Vươn lên sau vấp ngã
Gắn bó với nông thôn, với mảnh đất mình được sinh ra, lớn lên, nhiều thanh niên luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu chính đáng trên quê hương. Từ đó, các bạn trẻ chủ động học hỏi, không ngại khó khăn, thất bại, tìm kiếm mô hình kinh tế phù hợp để áp dụng vào thực tế sản xuất. Vì thế thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn ngày càng trở nên sôi nổi và nhiều bạn trẻ đã thành công với lối đi riêng.
Năm 2018, anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Long Hưng, huyện Phú Riềng khởi nghiệp bằng việc trồng thử nấm bào ngư xám trên mảnh đất khoảng 200m2. Để trồng được nấm, anh phải tự nâng cao kỹ năng, học tập kinh nghiệm bằng cách tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng, chăm sóc nấm bào ngư trên phương tiện thông tin đại chúng, đi tham quan thực tế các mô hình tương tự ở trong và ngoài tỉnh. “Ban đầu tôi chưa có kinh nghiệm, nấm bị bệnh, hư hại nhiều. Lần thất bại nặng nề nhất gần như “cụt” vốn luôn. Sau mỗi lần thất bại, tôi lại rút ra được những bài học để làm tốt hơn” - anh Thanh chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thanh (bên phải), xã Long Hưng, huyện Phú Riềng giới thiệu về mô hình trồng nấm bào ngư xám
Những cú vấp ngã không thể ngăn ý chí vươn lên cùng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, anh Thanh lại bắt tay làm lại từ đầu. Sau 5 năm phát triển nấm bào ngư, đến nay anh sở hữu 6 trại nấm rộng hơn 1.000m2 với khoảng 80.000 phôi nấm. Anh Thanh còn đầu tư hệ thống sản xuất phôi, cung ứng cho các trại nấm trong khu vực huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Thành công từ chịu khó học hỏi
Năm 2014, sau khi xuất ngũ, anh Nông Văn Quang (SN 1990) ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ 6 ha đất trồng tiêu cùng 10 con dê bách thảo và 20 con heo. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi nên đàn dê, heo khỏe mạnh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt hơn 600 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 15 đoàn viên thanh niên trong xã. Năm 2016, anh Quang vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng cao quý dành cho thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Anh Nông Văn Quang, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp khởi nghiệp từ trồng tiêu, nuôi dê và heo. Nhờ chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức nên mô hình của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao
Anh Quang chia sẻ: “Xuất ngũ trở về địa phương, tôi luôn suy nghĩ phải phát triển kinh tế từ chính mảnh đất đã nuôi mình lớn lên. Vì vậy, tôi khởi nghiệp từ trồng tiêu, nuôi dê và heo. Làm kinh tế từ nông nghiệp thì phải chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức để chăm sóc cây trồng, vật nuôi phát triển tốt”.
Chị Đàm Thị Hoài, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Tiến cho biết: Bù Đốp có nguồn thức ăn cho gia súc từ các vườn tiêu nên Đoàn xã thường tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến học tập mô hình và kinh nghiệm chăn nuôi dê của anh Quang. Từ đó, chúng tôi đã phát triển thành công mô hình nuôi dê thương phẩm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập của thanh niên trong xã.
Đồng hành với thanh niên
Khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Những người như anh Quang, anh Thanh hay nhiều thanh niên khởi nghiệp từ nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn trước khi thu “trái ngọt”.
Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, phối hợp Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp; tổ chức các chuyến đi thăm, động viên, trực tiếp trao đổi, hỗ trợ, định hướng chủ dự án thực hiện theo định hướng phát triển bền vững và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội; phối hợp với doanh nghiệp, mời các chuyên gia về nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công…
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày càng sôi nổi và nhiều bạn trẻ đã thành công với lối đi riêng. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thăm dự án khởi nghiệp thanh niên tại Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long)
Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Nguyễn Trọng Lâm cho biết: “Thời gian qua, các thanh niên khởi nghiệp đã đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu, học tập những mô hình hiệu quả để áp dụng vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm về khởi nghiệp có vai trò rất lớn trong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp và đã mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp trợ giúp thanh niên với mong muốn phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ Bình Phước tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ”.
Toàn tỉnh hiện có 70 mô hình khởi nghiệp thành công của thanh niên. Những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu hiện nay chủ yếu trong các lĩnh vực chăn nuôi như nuôi heo, dê, thỏ, gà, vịt, chim bồ câu, chim trĩ… Nổi bật là các mô hình trồng sầu riêng, bơ sáp, dưa lưới công nghệ cao… Những mô hình phát triển kinh tế này đã mang lại nguồn thu ổn định cho thanh niên khu vực nông thôn. |
Tác giả: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn