Kế hoạch được triển khai nhằm: tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bằng biện pháp cắt đứt đường lây truyền của vi rút trên quần thể gia súc, gia cầm và trong môi trường. Qua đó, tạo ra môi trường chăn nuôi sạch, an toàn; góp phần bảo vệ sức khỏe vật nuôi, ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh; ngăn chặn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm H5N1 hiện nay diễn biến hết sức phức tạp; bảo vệ sức khỏe con người khi chăn nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 15/9/2023 đến ngày 15/10/2023.
Loại hóa chất, số lượng hóa chất sử dụng: Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Loại hóa chất khử trùng: thuốc sát trùng Benkocid.
Về cách thức thực hiện: Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chợ, điểm buôn bán: UBND các xã, thị trấn tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ có buôn bán gia súc, gia cầm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu,…; việc phun xịt khử trùng chỉ thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch. Đối với hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ, Nhà nước hỗ trợ thực hiện phun xịt, khử trùng 01 lần/đợt; đối với chợ buôn bán kinh phí Nhà nước đảm bảo thực hiện phun xịt, khử trùng 30 ngày/đợt. Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của UBND các xã, thị trấn và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện. Các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở gia công, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật phải thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định trước và sau mỗi ca sản xuất theo sự giám sát của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.
Bên cạnh đó, kế hoạch nêu rõ nội dung thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đối với các tập thể cá nhân cụ thể, như: Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống; đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ.
Kế hoạch đã chỉ ra cách thức tiến hành, gồm tổ chức tuyên truyền: Treo băng rôn tuyên truyền tại các xã, thị trấn, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh của huyện, xã, thị trấn; thông qua các tổ chức - chính trị với nội dung tuyên truyền về sự nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm và vai trò tác dụng, lợi ích của vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong phòng, chống bệnh động vật để nhân dân hiểu đúng và tích cực tham gia thực hiện. Đối với bước thực hiện, sẽ có hai bước: Bước 1: Dọn vệ sinh cơ giới, quét dọn, thu gom chất thải rắn, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; bước 2: Phun tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất hoặc vôi bột.
Ngoài ra, những cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm: Tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Còn đối với UBND các xã, thị trấn: Tổ chức các đội phun thuốc tiêu độc, khử trùng miễn phí cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, kinh phí thực hiện tiêu độc, khử trùng do Nhà nước chi trả. Việc phun xịt, khử trùng chỉ được thực hiện sau khi được vệ sinh cơ giới như phát quang, quét dọn, cọ, rửa… do chủ hộ thực hiện. Hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ kinh phí Nhà nước đảm bảo thực hiện phun xịt, tiêu độc, khử trùng 01 lần/tháng, đối với chợ buôn bán kinh phí Nhà nước đảm bảo thực hiện phun xịt, tiêu độc, khử trùng 30 ngày/tháng.
Về nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách huyện: Đảm bảo kinh phí chi trả công phun xịt tiêu độc, khử trùng; mua xăng để sử dụng máy phun xịt hoặc thuê máy; xăng xe cho người đi tiêu độc; kinh phí kiểm tra, giám sát cho cán bộ huyện tại các xã, thị trấn và trại chăn nuôi; kinh phí tuyên truyền và các kinh phí khác có liên quan thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 trên địa bàn huyện ngoài phần ngân sách tỉnh chi.