Tham dự tọa đàm, có ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên UV BCH TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao, Du lịch, ông Lê Hoàng Lâm, Bí thư Huyện ủy Hớn Quản, ông Trịnh Minh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, cùng đại diện lãnh đạo một số sở ngành các phòng ban huyện Hớn Quản.
Mục tiêu của buổi tọa đàm là tạo diễn đàn để phân tích, làm rõ, lắng nghe các ý kiến, quan điểm của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời tham vấn tiếng nói của nhân dân, của cộng đồng để từ đó đi đến nhận thức chung về bản chất, đặc trưng giá trị, vai trò của Hội Chọi trâu Hớn Quản. Trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng, giải pháp trong công tác quản lý, giám sát, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và Hội Chọi trâu huyện Hớn Quản nói riêng
Tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Minh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản nêu rõ, Hội chọi trâu Hớn Quản thường diễn ra 2 lần trong 1 năm tại Đình Thần. Lần 1 là sau Lễ Hạ nêu kèm theo Hội Chọi trâu vào tháng Giêng âm lịch nhân dip tết cổ truyền dân tộc như là hoạt động khởi đầu cho một năm mới. Lần 2 là tại Lễ Cầu bông vào ngày 18 tháng 8 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt… Hội Chọi trâu Hớn Quản hiện tại được tổ chức gắn với những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc của cư dân nông nghiệp. Hội diễn ra sau mùa thu hoạch nông nhàn, lễ tết…đã có truyền thống lâu đời, được nâng cấp quy mô và tổ chức quy củ, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không mang tính thương mại, không lợi dụng để thu lợi bất chính, không có tính gây bạo lực phản cảm, không có tiêu cực. Là sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã hội xuất phát từ nhu cầu có thực của cuộc sống xã hội qua sự biến đổi từ lễ hội cổ truyền.
Từ các tham luận tại tọa đàm cho thấy, Hội Chọi trâu tại đình thần Tân Khai (Hớn Quản) là hoạt động văn hóa chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu, đặc trưng, để trò chơi ở đây được quy củ, người dân ở Hớn Quản (chủ yếu là vùng Tân Khai) đã có cách tổ chức phù hợp, chứa đựng đủ cả các giá trị cơ bản một lễ hội cổ truyền, nó thu hút và lôi cuốn cộng đồng. Đó là các giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giá trị hướng về cội nguồn, giá trị cân bằng đời sống tâm linh, giá trị sáng tạo, giá trị bảo tồn và trao truyền, kế thừa văn hóa. Đặc biệt, dưới góc nhìn du lịch, Hội Chọi trâu trong lễ hội Đình thần Tân Khai đã hàm chứa trong đó cả một tài nguyên du lịch nhân văn sâu sắc nhưng đã bị lãng quên trong thời gian dài do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nhất định cần được nhìn nhận một cách khoa học trong văn hóa dân gian và phát triển du lịch tại địa phương.
Việc bảo tồn và phát triển Hội Chọi trâu Hớn Quản, trước là hướng tới việc phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc có từ xa xưa của người dân Hớn Quản nói riêng và nhân dân Bình Phước nói chung và sau là đem đến cho ngành du lịch những “cơ hội vàng” để quảng bá và định hướng “tiêu thụ” sản phẩm du lịch văn hóa và trải nghiệm tới du khách.
Trên cơ sở các ý kiến tại tọa đàm, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp, biên tập, xây dựng kỷ yếu khoa học, xây dựng báo cáo khoa học, lập hồ sơ di sản, thực hiện các quy trình kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét đưa Hội Chọi trâu Hớn Quản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lê Khương – Qúy Son
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm