Khởi động phương thức quản lý nhân khẩu mới

Thứ hai - 06/02/2023 09:48
BPO - Bắt đầu từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã chính thức bãi bỏ và không còn giá trị sử dụng. Hiện nay, lực lượng công an tỉnh Bình Phước đang dồn lực bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” để người dân có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ công thiết yếu mà không cần sổ hộ khẩu giấy. Các cơ quan nhà nước có thể sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân.

Quản lý dân cư trên nền tảng số

Trong suốt thời gian quản lý hành chính, sổ hộ khẩu giấy được coi là giấy tờ bắt buộc phải có trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng, các cơ quan chức năng đã thống nhất quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được tích hợp trên CCCD gắn chíp.

Công an huyện Đồng Phú đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân cho công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn

Theo các chuyên gia, phương thức quản lý thông tin bằng phần mềm công nghệ hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng sổ hộ khẩu giấy. Thông tin về nơi cư trú của công dân được cập nhật trên hệ thống điện tử để quản lý thống nhất. Khi người dân nhập, xóa, chuyển hộ khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú… đều được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các cơ quan nhà nước dễ quản lý, chỉnh sửa. Đây được xem là bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ số vào quản lý hành chính, được đông người dân đồng tình, ủng hộ.

Chị Lâm Thị My ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho rằng: Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, điều thuận tiện ai cũng thấy là người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, tránh tình trạng rơi, rách hoặc bị mất. Bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân là bước tiến trong quản lý dân cư, đem lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước và công dân, góp phần đơn giản TTHC, giảm phiền hà và lãng phí.

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (gọi tắt là Nghị định số 104) có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 quy định các TTHC được điều chỉnh, người dân chỉ cần cung cấp CCCD thay vì sổ hộ khẩu. Cụ thể là: Vay vốn hỗ trợ việc làm; cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ học sinh xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo; hỗ trợ trẻ mẫu giáo miễn giảm học phí; mua bán điện sinh hoạt; đăng ký nuôi con nuôi; miễn thuế đối với tài sản di chuyển, hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; căn cứ xác định sử dụng đất ổn định lâu dài để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng.

Ngoài ra, một số thủ tục cũng bỏ yêu cầu nộp sổ hộ khẩu như: đăng ký hộ tịch bản sao, trích lục hộ tịch; thành lập quỹ hợp tác xã địa phương; sửa thông tin trong hồ sơ người có công… Việc yêu cầu công dân nộp, xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú chỉ thực hiện khi không khai thác được thông tin về cư trú hoặc thông tin đó chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nói về tiện ích của phương thức quản lý nhân khẩu mới, chị Nguyễn Thị Loan ở phường Tân Phú khẳng định: Bỏ sổ hộ khẩu giấy không chỉ tạo thuận lợi trong quản lý, sử dụng mà còn tiết kiệm cho người dân cả nước một số tiền khá lớn xung quanh chuyện làm sổ hộ khẩu và in sao hộ khẩu khi cần giao dịch. Đây là thay đổi phù hợp với thời đại số hiện nay và chủ trương xây dựng chính phủ điện tử.

Giảm lãng phí, phiền hà cho nhân dân

Thượng tá Hồ Ngọc Chiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, người dân và cơ quan chức năng ngoài dùng CCCD gắn chíp, cũng có nhiều cách khác để tra cứu thông tin và thực hiện các TTHC liên quan tới đất đai. Thứ nhất, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Thứ hai, tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID. Thứ ba, sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chíp trên CCCD gắn chíp. Thứ tư là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Người dân thành phố Đồng Xoài thực hiện đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và tích hợp các loại giấy tờ như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...

“Nghị định số 104 nêu rõ, trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức... được giao tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú, gồm: thẻ CCCD, giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Thượng tá Hồ Ngọc Chiến chia sẻ thêm.

Theo Công an tỉnh, việc làm sạch dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo quy định. Đã cấp 34.954 CCCD gắn chíp điện tử cho công dân thường trú, 4.956 CCCD cho nhân khẩu tạm trú trên địa bàn tỉnh. Cấp tài khoản định danh điện tử 91.410 trường hợp, đạt hơn 90%, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Cơ quan chức năng đã hoàn thành đưa 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân lên môi trường điện tử để tạo thêm kênh giải quyết TTHC cho người dân.

 

Thượng tá Hồ Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh, để thuận lợi khi thực hiện các TTHC, nếu công dân vẫn đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số hoặc đủ 14 tuổi nhưng chưa làm CCCD gắn chíp, cần nhanh chóng đến các điểm thu nhận để tiến hành thủ tục cấp thẻ CCCD nhằm xác định mã định danh cá nhân. Hoàn thành cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử và mã định danh điện tử cho toàn bộ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là tiền đề, yếu tố then chốt trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ quản lý dân cư hiệu quả trên nền tảng công nghệ.

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành, kết nối thông suốt giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương, người dân có thể sử dụng số định danh cá nhân hoặc CCCD gắn chíp để xác định thông tin nhân thân, không cần mang theo các loại giấy tờ khi làm TTHC hoặc giao dịch dân sự. Từ đó giúp công dân giảm chi phí sao y chứng thực; cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ liên quan nếu bị mất hoặc hư hỏng. Từ đó, mỗi người dân sẽ thấy rõ hơn lợi ích của chuyển đổi số để tích cực tham gia vào tiến trình này.

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay8,003
  • Tháng hiện tại429,782
  • Tổng lượt truy cập24,272,323
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây