Khoa học, công nghệ là “hơi thở” cuộc sống

Thứ hai - 22/05/2023 09:53
BPO - Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học, công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỉnh Bình Phước đã, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để đưa KHCN trở thành động lực, nền tảng xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Bài cuối:
ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Công nghệ chế biến gà sạch của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam - chi nhánh Bình Phước (Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, huyện Hớn Quản)

Bứt phá nông nghiệp

Theo ước tính, ứng dụng KHCN hiện đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân...

Hiện nay, trong các trụ cột phát triển tái cơ cấu thì KHCN là một trong những nền tảng để đưa tái cơ cấu Việt Nam thành công. Do vậy, chúng ta đưa KHCN cộng với công nghệ thông tin để ứng dụng các trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn là việc làm cần thiết. Việc đó đã chứng minh trong thời gian qua, chúng ta từ một nước thiếu lương thực, phải nhập khẩu lương thực đã trở thành một nước có đủ lương thực phục vụ người dân và xuất khẩu.

Ông NGUYỄN QUÝ DƯƠNG
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

KHCN và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Việc ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh, giúp thay đổi tập quán canh tác, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Khoa học - kỹ thuật không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn tạo đột phá mới trong nông nghiệp, đồng thời giúp xác định tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Những năm đầu tái lập tỉnh, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chưa đạt 1.000 tỷ đồng, thì hiện nay đã vươn lên gần 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với 26 năm trước. Trong lĩnh vực trồng trọt, các loại cây công nghiệp, như cao su, tiêu, điều đều tăng từ 2-4 lần cả về diện tích, sản lượng và chất lượng. Lĩnh vực chăn nuôi có nhiều chuyển biến rõ nét. Toàn ngành đã và đang phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với chuỗi giá trị cả về quy mô và tổ chức sản xuất.

Dây chuyền giết mổ hiện đại nhất tại Bình Phước của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đứng chân tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản

Đối với tỉnh Bình Phước, cơ cấu nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất lớn. Chính vì vậy, KHCN đóng vai trò quyết định đến việc phát triển chung của ngành nông nghiệp. Khi KHCN được áp dụng vào thực tiễn sẽ tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển bền vững. Giai đoạn vừa qua, tỉnh ưu tiên dành đề tài để nghiên cứu về nông nghiệp, chiếm trên 30% các đề tài, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật cũng chiếm trên 70% đề tài. Kết quả này đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ông HOÀNG MẠNH THƯỜNG
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước

 

Việc áp dụng công nghệ mới trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao được ngành KHCN tỉnh khuyến khích các hộ dân và doanh nghiệp áp dụng. Trên cơ sở chuyển đổi số, tỉnh đang quy hoạch, thu hút đầu tư 8.000 ha trong các khu công nghệ cao. Từ khi đưa công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng từ 40-50 lần so với các mô hình sản xuất truyền thống. Bình Phước đang tiếp tục triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thúc đẩy công nghiệp

Với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, môi trường đầu tư được cải thiện, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, tỉnh Bình Phước đã và đang phát huy lợi thế một cách hiệu quả để chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lấy công nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 85 triệu đồng. Xuất khẩu của tỉnh phục hồi mạnh mẽ, đạt 3,85 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm trước. Phấn đấu đến năm 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân năm tăng 17%. Đến năm 2045, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 17,5%. Tổng sản phẩm ngành công nghiệp bình quân hằng năm đạt 12%, đóng góp vào tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm của tỉnh trên 3,6% trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được các chỉ tiêu này thì vai trò của KHCN trong lĩnh vực công nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.

Trong lĩnh vực công nghiệp, vai trò KHCN càng đặc biệt quan trọng. Chủ đề của năm 2023 là chúng ta thu hút đầu tư, định hướng thu hút công nghệ hiện đại trong công nghiệp nền tảng cũng như công nghiệp chế biến. Chúng ta đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp lớn và hiện đại ở các lĩnh vực như sản phẩm chế biến gỗ, hóa chất. Nhiều sản phẩm đã được đưa vào luồng xanh xuất khẩu châu Âu. Chính vì vậy, thu hút đầu tư của tỉnh cũng như định hướng phát triển là hướng tới công nghệ hiện đại, nền tảng thương mại điện tử giúp tăng trưởng của tỉnh tăng giá trị gia tăng, ổn định và bền vững.

Ông VŨ NGỌC LONG
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước

 

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước tích cực hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thiết bị mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và cải thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp KHCN; 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; 4 nhãn hiệu, chứng nhận tập thể, 426 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp. Đây là công cụ giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận, cạnh tranh thị trường khó tính trên thế giới, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Công nghệ sấy hạt điều của Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng

Trong đề án phát triển KHCN tỉnh Bình Phước hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030, Bình Phước đặt ra mục tiêu phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ cơ sở hạ tầng như logistics, bưu điện, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm… Đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trên địa bàn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh áp dụng công nghệ tiên tiến, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tăng cường xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực và các đặc sản của tỉnh. Đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm nâng cao chất lượng thương mại và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng.

Động lực, nền tảng phát triển bền vững

Có thể thấy, KHCN tỉnh Bình Phước đã có đóng góp xứng đáng cho những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiều năm liền đạt khá, thu nhập bình quân đầu người vượt mức bình quân của cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Kết quả ấy là minh chứng rõ nét về vai trò cũng như đóng góp của KHCN cho sự phát triển của tỉnh thời gian qua và là cơ sở thúc đẩy hơn nữa các hoạt động KHCN thời gian tới.

Công ty TNHH nội thất Tinh Tuyền, Khu công nghiệp Đồng Xoài 1, TP. Đồng Xoài ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gỗ

“Đối với các chương trình thực hiện nhiệm vụ khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, chúng tôi đi sâu vào thực hiện các chiến lược sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng ứng dụng nghiên cứu KHCN để thực hiện các nhiệm vụ ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các viện, trường đại học, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để xây dựng có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xem KHCN là động lực và nền tảng của sự phát triển bền vững” - bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế hiện nay, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết. Đổi mới sáng tạo không phải là việc của riêng cá nhân, tổ chức mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, nhiệm vụ. Chặng đường KHCN và đổi mới sáng tạo thời gian qua cũng như trong thời gian tới đã và sẽ tiếp tục góp phần tích cực tạo động lực, nền tảng xây dựng Bình Phước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập248
  • Hôm nay8,401
  • Tháng hiện tại335,859
  • Tổng lượt truy cập25,457,351
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây