Vị Bộ trưởng luôn quan tâm xây dựng Chính phủ điện tử và đồng hành cùng báo chí

Thứ năm - 02/02/2023 08:07
(Chinhphu.vn) - Là Bộ trưởng đặt nền móng cho sự ra đời của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngay cả khi về nghỉ hưu, đồng chí Đoàn Mạnh Giao vẫn theo dõi từng bước trưởng thành và phát triển của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Cố Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao

Cách đây 17 năm, ngày 10/1/2006, Trang tin điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam - Website Chính phủ, nay là Cổng TTĐT Chính phủ, đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn nút hòa mạng Internet.

Chặng đường phát triển từ Website Chính phủ đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có dấu ấn đậm nét của đồng chí Đoàn Mạnh Giao-Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (giai đoạn 1999-2007).

Người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Cổng TTĐT Chính phủ

Ở thời điểm ban đầu với nhiều khó khăn, thách thức của quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Website Chính phủ, cố Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã có những đóng góp to lớn và quan trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Website Chính phủ bồi hồi nhớ lại, quá trình xây dựng Trang tin điện tử Chính phủ, một hạng mục quan trọng của cải cách hành chính theo hướng chính phủ điện tử chia làm 4 giai đoạn: Từ chuẩn bị về phương pháp luận và phân tích thực tiễn Việt Nam (2001-2002); thành lập Ban Quản lý dự án, nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật (3/2003-6/2005); thi công, thử nghiệm và chính thức khai trương (4/2005-1/2006), đến giai đoạn vận hành kiểm nghiệm ổn định kỹ thuật, nghiệm thu, kiểm toán và phê duyệt quyết toán Dự án (1/2006-12/2007).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao là người rất quan tâm đến xây dựng Chính phủ điện tử. Khi ấy Ban Chỉ đạo Website Chính phủ với các thành viên là đại diện của 10 bộ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao làm Trưởng Ban Chỉ đạo đã tổ chức rất nhiều phiên họp về dự án Website Chính phủ. Website Chính phủ luôn được xác định là cơ quan của Chính phủ, đặt tại VPCP, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp quản lý.

Trước khi triển khai xây dựng Dự án Website Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách "Tin học hoá quản lý Nhà nước và mô hình Chính phủ điện tử-Phân tích kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam" (VPCP xuất bản năm 2001). Với cuốn sách này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao đọc rất kỹ, góp ý chi tiết trước khi viết lời giới thiệu.

Nội dung cuốn sách cũng là cơ sở lý luận và khung thực tiễn để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại VPCP, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng Website Chính phủ.

Từ tháng 5/2002, nhiệm vụ xây dựng Trang tin điện tử của Chính phủ trên Internet được Thủ tướng Chính phủ giao cho VPCP tiếp nhận từ Bộ Văn hóa và Thông tin.

Đến ngày 24/7/2002, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-VPCP thành lập Ban tiếp nhận và xây dựng Dự án này.

Ngày 7/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/2003/QĐ-TTg thành lập Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên Internet (gọi tắt là Website Chính phủ).

Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nhấn nút phát lệnh đưa Website Chính phủ chính thức hoà mạng Internet toàn cầu với sự hiện diện của các quan khách trong nước và quốc tế.

Sự kiện này là một dấu mốc lịch sử trong quá trình hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ Việt Nam. Truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin và thông báo rộng rãi về Website chính thức của Chính phủ Việt Nam trên Internet.

Và đặc biệt từ 8h30 đến 12h00 ngày 9/2/2007, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tuyến với nhân dân trong và ngoài nước về 9 chủ đề quan trọng, tổng hợp từ hơn 3 vạn câu hỏi mà xã hội quan tâm gửi đến trên Website Chính phủ, có sự theo dõi trực tiếp của nhiều cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Cuộc đối thoại đã trở thành một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn cả về xã hội, chính trị, đối ngoại được dư luận trong nước và quốc tế đưa tin, đánh giá cao; được các cơ quan truyền thông đánh giá là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về CNTT và truyền thông năm 2007. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã cùng đồng hành chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này và cùng tham dự với Thủ tướng Chính phủ.

Website Chính phủ đã vận hành liên tục 24/7/365, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ theo đúng mục tiêu đề ra, trở thành phương tiện giao tiếp điện tử chính thống giữa Chính phủ với cộng đồng xã hội trong và ngoài nước.

Những quyết sách, thông điệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về quản lý, điều hành đất nước đã được chuyển tải toàn văn tức thời đến mọi người quan tâm qua mạng thông tin toàn cầu, không phụ thuộc vào khoảng cách không gian và thời gian. Đồng thời, cũng hầu như tức thời qua Website Chính phủ có thể thu nhận được ý kiến của công dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế gửi đến Chính phủ.

Để có được thành công này trước hết là nhờ sự quan tâm sát sao của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, VPCP, Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó có cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Trưởng Ban Chỉ đạo-đồng chí Đoàn Mạnh Giao.

Đánh giá về Website Chính phủ sau khi đi vào vận hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao đã nhấn mạnh: Từ nay, cùng với các cơ quan thông tin quan trọng khác, Đảng và Nhà nước ta có thêm một kênh thông tin quan trọng, hằng ngày, hằng giờ cung cấp thông tin chính thống về những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của cả nước trên mạng internet.

Nhớ về quá trình công tác, gắn bó với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao, TS. Nguyễn Công Hóa, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Website Chính phủ xúc động chia sẻ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao là người luôn tôn trọng ý kiến của các nhà chuyên môn, các chuyên gia trong suốt quá trình tham gia xây dựng Dự án Website Chính phủ.

"Ông làm việc rất sát sao nhưng khiêm tốn và luôn tôn trọng tính độc lập về chuyên môn, kỹ thuật của các nhà chuyên gia. Với tôi hay với bất kỳ đồng nghiệp, cấp dưới, ông đều thân thiện. Khi làm việc, ông cùng thảo luận kỹ, những vấn đề còn thắc mắc, ông đề nghị tìm hiểu thêm về mặt pháp lý. Ví dụ vấn đề này của Chính phủ thuộc lĩnh vực khoa giáo văn xã thì phải hỏi ý kiến Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm phụ trách khoa giáo văn xã", TS. Nguyễn Công Hóa nhớ lại.

Hằng tuần, Ban Quản lý Dự án đều có báo cáo gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao. Ông đọc rất kỹ, nhận xét và cho ý kiến chi tiết, tỉ mỉ. Tính đến khi hoàn thành Dự án Website Chính phủ đã có tổng số 42 báo cáo của Ban Quản lý Dự án gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao.

Vị Bộ trưởng luôn quan tâm xây dựng Chính phủ điện tử và đồng hành cùng báo chí - Ảnh 2.

Thủ tướng Phan Văn Khải phát lệnh Khai trương Trang tin Điện tử Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao-Trưởng Ban chỉ đạo Website Chính phủ đứng thứ 2 từ trái sang. Ảnh: VGP

Là người luôn quan tâm đến việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng như xây dựng Website Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao luôn dành tâm huyết cho công việc này. TS. Nguyễn Công Hóa nhớ lại chi tiết vào năm 2005, mặc dù chuyến đi công tác Hoa Kỳ, Canada cùng Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị khởi hành, TS. Nguyễn Công Hóa đã gọi điện cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao để xin ý kiến về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán của xây dựng Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên internet. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao đã đồng ý, xem và ký văn bản được chuyển đến sân bay. Ngay sau đó, Ban Quản lý Dự án đã nhận được bản quyết định số 1160/QĐ-VPCP yêu cầu "đấu thầu rộng rãi sau khi có quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán xây dựng Trang tin điện tử của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên internet.  

Sau khi Website Chính phủ đi vào vận hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao vẫn luôn theo dõi số lượng truy cập hằng ngày cũng như những phản hồi về Website Chính phủ.

Người bạn đồng hành thân thiết của báo chí

Cố Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao cũng là người luôn quan tâm đến công tác báo chí. Ông luôn đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí, coi báo chí là một kênh thông tin giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoá thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao khẳng định, báo chí đã đóng góp rất lớn và có hiệu quả trong việc cổ vũ, tuyên truyền trong cán bộ, công chức, giới doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, nỗ lực phấn đấu thi đua lao động, sản xuất làm giàu cho đất nước.

Trong buổi gặp gỡ đầu xuân của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải với báo giới tại Hà Nội cách đây 17 năm (ngày 25/1/2006), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao đã có những chia sẻ nêu bật vai trò, công lao của báo chí đóng góp vào những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn của đất nước, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những "hạt sạn" mà các nhà báo và một số cơ quan báo chí cần nghiêm túc "dọn vườn". 

Trong lời chia sẻ ấy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao nhấn mạnh, trong thành tựu to lớn của toàn dân có đóng góp không nhỏ của báo chí. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã phản ánh kịp thời và làm sâu sắc thêm ý nghĩa những ngày lễ lớn của dân tộc. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào, tự cường dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên cho một tương lai đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh trong mọi tầng lớp nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao cũng cho biết, Chính phủ chủ trương tăng cường mối quan hệ của bộ máy Nhà nước với công chúng, trước hết là trong quan hệ với các cơ quan báo chí. Trừ những nội dung đã được quy định thuộc bí mật nhà nước và bí mật kinh doanh, các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng quyền được thông tin của dân, bảo đảm cho báo chí tiếp xúc được với các hoạt động của mình. Việc thực hiện điều này không thể tuỳ thích mà phải coi là một nghĩa vụ thể hiện tính chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Những quy định cụ thể về quyền được thông tin của dân cần được thể chế hóa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đoàn Mạnh Giao cho rằng, các cơ quan công quyền, trước hết là ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, phải có quy chế rõ ràng và có bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm trả lời yêu cầu thông tin cho các cơ quan báo chí, các đoàn thể và nhân dân; phải cung cấp thông tin đúng thời hạn; nếu không cung cấp được phải có văn bản giải thích lý do; những trường hợp làm ngơ, không trả lời cần phải bị xem xét trách nhiệm kỷ luật hành chính. Đồng thời, Chính phủ hoan nghênh và đòi hỏi các cơ quan báo chí đề cao trách nhiệm gắn với đạo đức, văn hóa nghề nghiệp, báo đảm tính trung thực, khách quan và chính xác trong việc cung cấp thông tin; đối với những trường hợp thông tin sai, gây thiệt hại cho tổ chức hoặc cá nhân, phải xử lý nghiêm và công khai theo Luật Báo chí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao luôn mong muốn quan hệ cộng tác giữa báo chí với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ với báo chí ngày càng chặt chẽ và tốt đẹp, vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, một xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh.

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC ĐỒNG CHÍ ĐOÀN MẠNH GIAO

________

Đồng chí Đoàn Mạnh Giao, sinh ngày 27 tháng 10 năm 1944

Tháng 6 năm 1961 đến tháng 10 năm 1962: Binh nhì, chiến sỹ Tiểu đoàn 95, Trường Hàng không, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 10 năm 1962 đến tháng 5 năm 1963: Binh nhất, chiến sỹ Tiểu đoàn 93, Cục Hàng không, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 6 năm 1963 đến tháng 7 năm 1964: Hạ sỹ, học viên Trường Văn hóa, Bộ Tổng tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 8 năm 1964 đến tháng 6 năm 1969: Trung sỹ, Học viên Học viện Kỹ thuật pháo binh, Nam Kinh, Trung Quốc.

Tháng 7 năm 1969 đến tháng 2 năm 1973: Thiếu úy, Trung úy, Giảng viên Trường Đại học kỹ thuật quân sự.

Tháng 3 năm 1973 đến tháng 4 năm 1974: Thượng úy, phái viên của Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, biệt phái chiến trường B3 (Tây Nguyên).

Từ tháng 5 năm 1974 đến tháng 10 năm 1979: Thượng úy, Đại úy, Bí thư Chi bộ, giảng viên Trường Đại học kỹ thuật quân sự.

Từ tháng 11 năm 1979 đến tháng 5 năm 1982: Đại úy, Trợ lý, sỹ quan biệt phái của Bộ Quốc phòng tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Từ tháng 6 năm 1982 đến tháng 4 năm 1985: Thiếu tá, Trợ lý, Bí thư Chi bộ, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng.

Từ tháng 5 năm 1985 đến tháng 3 năm 1993 đồng chí là Chuyên viên, Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ.

Từ tháng 4 năm 1993 đến tháng 10 năm 1998 đồng chí là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 11 năm 1998 đến tháng 02 năm 1999 đồng chí là Bí thư Đảng ủy, Quyền Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 3 năm 1999 đến tháng 7 năm 2007 đồng chí là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ. Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung.

Tháng 8 năm 2007 đồng chí nghỉ công tác, tháng 01 năm 2008, đồng chí nghỉ hưu.

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Đoàn Mạnh Giao đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- Huân Chương Độc lập hạng Nhì;

- Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.

- Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Ba;

- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.

- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Tác giả: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay4,242
  • Tháng hiện tại403,074
  • Tổng lượt truy cập24,245,615
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây