Đường bê tông nông thôn ở An Khương: Khó, nhưng không phải không làm được…

Thứ năm - 05/05/2016 08:48

Tổ 4 và 6 (Sóc Xa Cô) có 100% đồng bào DTTS, đời sống còn khó khăn nhưng người dân đã làm được đường bê tông

Tổ 4 và 6 (Sóc Xa Cô) có 100% đồng bào DTTS, đời sống còn khó khăn nhưng người dân đã làm được đường bê tông
“Có nhiều đóng nhiều, ít đóng ít, không có tiền thì bỏ công sức ra làm… Người dân trực tiếp làm thì công trình được đảm bảo chất lượng hơn, vì họ không chỉ phát huy cao trách nhiệm mà còn vừa làm vừa dám sát…”
Đó là cách mà xã An Khương (huyện Hớn Quản) áp dụng triển khai làm đường bê tông nông thôn được ông Bùi Duy Dũng – Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Là xã đặc biệt khó khăn với trên 62% người đồng bào dân tộc thiểu, việc bê tông hóa đường nông thôn mới chỉ có điều kiện triển khai trong 2 năm nay, nhưng An Khương đã đạt được trên 50% khối lượng công việc cần làm.
Bài toán… Sức dân
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông liên ấp phẳng phiu, ông Hoàn Văn Viện – Trưởng ấp 7 không dấu được niềm vui “Nay thì hết cảnh nắng bụi mưa lầy rồi, toàn bộ các tuyến đường chính của ấp đã được bê tông ngon lành hết”. Đầu năm 2014, ấp 7 được UBND xã An Khương chọn thực hiện điểm về làm đường bê tông với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thế nhưng, không chỉ có chính quyền xã, mà cả với người dân ấp 7, đây là một thử thách. Ngoài kinh phí được Nhà nước cấp thì ngân sách đối ứng của địa phương rất hạn chế, vì là xã nghèo. Bài toán vận động nhân dân đóng góp lại càng nan giải khi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.
Nhờ dân vận khéo, người dân An Khương sẵn sàng hiến đất để những tuyến đường bê tông thẳng đẹp (đoạn tổ 3, ấp 7 – trước nhà ông Hồ Thanh)
Nhưng tại sao chỉ vận động dân đóng tiền? Câu hỏi đặt ra và được xã, ấp bàn bạc thống nhất: có nhiều đóng nhiều, ít đóng ít, không có tiền thì bỏ công bỏ sức ra làm. Người dân ấp 7 đồng lòng, và họ có đường bê tông để đi lại. “Làm hơn 3km đường nhưng 60 hộ chỉ phải đóng mỗi hộ 2 triệu đồng tiền san ủi mặt bằng, còn lại là bỏ công ra làm” ông Viện cho biết. Để tránh lãng phí công, ấp 7 chủ trương cứ 5 đến 7 hộ lập thành một nhóm, mỗi nhóm được phân công một đoạn đường cụ thể, các nhóm cứ thế luân phiên thay nhau làm cho đến khi nào xong đường thì thôi.
Từ cách làm của ấp 7, các ấp khác như ấp 6, ấp 5, ấp 1… cũng áp dụng theo. Điển hình như Sóc Xa Cô (tổ 4 và tổ của 6 ấp 5), với 100% đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng khi chủ trương Nhà nước và dân cùng chung tay làm đường thì bà con đồng lòng. “Do đời sống bà con còn khó khăn nên ấp vừa làm vừa đi vay mượn. Hộ nào không có lao động tham gia ngày công thì đóng tiền, đóng một lần không đủ thì đóng 2, 3, thế mà đã làm được đường bê tông”, ông Nguyễn Ngọc Châu – Trưởng Ấp 5 chia sẻ.
Không chỉ huy động tốt sức dân, việc làm đường bê tông cũng được chính quyền địa phương linh hoạt trong thi công. Theo đó, đường của khu dân cư nào thì giao cho người dân nơi đó đảm nhiệm. Theo ông Bùi Duy Dũng, cách làm này đảm bảo công trình có chất lượng tốt hơn, vì dân không chỉ làm có trách nhiệm mà còn vừa làm vừa dám sát. Mặt khác, theo tính toán thì việc giao khoán này đã tiết kiệm được ít nhất 50 triệu đồng/ 1km đường so với thuê nhà thầu. Số tiền tiết kiệm được ấp đầu tư mua thêm vật liệu (chủ yếu là cát, đá) để tăng độ bền công trình.
Cái khó là “Dân vận khéo”
Dân vận khéo, theo tìm hiểu của chúng tôi qua cách làm ở An Khương, đó là dân chủ, tự nguyện, công khai và minh bạch. Chẳng hạn, để triển khai làm một tuyến đường bê tông ở khu dân cư, thì đại diện cấp Ủy, chính quyền, Mặt trận và các Đoàn thể xã trực tiếp xuống làm việc với dân. Xã công khai trước dân dự toán thiết kế công trình do trên phê duyệt. Sau đó lấy ý kiến dân để thống nhất làm hay không làm? Còn cách làm, phương án thi công ra sao, đóng góp tiền, công như thế nào… xã giao cho ấp tự bàn bạc với dân và thống nhất bằng biên bản gửi xã xem xét. Thế nên, tất cả các công trình đường bê tông nông thôn ở An Khương sau khi bàn giao và đi vào sử dụng, đến nay không một ý kiến thắc mắc.
Dân vận khéo ở An Khương còn là nói làm sao để dân hiểu, dân tin và ủng hộ. Một điều dễ cảm nhận ở các tuyến đường bê tông liên thôn, ấp ở An Khương đó là chắc chắn và thẳng đẹp. Theo ông Dũng, đại hình, địa chất trên địa bàn xã khá phức tạp với độ dốc, độ lún cao và các tuyến đường thường có nhiều đoạn cong vẹo. Thế nhưng, đoạn nào “muốn thẳng” thì người dân sẵn sàng hiến đất. Hộ ông Hồ Thanh (tổ 3, ấp 7) có đất 2 bên đường với tổng chiều dài trên 400m, đã đồng ý nới rộng và nắn thẳng mỗi bên 2m mặt đường. Hay ông Nguyễn Công Lợi (cùng tổ ông Thanh) hiến đất vườn dài khoảng 400m để đường rộng và thẳng hơn. Còn bà Thị Ô (sóc Xa Cô, ấp 5) tuy tuổi cao không còn sức lao động, điều kiện kinh tế gia đình lại khó khăn, nhưng cũng tỏ ra vui vẻ khi đóng 2,2 triệu đồng để làm đường bê tông của sóc: “Nhà nước cho tiền nhiều rồi, mỗi nhà bỏ thêm một ít nữa thì mới có đường đẹp mà đi chứ”.
Tổ 4 và 6 (Sóc Xa Cô) có 100% đồng bào DTTS, đời sống còn khó khăn
nhưng người dân đã làm được đường bê tông
An Khương thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của huyện Hớn Quản, không có doanh nghiệp và chỉ có vài ba trang trại nhỏ đóng chân trên địa bàn. Mục tiêu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 một phần do đó chưa đạt được. Theo chủ trương, xã chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành công việc của mình. Nếu như các năm trước, tiêu chí về giao thông được thực hiện với phương châm 70 – 30 (ngân sách Nhà nước 70% , địa phương 30%), thì năm 2016 cắt giảm còn 50 – 50. “Khó khăn đấy, nhưng không phải không làm được. Cái khó nhất là sự đồng lòng của người dân, là dân vận khéo. Nếu không huy động tốt sức dân thì bộ mặt nông thôn của An Khương chưa được như bây giờ ”, ông Bùi Duy Dũng khẳng định.
 
Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay14,462
  • Tháng hiện tại462,381
  • Tổng lượt truy cập24,996,039
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây