ĐẶC SẮC LỄ CRAC BĂR MÊY (LỄ MỪNG CƠM MỚI) CỦA NGƯỜI S’TIÊNG HỚN QUẢN, TỈNH BÌNH PHƯỚC

Thứ hai - 18/03/2024 07:41
Trong 05 ngày, từ ngày 08/03 - 12/03, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam Hà Nội, đồng bào các dân tộc người S tiêng huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã tổ chức Chương trình phục dựng Lễ Crac Băr mêy (lễ mừng cơm mới) với nhiều nội dung đặc sắc, hấp dẫn....
Già làng Điểu Nôi thực hiện nghi thức cúng tại kho lúa.
Già làng Điểu Nôi thực hiện nghi thức cúng tại kho lúa.
Từ phần lễ...
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh - Phó giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Phước cho biết: “Người S tiêng là cư dân nông nghiệp, từ ngàn xưa, người S’tiêng luôn quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ coi vạn vật, trong đó có cây lúa là những vị thần có linh hồn. Do đó, việc để thần lúa ngoài rẫy, ngoài ruộng, phơi nắng, phơi sương, chịu cảnh  bùn lầy, chim muôn phá hoại suốt cả mùa dài là việc làm bất đắc dĩ, người S’tiêng luôn cảm thấy như có lỗi với thần lúa. Hằng năm, khi mùa vụ đã xong, để tri ân những vị thần; trước hết là thần lúa, sau đó là Tổ tiên, ông Bà và các vị thần trời, thần đất, thần sông, thần suối,… đã phù hộ cho buôn sóc một vụ mùa bội thu, nhà nhà no đủ, người người an vui thì người S’tiêng thường tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tại ơn các thần, đồng thời mong các thần, nhất là thần lúa về nghỉ ngơi và đừng buồn vì qua một mùa vụ năm qua thần phải chịu cảnh sương gió, nắng mưa ngoài rẫy, ngoài ruộng, chim chóc, muông thú phá hoại.
Để tạ lỗi, trước tiên, người S’tiêng làm lễ rước hồn lúa, mang hồn lúa về trên nhà cao, tắm mát cho lúa, tắm sạch cho lúa. Và để tạ ơn, người S’tiêng làm lễ cúng cơm mới với đầy đủ lễ vật được chuẩn bị tươm tất mời thần lúa cùng các thần về thụ hưởng và chứng giám cho tấm lòng thành kính của cộng đồng dân sóc, qua đó cầu xin các thần tiếp tục che chở cho dân sóc có sức khỏe, vụ mùa năm tới làm ít được nhiều, làm nhiều càng được nhiều hơn; lúa chất đầy kho, heo gà đầy chuồng, bầu bí đầy rẫy...
2 0 2 Già làng thực hiện lễ cúng tại sân lễ hội
Già làng Điểu Nôi thực hiện nghi thức cúng tại sân lễ.

Tại khu vực phục dựng lễ hội mừng lúa mới, Ban tế lễ dưới sự chủ trì của Chủ tế và Già làng đã thức dậy từ sớm để tiến hành làm lễ dựng nêu; các thành viên được phân công tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho ngày hội vui của buôn sóc. Già trẻ, nam thanh, nữ tú tham gia lễ hội đều mặc những bộ đồ truyền thống, đeo trang sức bạc cổ truyền trong niềm hân hoan, cùng quây quần về khu tổ chức lễ hội; tiếng trọng giục rộn rã, tiếng cồng, tiếng chiêng, nhạc hội vang lên báo hiệu lễ hội sắp bắt đầu….
Anh Hồ Tiến Duật - Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Phước cho biết: “Trong Lễ hội, phần nghi lễ được đồng bào dân tộc S’tiêng huyện Hớn Quản tái hiện tại hai nơi: Lễ cúng rước hồn lúa diễn ra tại Kho lúa trên nhà của Già làng và Lễ mừng cơm mới diễn ra tại sân chính Lễ hội - nơi cây nêu đã được dựng lên, lễ vật được dân làng tất bật chuẫn bị, bày biện tươm tất, sẵn sàng đón rước các thần”.
Khi giờ lành đã điểm bằng ba hồi trống giục giã, rộn vang báo hiệu cho thần linh và dân làng biết buôn sóc đang chuẩn bị tiến hành làm lễ mừng cơm mới, anh em buôn sóc khác có thể về chung vui. Sau khi tiếng trống dứt, mọi người trong Ban tế lễ chỉnh trang, chuẩn bị lễ vật hướng về phía Nhà của Già làng. Đội cồng chiêng đi trước; Đội tế bê mâm lễ vật theo sau, chủ lễ và Già làng đi cùng; bà con dân sóc được lựa chọn đi sau hết.
Chủ tế, Thị Chanh cho biết: “Đến khu vực nhà Già làng, đội cồng chiêng đi 03 vòng tấu bản mừng hồn lúa, đội múa phụ họa theo nhịp cồng chiêng. Sau khi đi 03 vòng thì đội cồng chiêng yên lặng vào vị trí nghiêm chỉnh đứng đợi bên dưới kho lúa. Chủ tế, Già làng đi đầu dẫn Ban tế lễ bước lên cầu thang tiến vào phía trong nhà Già làng và đi đến kho lúa nơi hồn lúa đang nằm an nghỉ sau vụ mùa vất vả. Ban tế lễ sau khi đặt mâm lễ vật lên kho lúa theo vị trí đã chọn, Chủ tế và Già làng tiến về phía cây nêu cắm giữa kho lúa, dùng máu heo, gà, vịt quét lên cây nêu”. Sau đó, chủ tế Thị Chanh khấn: “Ơ Yàng! Lúa đã về kho, ngoài đồng trơ rạ héo khô, trên rừng con ong kết mật… Hôm nay chúng tôi làm lễ rước hồn lúa, xin lỗi vì vụ mùa vừa qua đã để hồn lúa ngoài rẫy, ngoài ruộng, phải chịu cảnh bùn lầy, chịu nắng nóng, mưa giông, bị con sóc, con chồn, con nai, con két, con heo cắn phá… nay nhà tôi, sóc tôi làm lễ đưa ngài về trên nhà kho, dựa hồn núi cao, ở trong nhà dài, trú chỗ khô ráo. Mùa sau dù bị con sóc, con chồn, con nai, con két, con heo cắn phá cũng xin ngài đừng buồn, đừng giận, đừng bỏ lên rừng, lên núi, lên non, hãy ở lại giúp dân sóc lúa bắp đầy kho, đầy bồ. Xin cảm tạ các thần năm qua đã cho mưa thuận gió hoà, bà con dân sóc có sức vóc, làm ít được nhiều, làm nhiều được nhiều hơn. Nay lúa đã về kho, bà con giết gà, giết heo mừng đón hồn lúa, tạ ơn các thần, mời các thần cùng về đây nhận lễ vật và chứng giám cho tấm lòng của chúng tôi.  Ơ Yàng! Ơ Yàng! Ơ Yàng!”
Sau nghi thức cúng của chủ lễ, mọi người theo thứ tự là những người cao tuổi có uy tín trong sóc. Các nghi thức thức cúng của người sau tương tự giống nghi thức cúng của chủ lễ.
Sau nghi thức cúng hồn lúa, Ban tế lễ đi xuống cầu thang, tiếp theo là đội cồng chiêng. Chủ tế tay bưng thúng lúa cắm cây nêu nhỏ tượng trưng hồn lúa dẫn đầu Ban tế lễ rước hồn lúa tiến về phía sân chính lễ hội chuẩn bị cho phần lễ chính.
Sau khi Ban tế lễ đi ra đến sân lễ hội, đội cồng chiêng đi vòng tròn quanh sân lễ, Chủ tế đặt thúng lúa cắm cây nêu nhỏ tượng trưng hồn lúa vào vị trí đã định, hai nghệ nhân được chọn ngồi dưới cây nêu bắt đầu hát đối đáp. Trong lúc hát đối đáp Ban tế lễ, đội cồng chiêng và đội múa đứng vòng quanh cây nêu tại sân lễ.
 Kết thúc màn hát đối đáp, các thành viên trong Ban tế lễ dưới sự chủ trì của Chủ tế và Già làng quanh mâm lễ cúng và tiến hành thực hiện các nghi thức lễ với các bài cúng kết hợp múa cò cổ truyền độc đáo. Bà con  dân sóc tạo thành hàng phía vòng ngoài khu vực Ban Tế lễ chứng kiến nghi thức cúng.
Già làng Điểu Nôi cho biết: “Chủ tế được coi là người đại diện kết nối với thần linh thực hiện các điệu múa khó, vừa nhún nhảy vừa cúi gập người thấp xuống, dùng miệng cắp những nhánh lá tượng trưng cho rừng núi nơi đồng bào sinh sống hay cắp những con cá tượng trưng cho các loài vật hoang dã thường có trong tự nhiên như con cò đang cắp mồi về cho con và quỳ gối dâng rượu cúng thần,… Tất cả hoà trong tiếng trống, tiếng chiêng, chủm chẹ như thúc giục mọi người trong bon sóc hoà mình cùng say trong điệu múa cổ truyền huyền bí với ước mong thần linh tiếp tục che chở cho dân sóc mùa màng bội thu, người người no đủ,….”
Khi nghi thức cúng vừa dứt, Chủ tế và Già làng nhận lấy một ống lồ ô nước đã chuẫn bị té lên cây nêu lớn tắm mát cho những bông lúa tượng trưng cho hồn lúa, sau đó ba hồi trống được đánh rộn vang báo hiệu vào hội, Đội cồng chiêng đứng lên bắt đầu tấu bản mừng khách vòng quanh sân lễ; già làng và chủ tế tiến về phía rượu cần cầm ống hút rượu cần mời các thần linh, mời đại biểu, mời bà con dân sóc và du khách, Đội văn nghệ và dân làng nối đuôi nhau múa theo nhịp cồng chiêng,....
Đến phần hội!
Phần lễ mừng múa mới là hồn cốt dân tộc, thì phần hội mở ra cho người S’tiêng một ngày hội vui cố kết cộng đồng. Sau phần lễ, đông đảo các đồng chí lãnh đạo Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Phước, du khách thăm quan, cùng các nghệ nhân, đồng bào đã tiến vào sân lễ, cùng giao lưu múa hát, quây quần bên nhau, cùng ăn cơm lam, thịt nướng... say trong men rượu cần trong tiếng trống , tiếng cồng chiêng vang vọng, cùng chia sẻ niềm vui cộng đồng...
3 Du khách thăm quan cùng tham gia phần hội cùng bà con người Stiêng
Du khách tham gia các hoạt động tại sân lễ hội sau Lễ cúng mừng cơm mới!

Già làng Điểu Nôi cho biết thêm: “Trong hệ thống các nghi lễ và lễ hội của người S’tiêng, Lễ Crac Băr mêy là một lễ hội lớn, được coi là tết cổ truyền của người S’tiêng. Đây là Lễ hội mang đậm tính nhân văn, ngoài việc dâng lễ cúng tế thần linh, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt thì Lễ hội còn là dịp để bà con, dân sóc có dịp gặp nhau, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, truyền thụ những kinh nghiệm ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử trong quan hệ gia đình và cộng đồng. Trong dịp này những ai có hiềm khích, hiểu lầm nhau thì cũng xóa bỏ hết, mọi người tay bắt mặt mừng, cùng nhau đoàn kết một lòng, cùng sẻ chia dòng nước mát; cùng phát chung bờ rẫy, bờ ruộng; cùng săn chung con két, con nai; no đói cùng nhau, làm nên một cộng đồng buôn, sóc người S’tiêng ngày càng  giàu mạnh”.
Chương trình phục dựng Lễ hội mừng cơm mới của đồng bào S Tiêng huyện Hớn Quản, Bình Phước đã kết thúc. Qua lễ hội này, đồng bào S’tiêng tỉnh Bình Phước muốn truyền tải những tâm tư, tình cảm, nguyện vọngcầu mong cho cộng đồng các dân tộc tỉnh nói riêng, đại gia đình các dân tộc Việt Nam chúng ta sẽ luôn no đủ, mạnh giàu cùng nhau bảo tn những nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo của cộng đồng mình trên nền văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất.

Tác giả: Huy Đạt.

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay10,295
  • Tháng hiện tại388,197
  • Tổng lượt truy cập24,230,738
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây