TIÊU DÙNG SỐ - CẨN TRỌNG VỚI NHỮNG RỦI RO

Thứ sáu - 28/07/2023 10:25
BPO - Xu hướng mua sắm, chi tiêu trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và nền tảng số, cùng với thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế trong xã hội hiện đại và được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ trong những năm tới. Bên cạnh những tiện ích thì kênh tiêu dùng số cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật thông tin, nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân, dẫn đến các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng trong các giao dịch TMĐT là cần thiết để tránh trở thành “mỏ vàng” cho các đối tượng xấu nhắm đến.

TIÊU DÙNG SỐ CẦN THÔNG MINH

Nếu trước đây, các hoạt động mua sắm thường được người tiêu dùng chọn đến mua trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng thì những năm gần đây, nhiều người dần chuyển sang hình thức trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, các ứng dụng mua sắm online. Điều này mang đến sự tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, nhiều doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đã lựa chọn việc kinh doanh qua mạng để tiếp cận đa dạng khách hàng. Tuy nhiên, mua sắm online cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro mà người tiêu dùng cần chú ý.

“Mặc dù khá cẩn trọng khi mua hàng online, chỉ lựa chọn mua tại những trang bán hàng lớn, có uy tín, song nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi mua hàng vẫn xảy ra. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ những số điện thoại tự xưng là nhân viên của các công ty lớn để thông báo trúng thưởng, mời chào tham gia dự án… Đây đều là những số điện thoại lừa đảo đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Do đó, tôi hạn chế giao dịch công khai, tự nâng cao ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác thông tin cá nhân” - chị Nguyễn Thị Hải Yến, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài chia sẻ.


Chị Nguyễn Thị Hải Yến, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài (bìa phải) tự nâng cao ý thức bảo mật thông tin cá nhân nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác thông tin 

Trong bối cảnh thị trường dần chuyển dịch theo hướng số hóa, TMĐT và tiêu dùng đa kênh ngày càng phát triển, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của người tiêu dùng. Cùng với đó cũng xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo, những tranh chấp liên quan đến các kênh TMĐT, tiêu dùng số. Vì vậy, các doanh nghiệp uy tín đều đã xây dựng website riêng, sản phẩm có thông tin đầy đủ, dán nhãn QR code để bảo vệ thương hiệu của mình cùng với chính sách bán hàng, bảo hành để phòng, chống hàng giả.

Anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long cho biết: Khi tham gia kênh TMĐT như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee…, chúng tôi cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận và khi các đơn vị này bán hàng trên sàn TMĐT thì phải cho khách hàng thấy được sản phẩm đã có chứng nhận OCOP 4 sao, chỉ dẫn địa lý, Halal, tiêu chuẩn ISO về quy trình chế biến và tất cả thông tin của doanh nghiệp để chứng minh cho khách hàng về độ tin cậy của sản phẩm. Điều này giúp nâng cao hiệu quả trong phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại.

Cần hạn chế tối đa việc đưa thông tin cá nhân, đời tư lên mạng xã hội; sử dụng mật khẩu mạnh, an toàn cho các tài khoản; không cung cấp quá đầy đủ và chi tiết thông tin cá nhân trên mạng xã hội; thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá lỗ hổng bảo mật cho thiết bị, tránh lộ thông tin, dữ liệu cá nhân. Quan trọng hơn cả vẫn là bản thân người sử dụng phải tự bảo vệ mình và cảnh giác trước các ứng dụng miễn phí trên không gian mạng.

Anh NGUYỄN CÔNG THẮNG, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Bình Phước

“Để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro khi mua sắm trực tuyến, trước khi mua sản phẩm tôi thường tham khảo các đánh giá, bình luận về sản phẩm để có cái nhìn rõ ràng, chính xác hơn về sản phẩm định mua. Kiểm tra kỹ địa chỉ website, chọn mua hàng từ những địa chỉ uy tín, tin cậy, có chính sách bán hàng, trả hàng, bảo hành, khiếu nại và đầy đủ thông tin liên hệ” - chị Nguyễn Thị Hải ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng bộc bạch. 

RỦI RO KHI BỊ ĐÁNH CẮP THÔNG TIN CÁ NHÂN

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, 20% nguyên nhân để lộ, lọt thông tin cá nhân thuộc về nhà cung cấp dịch vụ nhưng có tới 80% nguyên nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Rất nhiều trường hợp lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân mà người dùng thường không để ý hoặc không có kỹ năng cơ bản để tránh. 

Thông tin cá nhân được hiểu đơn giản là tất cả thông tin họ tên, hình ảnh, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng... Việc lộ, lọt thông tin cá nhân khi mua hàng trên các nền tảng số khiến người dùng gặp nhiều rắc rối, phiền toái vì tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi mời chào vay tiền, mua nhà, tham gia giải thưởng…


Khi thị trường dần chuyển dịch theo hướng số hóa, thương mại điện tử và tiêu dùng đa kênh trở thành thói quen của người tiêu dùng. Trong ảnh: Người dân cung cấp thông tin khi mua sắm tại các cửa hàng ở TP. Đồng Xoài

Anh Hoàng Văn Hậu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết: Có 3 nhóm lừa đảo chính đang diễn ra trên không gian mạng, đó là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức như: “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; Deepvoice (một biến thể của công nghệ Deepfake, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và các thuật toán phức tạp để giả giọng nói của bất kỳ ai); lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo… Mỗi nhóm đối tượng, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung của chúng là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, khi tham gia giao dịch điện tử cần có kiến thức cơ bản, lựa chọn trang web chính thống, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân của mình cho người khác.

Xu hướng tiêu dùng số sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, dù các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn từ phía người dân. Mỗi người phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng trở thành người tiêu dùng thông minh, chủ động cảnh giác, thận trọng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo trên không gian mạng.

Anh HOÀNG VĂN HẬU, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước

Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”. Thời gian triển khai từ ngày 23-6 đến 23-7 dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin. Bình Phước cũng đang tăng cường các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.

Bình Phước đang hướng tới mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GRDP vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TMĐT giữ vai trò vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện và phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng để chung tay bảo vệ an ninh mạng, giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,974
  • Tháng hiện tại465,840
  • Tổng lượt truy cập24,308,381
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây