tầm. Qua đó góp phần đưa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025 đi vào cuộc sống. Những kết quả này cũng khẳng định CĐS là một chủ trương đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để tỉnh phấn đấu vào top 10 CĐS cả nước trong những năm tiếp theo.
Nhà mạng VNPT Bình Phước cung cấp các giải pháp công nghệ phục vụ yêu cầu chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh - Ảnh: Ngân Hà
Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP toàn tỉnh
PV: Để năm 2024 đạt được nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực CĐS, đơn vị đã có những kế hoạch, chiến lược gì trong lĩnh vực này, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Quang: Năm 2024, Chính phủ định hướng chủ đề CĐS quốc gia là phát triển kinh tế số. Qua đó, tỉnh Bình Phước cũng chú trọng triển khai các nội dung trọng tâm chiến lược quốc gia trên địa bàn tỉnh với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số để tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế số và xã hội số. Từng bước phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP toàn tỉnh. Đồng thời, triển khai hiệu quả dự án đầu tư thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số, địa phương thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Đề án 06/CP và các mô hình điểm của đề án này; triển khai tốt các nhiệm vụ hiện đại hóa hành chính tại tỉnh...
4 thách thức lớn trong năm 2024
PV: Với những mục tiêu chiến lược CĐS quốc gia cũng như của tỉnh đề ra trong năm 2024, ông có thể đánh giá cơ hội cũng như thách thức ở lĩnh vực này trong năm nay?
Ông Nguyễn Minh Quang: Về cơ hội, CĐS sẽ giúp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính quyền số. Trong đó, chú trọng lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm triển khai các nền tảng số để phục vụ tốt hơn. Qua đó, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước sẽ được triển khai 100% trên hệ thống trực tuyến, giúp người dân giảm bớt thủ tục, chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Phát triển kinh tế số giúp tạo ra không gian không giới hạn để người dân có môi trường sản xuất, kinh doanh rộng lớn, từ đó phát triển mạnh thương mại xuyên biên giới. Thương mại điện tử tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, phát triển hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, người dân có cơ hội bình đẳng hơn trong tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, từ đó khai thác được thông tin kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những cơ hội mà CĐS mang lại, năm 2024 cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn. Đó là hạn chế về nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân về cơ hội CĐS mang lại cho phát triển kinh tế cũng như xã hội. Thách thức thứ hai là về nhân lực số. Để CĐS được phải có đội ngũ cán bộ am hiểu công nghệ cũng như các giải pháp phát triển cho từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề nhân lực số còn mỏng so với yêu cầu thực tế. Thách thức thứ ba là vấn đề an ninh mạng. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, cùng với đó phát sinh các thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại trên không gian mạng. Trong khi một bộ phận người dân chưa theo kịp sự phát triển, nắm bắt thông tin đa chiều để tự bảo vệ an toàn khi tham gia không gian mạng. Vấn đề thứ tư là hạ tầng số. Do địa bàn rộng, một số nơi dân cư sinh sống không tập trung, việc phủ sóng và kéo cáp quang đến nhà người dân, cơ sở sản xuất là một thách thức trong CĐS của tỉnh.
Nhân viên VietinBank chi nhánh Bình Phước đối chiếu thông tin để mở tài khoản cho các đối tượng an sinh xã hội tại phường Tân Xuân (TP. Ðồng Xoài) - Ảnh: Kim Phụng
“Chìa khóa” chinh phục mục tiêu
PV: Từ những thách thức đặt ra, đơn vị có những giải pháp gì để chinh phục mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh về CĐS trong năm 2024, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Quang: Để nắm bắt cơ hội cũng như giải quyết các thách thức, chúng tôi đã đưa ra những giải pháp phù hợp. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, công chức, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội nhận thức rõ hơn về cơ hội và thách thức của CĐS. Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền CĐS đến chính quyền các cấp, cũng như doanh nghiệp, người dân để tận dụng cơ hội do CĐS mang lại. Thứ ba, tham mưu UBND tỉnh và các ngành có những chính sách phù hợp để phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong CĐS. Đưa CĐS thấm đẫm vào từng hoạt động của người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, tạo nên những chuyển biến sâu sắc và toàn diện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn