Chuyển đổi số nông nghiệp - hướng đi tất yếu

Thứ hai - 29/05/2023 14:16
BPO - Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp để triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực. Ý thức được tầm quan trọng này, Bình Phước đang tích cực đẩy mạnh CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, đáng chú ý là việc số hóa trong nông nghiệp. Về vấn đề này, vừa qua, Báo Bình Phước đã đăng phát nhiều kỳ dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Để hiểu hơn về mục tiêu, giải pháp và những khó khăn trong quá trình CĐS nông nghiệp, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang

Về lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Thực hiện thí điểm CĐS toàn diện mô hình HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) và HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện (huyện Bù Đốp)...

 

* Nông dân luôn gặp khó khăn về giá, thị trường tiêu thụ và thường rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng” khiến nhiều người làm nông nghiệp chỉ từ hòa đến lỗ vốn. Khi áp dụng CĐS trong nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quang: CĐS trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. 

Qua phân tích dữ liệu, nông dân sẽ có những quyết định đúng đắn hơn về cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Nếu áp dụng triệt để và có hệ thống thông tin dữ liệu số cho từng ngành hàng, sản phẩm, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo và kiểm soát được lượng cung - cầu trên thị trường và điều tiết sản xuất theo nhu cầu. Qua đó, hạn chế được tình trạng “chạy theo”, hay như theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là chúng ta có thể hạn chế tối đa việc “mù mờ” cung - cầu trong nông nghiệp.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng (bìa phải), Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước tiên phong ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật) qua app AutoAgri, sử dụng công nghệ blockchain và mã QR truy xuất nguồn góc từng gốc bơ

* Hiện nay, rất nhiều nông dân tiếp cận công nghệ còn hạn chế, chưa làm chủ được công nghệ. Vì vậy, ngành đã có giải pháp gì để hỗ trợ giải quyết vấn đề này giúp nông dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quang: Hiện nay, Bình Phước bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền CĐS trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Tăng cường truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp; có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng, chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, thương mại điện tử, CĐS vào quản trị, sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương đã và đang quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, các chuyên gia về CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp… để giúp ngành nông nghiệp tỉnh và các nông hộ, HTX có bước phát triển đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp số, thương mại điện tử, cấp mã vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Qua đó, giúp các hộ nông dân, HTX đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa nông sản ra thị trường.

Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp ứng dụng hệ thống châm phân tưới tự động

* Áp dụng CĐS trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, ngoài yếu tố con người còn vấn đề tài chính. Do đó, ngành và tỉnh đã có chính sách gì để khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng CĐS trong sản xuất nông nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quang: Để CĐS trong nông nghiệp, Bình Phước đã và đang thực hiện theo quan điểm: Triển khai từng bước trong từng khâu sản xuất, từng sản phẩm, trang trại, doanh nghiệp. Tương ứng với từng mục tiêu, tỉnh phân bố nguồn vốn, nguồn lực hợp lý đầu tư phát triển.

Về cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, đến nay Bình Phước đã cấp được 19 mã số cơ sở với diện tích 1.997,8 ha; sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm. Hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. 

Năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai và đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND ngày 17-9-2021 của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.

HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (Lộc Ninh) là một trong hai HTX được hỗ trợ chương trình chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh với việc ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ chế biến tăng chuỗi giá trị sản phẩm

* Những khó khăn, vấn đề phát sinh đã xuất hiện trong quá trình thực hiện CĐS về nông nghiệp thời gian qua và ngành đã có giải pháp gì để CĐS ở lĩnh vực này thực sự hiệu quả?

Ông Nguyễn Minh Quang: Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực thực hiện CĐS còn thiếu và chưa tương xứng với mục tiêu CĐS đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nông nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành. Tỉnh có địa bàn rộng; đa dân tộc, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tuyên truyền, triển khai CĐS trong nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về CĐS của người dân và HTX, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Từ thực trạng nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đang đẩy mạnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp tỉnh để kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia; đầu tư trang thiết bị, phần mềm chuyên ngành. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án, chính sách về CĐS theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo về tuyên truyền thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ phụ trợ nông nghiệp. Xây dựng chương trình, dự án thực hiện nhiệm vụ số hóa vùng nguyên liệu xuất khẩu, sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện…

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay525
  • Tháng hiện tại501,818
  • Tổng lượt truy cập25,035,476
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây