Bài 1:
PHÁT HUY TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Sản phẩm tốt nhất thế giới
Chủ một trong những doanh nghiệp chế biến điều lớn nhất nước, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến điều Hoàng Sơn 1, huyện Bù Đăng cho biết, doanh nghiệp luôn ưu tiên mua hạt điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng để chế biến vì hạt ít vỡ, chất lượng thơm ngon hơn so với điều của các nước Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Tây Phi. Chính vì vậy, giá điều trong nước luôn cao hơn giá điều nhập khẩu. “Hiện khách hàng châu Âu rất ưa chuộng sản phẩm điều Việt Nam, đặc biệt là điều có chỉ dẫn địa lý Bình Phước. Hạt điều của mình đang là sản phẩm tốt nhất thế giới, do vậy nông dân yên tâm chăm sóc phát triển vườn điều” - ông Huyên nhấn mạnh.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến điều Hoàng Sơn 1 kiểm tra chất lượng hạt điều tại công ty mình
Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Tỉnh hiện có hơn 152.000 ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm, chiếm gần 50% diện tích và sản lượng điều cả nước. Trong đó, diện tích trồng điều của đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 50.000 ha. Năng suất điều cao do điều kiện tự nhiên phù hợp, đặc biệt Bình Phước đã đưa các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng, thâm canh chăm sóc giúp vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Tỉnh cũng được xem là trung tâm chế biến điều số 1 thế giới, với công suất 500.000 tấn điều thô/năm. |
Chế biến điều là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh, mỗi năm đóng góp từ 27-45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD. Sản phẩm hạt điều chế biến tại tỉnh xuất đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.
“Một ngày may mắn nhận được món quà của mẹ vợ tôi từ Việt Nam, đó là hạt điều Bình Phước. Hạt điều rất ngon, tôi tin tưởng rằng hạt điều Bình Phước sẽ được người tiêu dùng ở đây đón nhận” - ông Richard, TP. Chicago, tiểu bang Illinois, Mỹ chia sẻ.
Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam, huyện Phú Riềng phân loại hạt điều
Ông Nguyễn Thanh Tán, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mekong Corporation Europe khẳng định: “Tôi chọn Bình Phước làm đối tác nhập sản phẩm điều vào châu Âu vì điều Bình Phước được đánh giá là ngon nhất thế giới và được người châu Âu rất ưa chuộng. Bình Phước có nhiều doanh nghiệp chế biến điều với số lượng lớn đáp ứng yêu cầu thu mua, xuất khẩu của tập đoàn”.
Áp dụng công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh
Ngoài chế biến điều nhân xuất khẩu, nhờ làm chủ công nghệ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp tại Bình Phước còn chuyển dần sang chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng. Toàn tỉnh hiện có 283 cơ sở chế biến sâu nhân hạt điều với 35 sản phẩm, mẫu mã phong phú, đa dạng, lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế như: điều mật ong, điều rang tỏi ớt, điều rang muối, điều wasabi, điều phô mai, điều rang nước cốt dừa... Các sản phẩm này được xếp hạng OCOP 4 sao, 5 sao.
Ông Phùng Văn Sâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hanfimex Việt Nam, huyện Phú Riềng, Bình Phước giới thiệu về hạt điều công ty mình
“Cũng từ hạt điều Bình Phước, tôi đã mày mò phát triển thêm dòng sản phẩm hạt điều tẩm vị, bánh hạt điều để cung cấp ra thị trường phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiện sản phẩm của công ty đã có trên kệ hàng của các siêu thị lớn trong nước” - ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long cho biết.
Nông dân xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng yên tâm gắn bó với cây điều
Bình Phước cũng là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều. Hiện toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững. Ông Hoàng Chuẩn, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú, huyện Lộc Ninh phấn khởi nói: Khi chưa có chỉ dẫn địa lý, công ty đem sản phẩm hạt điều đi bán khắp nơi mà nói điều Bình Phước thì nhiều người còn hoài nghi. Từ ngày có chỉ dẫn địa lý, chúng tôi in logo lên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng nhìn vào họ biết đây là sản phẩm được làm từ nguyên liệu điều Bình Phước 100%, càng tin tưởng mua dùng.
Một khâu của Công ty cổ phần chế biến điều Hoàng Sơn 1
“Hạt điều Bình Phước được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đây chính là công cụ trong xây dựng, phát triển giá trị thương hiệu hạt điều của Bình Phước, đặc biệt trên những thị trường các nước. Chúng tôi tin tưởng với sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp và người nông dân, ngành điều càng có triển vọng vươn cao và xa hơn đến các nước trên thế giới” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Trần Quốc Duy nhấn mạnh.
Một trong những lý do dẫn tới sự thành công của ngành điều Bình Phước hôm nay, đó là có công nghệ chế biến, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế. Nhờ có dây chuyền công nghệ liên tục đổi mới, các cơ sở đã hoàn thành hệ thống tiêu chí để được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm như BRC, ISO 22000, HACCP... Việc ứng dụng khoa học, công nghệ giúp doanh nghiệp chế biến điều gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách; là đòn bẩy giúp ngành chế biến điều của Bình Phước phát triển, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, nghiên cứu tiềm năng, tính trạng lựa chọn các giống điều tốt. Đồng thời, phối hợp các ngành tập huấn cho nông dân cũng như các hợp tác xã chăm sóc phát triển cây điều. Trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, chúng tôi tập trung phát triển, nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ thịt quả điều để phát huy tối đa giá trị của cây điều, đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu và đổi mới công nghệ. |
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Thị Minh Thúy |
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn