Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” trong chuyển đổi số

Thứ ba - 04/04/2023 08:06 619
(CTTĐTBP) - Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu không CĐS nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. Do đó, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, kiên định nhưng phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”.
 
IMG 4410
Bài học kinh nghiệm thực hiện hiệu quả công tác CĐS là người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra để tạo chuyển biến và mang lại hiệu quả thiết thực 
 
Theo báo cáo tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 25/02/2023, trong năm 2022, công tác CĐS và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như nhận thức và hành động có thay đổi, tăng cường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến được cải thiện; an toàn thông tin, an ninh mạng được củng cố; phát triển nguồn nhân lực CĐS có chuyển biến tích cực; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xuất hiện các công ty công nghệ Việt Nam hoạt động có hiệu quả, cạnh tranh trong CĐS.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, CĐS và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được thúc đẩy gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực (hơn 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí). Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 60 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước, tăng 1 bộ, ngành và 29 địa phương so với cuối năm 2022; đã kết nối và chia sẻ thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả (đẩy mạnh chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt qua nền tảng số của Bưu điện Việt Nam, đã có 61/63 địa phương triển khai chi trả các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và 56/63 địa phương triển khai chi trả cho đối tượng người có công với cách mạng...). Nhiều bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu như việc đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ CĐS nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng... Văn phòng Chính phủ cũng đã đưa vào vận hành các công cụ đánh giá nỗ lực cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đo lường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng gặp một số thách thức. CĐS là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Nếu không CĐS nhanh, mạnh, toàn diện, hiệu quả thì sẽ bị tụt hậu. CĐS cần sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cần có hệ thống hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thuận lợi, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; cần nguồn lực để tổ chức thực hiện. Chưa có bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nào được coi là kiểu mẫu, đi đầu trong CĐS ngoài Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ. Một số bộ, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo CĐS còn rất thiếu tập trung, chưa bố trí nguồn lực, nhất là các địa phương.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều doanh nghiệp chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà CĐS mang lại; chưa sẵn sàng cho việc CĐS và chưa dành nguồn lực tương xứng hoặc thực hiện CĐS nhưng chưa hiệu quả, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, 96% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực đầu tư cho CĐS còn hạn hẹp, việc trông chờ vào Nhà nước rất nhiều. Nhận thức, hiểu biết, kỹ năng số của đa số người dân còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được cải thiện trong thời gian qua. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng ngày càng khó khăn, phức tạp.

Từ thực tế trên, bài học kinh nghiệm thực hiện hiệu quả công tác CĐS là người đứng đầu phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra để tạo chuyển biến và mang lại hiệu quả thiết thực cho hệ thống cũng như người dân, doanh nghiệp. Kiên quyết, kiên trì, kiên định nhưng phải tích cực đổi mới sáng tạo, nhất là về công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh quản trị hiện đại, tiên tiến. Đầu tư thỏa đáng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm bài bản dựa trên quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới phù hợp với nguồn lực hiện có.

Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, nhiệm vụ CĐS quốc gia trong năm nay là rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm và tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, xã hội, doanh nghiệp. CĐS triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh hình thức, chủ nghĩa thành tích, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.

CĐS là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Phải đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, Ban chỉ đạo CĐS các cấp. CĐS phải có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nguồn lực để phục vụ CĐS, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tránh sách nhiễu, tiêu tực, tham nhũng vặt.

Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả và có chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực CĐS, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám./.
 

Tác giả bài viết: CTTĐTBP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay2,103
  • Tháng hiện tại1,114,308
  • Tổng lượt truy cập17,361,400
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây