Phủ sóng 4G trên tuyến biên giới

Thứ tư - 01/03/2023 08:49
BPO - Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã và đang đẩy mạnh phát triển các khu dân cư trên tuyến biên giới nhằm thúc đẩy kinh tế vùng biên; đồng thời tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Song song đó là ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm phục vụ nhân dân một cách thuận tiện nhất. Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mạnh mẽ, trong khi đó, vùng biên giới Bình Phước đang còn nhiều “vùng trũng” về sóng viễn thông, do đó tỉnh đang quyết tâm thực hiện chiến dịch đưa sóng đến vùng biên giới, vùng sâu để nhân dân sớm được tiếp cận sóng di động, công nghệ thông tin.

Đưa sóng đến nơi xa nhất

Những ngày cuối tháng 2-2023, chúng tôi theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Bình Phước, VNPT Bình Phước và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước đi khảo sát 6 vị trí dự kiến xây dựng trạm phát sóng di dộng (BTS) phục vụ các đồn biên phòng trên tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập và Bù Đốp. Các vị trí khảo sát đều nằm sâu trong rừng, có địa hình dốc, đường di chuyển rất khó khăn. Đường biên giới chỉ khoảng 70km nhưng đoàn phải di chuyển từ sáng sớm tới chiều muộn mới khảo sát xong. Theo cán bộ kỹ thuật Viettel Bình Phước, tại các vị trí này thường là luồng gió, địa hình hiểm trở nên phương án xây dựng trạm BTS rất tốn kém, đặc biệt là khó xây dựng được phương án phủ sóng tối ưu nhất.

Trạm BTS của nhà mạng Viettel góp phần đưa sóng di động lên tuyến biên giới Bình Phước. Trong ảnh: Nhân viên Viettel bảo trì hệ thống máy tại trạm BTS trên tuyến biên giới Bù Gia Mập

Đoàn khảo sát đến điểm dự kiến xây dựng trạm BTS nằm sâu trong rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập (điểm giáp ranh 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông). Khi thấy đoàn đến, cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát dịch Covid-19 của Đồn biên phòng Bù Gia Mập (Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước) và Trạm kiểm lâm số 9 (Vườn quốc gia Bù Gia Mập) ai ai cũng vui mừng. Anh Nguyễn Thế Nghĩa, cán bộ Trạm kiểm lâm số 9 cho biết: Tôi công tác tại đây hơn 10 năm và phải sống trong tình trạng nhiều không, đặc biệt là không sóng điện thoại di động nên rất khó khăn trong phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Đêm tối giữa rừng già Bù Gia Mập, mấy anh em chỉ biết quây quần bên bàn cờ tướng. Nhiều hôm muốn gọi điện hỏi thăm người thân trong gia đình, động viên vợ con ở nhà thì phải di chuyển nhiều kilômét sang hướng tỉnh Đắk Nông hoặc Đồn biên phòng Bù Gia Mập mới có sóng di động.

Trạm BTS của nhà mạng Viettel đặt tại Đồn biên phòng Đắc Bô, Bộ đội biên phòng Bình Phước

Hay Đồn biên phòng Đắc Nô (Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước) đóng chân trong vùng lõi rừng quốc gia Bù Gia Mập, là đồn biên phòng thành lập muộn nhất (tháng 11-2019) của tỉnh Bình Phước. Khi thành lập, đồn có nhiều cái không như: không điện, không nước sạch, cơ sở vật chất tạm bợ… và không sóng di động. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hùng, Đồn phó nghiệp vụ Đồn biên phòng Đắc Nô cho biết, mặc dù thành lập sau nhưng đồn được sử dụng sóng di động 4G sớm. Đây là nguồn động viên lớn để cán bộ, chiến sĩ của đồn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh là địa bàn giáp biên với nước bạn Campuchia, khu vực này hiện vẫn chưa có điện và sóng viễn thông. Chốt dân quân thường trực của xã Lộc Thành đóng tại ấp Cần Dực cũng được lập nên từ năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có điện và sóng viễn thông. Do đó, muốn báo cáo tình hình, anh em phải di chuyển bằng xe máy hơn 10km ra trung tâm xã, trong khi đó đường đi lại khó khăn. Vào trung tuần tháng 2 vừa qua, Viettel Bình Phước đã khánh thành và đưa vào vận hành trạm BTS. Đây là công trình thứ 31 được Viettel triển khai xây dựng theo cam kết với UBND tỉnh Bình Phước về phủ sóng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh. Anh Điểu Song, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Lộc Thành cho biết, trạm BTS ở ấp Cần Dực hoạt động giúp nhân dân vùng biên giới được sử dụng sóng 4G. Bên cạnh đó cũng giúp việc gửi nhận giấy tờ, thủ tục hành chính được thuận tiện hơn.

Để không còn “vùng trũng” sóng di động

Việc xây dựng các trạm phát sóng di động BTS trên tuyến biên giới không chỉ giúp đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn phục vụ nhiệm vụ công ích theo tinh thần lãnh đạo tỉnh Bình Phước đề ra, “biên giới yên thì nội địa ổn”. Trong bối cảnh tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh CĐS, việc đảm bảo sóng di động tại khu vực vùng biên sẽ hỗ trợ người dân ở vùng sâu tiếp cận, sử dụng các ứng dụng nền tảng số như khai báo các thủ tục hành chính công trực tuyến, sử dụng các ứng dụng chuyển tiền trực tuyến qua Viettel Money, Internet Banking… để thanh toán tiền điện, nước, giúp cuộc sống của người dân vùng biên được tốt hơn.

Để người dân vùng biên được tiếp cận sóng di động 4G, đặc biệt là bắt kịp quá trình CĐS, chính quyền địa phương và các nhà mạng viễn thông đang thực hiện chiến dịch phủ sóng tuyến biên giới. Tuy nhiên, việc đưa sóng lên tuyến biên giới cũng gặp không ít khó khăn, do địa hình phức tạp, nhiều khu vực đến nay chưa có điện lưới để duy trì hoạt động của các trạm BTS.

Bình Phước khởi công xây dựng trạm BTS trên tuyến biên giới huyện Lộc Ninh

Nhiều năm qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nỗ lực đưa sóng di động đến khu vực biên giới và tại tỉnh Bình Phước, Viettel Bình Phước cũng đang tiên phong. Ông Vũ Tấn Dũng, Giám đốc Viettel Bình Phước cho biết: Viettel với vai trò là doanh nghiệp quân đội đã sớm có chủ trương mang sóng di động tới vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo, đảm bảo liên lạc cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời giữ gìn an ninh biên giới. Đến hết năm 2022, 100% đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được Viettel phủ sóng di động. Hiện nay, chúng tôi đang khảo sát và xây dựng các trạm BTS để cung cấp sóng 4G trên tuyến biên giới.

Để phủ sóng cho 100% đồn biên phòng, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang xây dựng những giải pháp tối ưu, huy động tối đa nhân lực và phối hợp các đơn vị liên quan để khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ lắp đặt và phát sóng trạm BTS đúng yêu cầu. Đối với những vị trí không có điện, các nhà mạng đã đưa ra giải pháp triển khai công nghệ mới, như: thiết bị thu phát sóng với công suất tiêu thụ điện năng thấp, sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ để phát điện ban đêm. Tuy nhiên, vào những ngày ít nắng hoặc mùa mưa, lượng điện của pin mặt trời không đủ, các nhà mạng phải bố trí nhân lực tiếp xăng, dầu để chạy máy phát điện cho các trạm BTS. Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Đối với những vị trí đặt trạm BTS khó khăn và chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các đơn vị viễn thông về giải phóng mặt bằng, kéo hệ thống cáp quang.

Dọc biên giới tỉnh Bình Phước dự kiến xây dựng 53 trạm BTS, trong đó từ năm 2020 đến nay đã xây dựng và đưa vào hoạt động 38 trạm BTS, chủ yếu ở huyện Lộc Ninh. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai đề án xây dựng hệ thống thông tin khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó hoàn thành xây dựng các trạm BTS còn lại.

Đưa sóng di động đến tuyến biên giới ngoài phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, phục vụ nhu cầu sử dụng sóng di động 4G của nhân dân thì đây cũng là nỗ lực của Bình Phước trong CĐS, xây dựng chính quyền điện tử.

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay7,897
  • Tháng hiện tại429,676
  • Tổng lượt truy cập24,272,217
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây