BÀ THỊ HEN, THOÁT NGHÈO NHỜ CHĂM CHỈ

Thứ tư - 12/07/2023 10:08
Vệ sinh chân, móng cho bò bằng nước muối rồi bôi thuốc vào vết thương khi thấy bò đau chân đi yếu do bệnh lở mồm long móng cùng giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chăm sóc, nâng niu đàn bò như chăm trẻ con. Đó là cách bà Thị Hen, sinh năm 1978, ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An (Hớn Quản) chăm sóc con bò được nhà nước hỗ trợ. Từ sự chăm chỉ của bản thân cùng với bệ đỡ của nhà nước, bà Thị Hen đã vươn lên thoát nghèo.
GIEO CHĂM CHỈ
Gia đình bà Thị Hen có 8 khẩu gồm 3 thế hệ, trong đó có 3 người con. Nhiều người nhưng ít đất sản xuất, lại sống nhờ làm thuê nên cái nghèo đeo bám mãi. Loay hoay tìm lối thoát nghèo mãi đến năm 2017, bà được hỗ trợ một con bò sinh sản. Ít lâu sau, một con bò mẹ của gia đình mua hơn 20 triệu đồng sau khi sinh bê con, bò mẹ bị bệnh, ốm yếu, bà đành bán lỗ giá 11 triệu đồng. Con bê con ấy lớn lên, sinh sản rồi bị té xuống mương gãy xương trong lúc đi ăn nên bà phải bán rẻ 4 triệu đồng. Khó khăn đó như là một phép thử đối với một người vừa được trao sinh kế thoát nghèo như bà.
Thế nhưng với ý chí nỗ lực, khát khao đổi đời, bằng đôi bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó học hỏi, bà đã dồn tâm sức chăm sóc con bò được nhà nước cho. Bà học hỏi từ người đi trước, từ người có chuyên môn cùng tình cảm gắn bó giữa vật và chủ, bà thấu hiểu tường tận con bò của mình. Thế nên, khi biết bò bị lỡ mồm long móng, bà đã chăm bò như chăm trẻ. Không chỉ vậy, khi bò gặp nhiều triệu chứng khác bà đều nắm rõ và có hướng xử trí kịp thời. Bà Hen tâm sự: “Kinh nghiệm của mình là để ý từng cử chỉ của đàn bò, nhất là vào mùa mưa, thấy bò bỏ ăn, sốt, ho, mệt mỏi mình gọi cho bác sĩ thú ý đến họ tiêm thuốc là hôm sau bò khỏe lại ngay. Hay đến tuổi phối giống, mình nhìn qua là biết nó đòi đực, mình đưa đi phối giống nên bò đẻ đều hàng năm.”
Không chỉ vậy, bà ý thức được cách hiệu quả để phòng bệnh cho bò là chăm con bò thật khỏe mạnh, mau lớn, béo tốt. Vào mùa khô vì sợ bò kén ăn gầy yếu, ngoài kiếm thêm cỏ cho bò ăn bà còn cho bò ăn rơm trộn với nước muối cho có vị ngọt, mặn dễ ăn. Vì hiểu và “chiều” vật nuôi của mình, biết bò quen tập tính thả rong, nên dẫu có rơm bà vẫn ngày ngày thả bò đi ăn ra khỏi không gian chật hẹp của chuồng trại. Chăm ngày chưa đủ, đêm bà còn cho bò ăn thêm rơm vì sợ bò đói.
Đều đặn ngày ngày, bà đi chăn bò từ 9 giờ sáng đến 17h mới về, có hôm bà vượt hàng chục kilômét về hai chân mỏi rã rời. Năng nhặt chặt bị, trên đường bà còn không quên thu gom phân bò, lượm ve chai, đồng nát về để dành phòng khi cần tiền bán chi tiêu. Ngoài ra, chồng bà và các con đi làm thuê để tăng thu nhập gia đình.
GẶT THOÁT NGHÈO
Con bò được nhà nước hỗ trợ dưới bàn tay chăm sóc của bà, năm nào cũng sinh sản đều đặn. Bà bồi hồi kể: “Tôi nhớ có một năm dịch Covid 19, suốt năm ròng cả nhà tôi không làm được gì, chỉ đến quán mua thiếu thức ăn về nấu cho cả nhà. Rồi bệnh đau thuốc men, chi phí cách ly cho cháu. Lúc đó, có sẵn đàn bò được nhân đàn thành bốn con từ một con ban đầu do nhà nước cho, tôi bán hai con đực được hơn 20 triệu đồng, có tiền trả nợ mua thiếu thức ăn ở quán cả một năm ròng, rồi trang trải nợ nần. Nói chung đỡ lắm”. Đến nay, bò tiếp tục nhân đàn được 4 con. Con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh. Trong đó có một con chuẩn bị phối giống.
Trước đây, sống trong căn nhà tranh tre trống trước hở sau, vỏn vẹn 10m2 những đêm mưa  tạt gió lùa, bà Thị Hen thầm khát khao có được một căn nhà tươm tất che mưa. Ước mơ thành hiện thực khi năm 2022, bà được nhà nước xây tặng một căn nhà đại đoàn kết rộng khoảng 70m2, cùng một giếng nước. Từ bệ đỡ đó cộng với nỗ lực vươn lên của chính bản thân, giờ cuộc sống bà đổi thay rõ rệt.
Bình minh ló dạng, dẫn đàn bò chuẩn bị đi ăn, bà Hen vui mừng nói: “Lúc trước gia đình cực khổ, khó khăn lắm, được nhà nước hỗ trợ căn nhà, con bò, giếng nước xài. Tôi đang cố gắng làm, chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế cho gia đình đở khổ. Lúc trước không giếng, không nhà, không có bò. Chăn bò thuê mỗi tháng chỉ được 500 ngàn đồng mua thức ăn. Nay có mọi thứ, mình đi chăn bò về có nhà để ở, không sợ mưa gió, còn hạnh phúc nào bằng”.
Bà Thị Thủy – Cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Thanh An cho biết: “Với sự chăm chỉ, tính toán làm ăn, bà thị Hen đã biết phát huy hiệu quả sinh kế do nhà nước trao tặng, vươn lên thoát nghèo năm 2022. Bà Thị Hen xứng đáng là tấm gương nỗ lực vươn lên thoát nghèo để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số học tập, áp dụng.”
Ảnh 1 và 2: Bà Thị Hen vui mừng với thành quả mình có được.


Ảnh 3: Bà Thị Hen và con gái út trong căn nhà được nhà nước trao tặng năm 2022.



 

Tác giả: Thanh Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay9,398
  • Tháng hiện tại457,317
  • Tổng lượt truy cập24,990,975
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây