BÌNH PHƯỚC: MỘT THỜI LỊCH SỬ OANH LIỆT

BÌNH PHƯỚC: MỘT THỜI LỊCH SỬ OANH LIỆT
Bình Phước là địa bàn chiến lược trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là chiến trường giằng co giữa ta và địch, cũng là nơi quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước luôn nêu cao tinh thần đấu tranh quật khởi, tiếp bước truyền thống cha anh, phát huy thế mạnh nội lực để chung tay đoàn kết bảo vệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển đi lên.
Hàng loạt các địa danh, di tích, chứng tích lịch sử như: Phú Riềng Đỏ (huyện Bù Gia Mập), sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Nhà giao tế Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh), kho xăng Lộc Quang - VK 98 và kho xăng Lộc Hoà - VK 99 (huyện Lộc Ninh), mộ tập thể 3.000 người (thị xã Bình Long), khu di tích lịch sử Tà Thiết (huyện Lộc Ninh), nhà tù núi Bà Rá (thị xã Phước Long)… đã khẳng định những dấu son lịch sử vang dội trên mảnh đất Bình Phước anh hùng.
 
Bình Phước là một trong những vùng đất hình thành và phát triển các đồn điền cao su của thực dân Pháp gắn liền với việc bóc lột công nhân, lao công đồn điền thậm tệ. Từ sự áp bức cùng cực của chủ đồn điền và bè lũ tay sai, đội ngũ công nhân cao su đã đoàn kết đứng lên cùng các dân tộc (STiêng, MNông, Châu Mạ…) chống lại để bảo vệ quyền sống của mình. Các cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc ở Bình Phước đã gây ảnh hưởng lớn đến những cuộc đấu tranh của thợ thủ công các lò gốm ở Tân Uyên, Lái Thiêu, Bến Cát… làm cho bọn thống trị thực dân và tay sai vô cùng lo sợ.
 
Từ những năm 1925, 1926, các phong trào đấu tranh ở Bình Phước được soi sáng bởi một đường lối cách mạng tiên tiến “con đường cách mạng vô sản” do Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và truyền bá. Nhờ vậy, nhân dân Bình Phước sớm giác ngộ cách mạng, quyết tâm đi theo Đảng để đấu tranh giành độc lập, tự do. Các đội tuyên truyền vũ trang mang tên gọi: Tự vệ, du kích, dân quân, thanh niên cứu quốc quân, cộng hòa vệ binh, tự vệ chiến đấu quân lần lượt ra đời, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp.
 
Sau khi giành quyền quản lý các đồn điền, lực lượng thanh niên tiền phong cùng công nhân đã kéo về chợ Hớn Quản tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng, sau đó cướp chính quyền quận lỵ. Ngày 25/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa cử khoảng 100 công nhân Lộc Ninh, Hớn Quản và 50 công nhân người dân tộc thiểu số có trang bị vũ khí đến thị xã Thủ Dầu Một tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Bà Rá (Phước Long), bọn chỉ huy và binh lính Nhật không dám đi khủng bố, chờ quân đồng minh đến để giao nộp vũ khí.
 
Thắng lợi cách mạng tháng Tám của quân dân tỉnh Thủ Dầu Một, trong đó có quân dân các huyện phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một (Bá Rá, Lộc Ninh, Hớn Quản) cùng với cả nước đã xóa bỏ chế độ thực dân, phát xít, xây dựng nước Việt Nam độc lập; đồng thời tạo những tiền đề quan trọng cho việc hình thành, thống nhất lực lượng vũ trang tỉnh, chuẩn bị cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng rất vẻ vang. Sau thắng lợi cách mạng tháng Tám, lực lượng vũ trang Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp ra đời. Trên nền tàng của cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, các đơn vị vũ trang tập trung sớm ra đời, nhanh chóng phát triển, giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động tác chiến cấp đại đội, tiểu đoàn.
 
Vào những năm cuối giai đoạn 1945-1951 của cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp ngày càng phát triển và trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào cách mạng địa phương. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu là đánh giặc, lực lượng vũ trang Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp còn dìu dắt phong trào dân quân du kích ở địa phương phát triển vững mạnh. Ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến suốt quá trình chiến đấu 9 năm chống Pháp, lực lượng vũ trang ba thứ quân luôn được Đảng bộ tỉnh, các đoàn thể, mặt trận và nhân dân trong tỉnh hết sức chăm lo, nuôi dưỡng, bảo vệ, tạo điều kiện phát triển lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Cũng như toàn miền Nam, giai đoạn 1954-1965 là giai đoạn xây dựng lực lượng vũ trang đóng vai trò chủ yếu; từ việc xây dựng những đội, mũi công tác, tuyên truyền đến những đội vũ trang tự vệ diệt ác trước và trong những ngày đồng khởi. Bắt đầu từ năm 1960, khi Mỹ - ngụy triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt, lực lượng vũ trang tỉnh đã tập trung đánh phá vào những mục tiêu sống còn của chiến lược đó là lực lượng bình định, kìm kẹp và ấp chiến lược, xây dựng thế và lực trong thế trận chiến tranh nhân dân địa phương. Từ chiến dịch Đường 10 đến chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài, lực lượng vũ trang Bình Long – Phước Long vừa chiến đấu vừa trưởng thành nhanh chóng, đánh thắng nhiều trận, giải phóng một vùng rộng lớn, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.
 
Trong 3 năm (1965-1968), lực lượng vũ trang Bình Phước vừa phát triển lực lượng ba thứ quân vừa phải trực tiếp đối đầu với quân viễn chinh Mỹ trong chiến lược chiến tranh cục bộ - một trong những thời kỳ thử thách quyết liệt nhất. Bằng ý chí chiến đấu, quyết tâm, lực lượng vũ trang tỉnh đã liên tục đánh địch bằng phương châm hai chân ba mũi giáp công, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chống phá kế hoạch bình định gom dân lập ấp chiến lược của địch, mở rộng vùng giải phóng, phát triển phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Quân dân Bình Phước đã cùng quân dân Đông Nam bộ, Khu 6, Khu 10 và toàn miền Nam góp phần đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966), bẻ gãy hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” của Mỹ - ngụy.
 
Đứng trước những khó khăn ác liệt của chiến trường sau 1968 khi địch đẩy mạnh phản kích, lực lượng vũ trang các tỉnh Bình Long – Phước Long và Phân khu Bình Phước đã không ngừng củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang các cấp phát triển vững mạnh; thực hiện nhiệm vụ bám trụ địa phương, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, làm nòng cốt xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương phát triển vững chắc. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng với quân chủ lực miền Nam tham gia giải phóng thị xã Lộc Ninh, Bù Đốp. Qua đó, mở rộng và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; xây dựng thị xã Lộc Ninh thành “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đánh bại một bước chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo điều kiện tiến lên giải phóng miền Nam.
 
Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, bộ đội địa phương tỉnh Bình Phước đã chiến đấu liên tục giành thắng lợi quyết định từ chiến dịch đường 14 đến giải phóng toàn tỉnh năm 1975, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), quân dân Bình Phước cùng miền Nam và cả nước tiến hành cuộc đấu tranh vô cùng gay go, ác liệt và hy sinh lớn lao nhưng chiến thắng rất vẻ vang, oanh liệt, góp phần viết tiếp trang sử anh hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
 
Cổng thông tin điện tử tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập408
  • Hôm nay51,420
  • Tháng hiện tại669,008
  • Tổng lượt truy cập15,737,139
bank
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây