RÀNH CÔNG NGHỆ KHÔNG KÉM GIỚI TRẺ
E ngại khi tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ là tâm lý chung của nhiều NCT, thế nhưng với bà Nông Thị Thuận, dân tộc Nùng ở ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú thì ngược lại. Trong mọi hoạt động thường nhật, điện thoại thông minh được xem là vật bất ly thân với bà vì không chỉ thường xuyên truy cập để đọc báo, xem tin tức, kết nối mạng xã hội để trò chuyện cùng bạn bè; bà còn sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khi cần.
Nhân viên Viettel Bình Phước hỗ trợ thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng ấp 3, xã Đồng Tiến cung cấp các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số
Bà Thuận cho biết: “Tôi năm nay 67 tuổi, trí nhớ, chân tay không nhanh bằng giới trẻ nhưng không vì thế mà mình ỷ lại. Bản thân cũng không ngại học hỏi, tìm hiểu những ứng dụng mới, tham gia các buổi tập huấn do tổ công nghệ số cộng đồng triển khai để không chỉ nâng cấp bản thân mà còn trang bị kiến thức để chỉ lại những người chưa biết, nhất là NCT”.
“Sự nhiệt huyết, năng nổ của NCT trong tổ công nghệ số cộng đồng chính là nguồn cảm hứng để người trẻ thay đổi tư duy, nhận thức, đồng hành với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh”. Chị TRỊNH THỊ TRANG, ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú |
Bà Thuận từng có nhiều năm là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Sau khi nghỉ hưu năm 2011, bà làm Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Đồng Tiến đến năm 2022. 10 năm làm bí thư chi bộ, trong đó 4 năm là bí thư kiêm trưởng ấp 3, bà Thuận không chỉ là gương sáng mà còn là một NCT “mê” và rành công nghệ không kém giới trẻ. Trở thành thành viên tổ công nghệ số cộng đồng từ năm 2022, bà Thuận đang là tuyên truyền viên tích cực đồng hành với người dân nơi bà sinh sống sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán các khoản phí không dùng tiền mặt; nộp hồ sơ trực tuyến... Hiện có hơn 60% người dân trong ấp biết sử dụng điện thoại để tương tác với chính quyền.
Dù cao tuổi nhưng bà Nông Thị Thuận ở ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú không vẫn ngại học hỏi, tìm hiểu những ứng dụng mới để không chỉ giúp ích bản thân mà còn hướng dẫn những người chưa biết
Ông Lê Quý Khanh, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng ấp 3, xã Đồng Tiến chia sẻ: “Mục tiêu mà tổ công nghệ số cộng đồng đặt ra, đó là mỗi gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Từ đó họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện”.
CẦN SỰ QUAN TÂM ĐÚNG MỨC
Bên cạnh lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, các hội, đoàn thể ở địa phương, có rất nhiều NCT trong tỉnh đã vượt qua trở ngại về tuổi tác để sử dụng tốt các ứng dụng công nghệ thông tin, cùng tham gia tổ công nghệ số cộng đồng với mục tiêu mỗi người dân trở thành công dân số sẽ tạo nền tảng xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ông Đỗ Ngọc Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng cho biết: Để trở thành tuyên truyền viên, các thành viên trong tổ phải thành thạo cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để hướng dẫn người dân các ứng dụng liên quan.
Người cao tuổi thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng tham gia bồi dưỡng, tập huấn liên quan đến chuyển đổi số để hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến
Thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập, triển khai trong toàn tỉnh. Đây được xem là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn, tuyên truyền đến người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và tương tác với chính quyền qua nền tảng số… Phát triển tổ công nghệ số cộng đồng với sự quan tâm đúng mức sẽ góp phần giảm áp lực cho cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ tuyến cơ sở.
Tổ công nghệ số cộng đồng về lâu dài sẽ là lực lượng nòng cốt làm thay đội ngũ công chức ở cơ sở về việc hướng dẫn người dân thực hiện những thủ tục đơn giản. Vì hiện nay, cán bộ, công chức đang kiêm rất nhiều việc, nếu hỗ trợ thêm chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn. Bà ĐỖ THANH HUYỀN, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) |
Thực tế hiện nay, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như đẩy mạnh các lớp, chương trình tập huấn về kỹ năng số cho thành viên tổ. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng rất quan trọng. Đây là lực lượng gần dân, sát dân, khai thác hiệu quả thế mạnh của các tổ này sẽ giúp lan tỏa công nghệ số trong cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn