Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ tư - 17/05/2023 09:11
Đứng trước làn sóng công nghệ đang phát triển rộng lớn trên phạm vi toàn cầu, mỗi ngành, lĩnh vực đều phải chọn hướng đi phù hợp trong lộ trình chuyển đổi số (CĐS). Ngành GD&ĐT Bình Phước đang quyết liệt CĐS từ quản lý đến dạy và học. Từng giáo viên sẽ phải chuyển đổi những cuốn giáo án cũ sang giáo án điện tử trực quan, sinh động, từ đó kích thích đam mê học tập, sáng tạo trong học sinh.
Bài 2:
THÍCH ỨNG HOẶC ĐÀO THẢI

Xây dựng trường học tiên tiến

Năm 2018, Đồng Xoài triển khai xây dựng thành phố thông minh và thực hiện giáo dục thông minh là một trong 10 dự án bắt buộc khi triển khai tích hợp vào Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) thành phố. Đặc biệt với đề án CĐS, ngành GD&ĐT thành phố Đồng Xoài quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường học thông minh, dạy học song ngữ... 

Bà Dương Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Xoài cho biết: Chúng tôi xác định phải nâng cao chất lượng đội ngũ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, công chức Phòng GD&ĐT đến cán bộ quản lý các trường và giáo viên thông qua phong trào tự học, tự bồi dưỡng. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn ngành, từ phòng giáo dục đến các trường. Đổi mới tư duy thì mới bắt kịp những tư duy giáo dục mới, đó là giáo dục toàn diện, giáo dục mở và giáo dục 4.0.

Trường THPT Hùng Vương, TP. Đồng Xoài trang bị hệ thống máy tính ở các phòng học ngoại ngữ, tin học, kết nối internet băng thông rộng đảm bảo học sinh có thể đối thoại trực tiếp với thầy, cô giáo

Được chọn làm điểm xây dựng trường học tiên tiến, đến nay Trường THPT Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại đạt tiêu chuẩn, đáp ứng việc ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và giáo dục. Đó là linh hoạt thích ứng dạy và học trực tuyến; kết nối trường học với băng thông rộng chất lượng cao bằng cách sử dụng các tiến bộ và ứng dụng công nghệ; mở rộng kết nối lớp học với các nguồn mở ngoài nhà trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ứng dụng thành công công nghệ vào giảng dạy và học tập.

Cô Trương Thị Quyên, giáo viên Tổ ngoại ngữ, Trường THPT Hùng Vương cho biết: Với thiết bị công nghệ hỗ trợ, cả cô, trò đều khai thác nguồn dữ liệu số để phục vụ dạy và học hiệu quả. Lớp học có thiết bị giảng dạy tiên tiến, giáo viên mở rộng không giới hạn kho kiến thức để bổ sung nhiều thông tin hữu ích vào bài giảng; học sinh tiếp thu cởi mở, phát huy sự sáng tạo, khám phá, chủ động học tập, tạo ra tính tương tác cao giữa giáo viên và học sinh. 

Nhờ nền tảng CNTT được trang bị trong nhiều năm, đến nay Trường THPT Hùng Vương có 38/40 phòng học được trang bị bảng tương tác thông minh. “Hiện nay, giáo viên lên lớp phải thiết kế giáo án điện tử và linh hoạt thay đổi để các tiết học luôn sinh động. Trường còn trang bị hệ thống máy tính ở các phòng ngoại ngữ, tin học, kết nối internet băng thông rộng với tốc độ đường truyền đảm bảo học sinh có thể đối thoại trực tiếp với thầy, cô giáo thông qua máy tính. Hệ thống camera lắp đặt khắp khu vực trong và ngoài trường giúp Ban Giám hiệu quản lý tổng thể đến chi tiết từng hoạt động của học sinh” - thầy Nguyễn Năng Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết.

CĐS trong giáo dục được các trường trên địa bàn thành phố Đồng Xoài tập trung vào những nội dung chính là quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong quản lý thực hiện số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số, thanh toán học phí không dùng tiền mặt… nhằm tạo kênh thông tin để phụ huynh kết nối với nhà trường dễ dàng. 

Chị Vũ Thị Hiên, phụ huynh học sinh Trường THPT Hùng Vương chia sẻ: “Qua các ứng dụng kết nối giữa nhà trường và phụ huynh cho phép cha mẹ cập nhật tức thời thông tin của con, xem thông báo, tin nhắn của nhà trường; điểm học và thời khóa biểu… Qua đó, tôi theo dõi được tình hình học tập của con, từ đó trao đổi kịp thời với thầy, cô giáo”.

Khi thầy, cô giáo thay đổi

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hồ Hải Thạch, thực hiện lộ trình số hóa ngành giáo dục, từ nhiều năm nay ngành đã ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và giảng dạy. Cụ thể, ngành đã trang bị bảng tương tác điện tử, thí điểm xây dựng trường học tiên tiến tại thành phố Đồng Xoài và đang nhân rộng ra các huyện, thị khác. Qua triển khai dự án, trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của đội ngũ giáo viên được nâng lên rõ rệt.

Tiết ngoại ngữ tại một lớp học ở Trường THPT Hùng Vương, TP. Đồng Xoài tạo ra tính tương tác cao giữa giáo viên, học sinh khi cả cô và trò đều khai thác nguồn dữ liệu số để phục vụ dạy và học

Đặc biệt, từ ngày 18-5-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về CĐS đến năm 2025, trong đó lĩnh vực giáo dục là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu. Từ đó, ngành giáo dục đã xác định ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT bằng việc triển khai rất nhiều ứng dụng CNTT thông qua các phần mềm quản lý, điều hành và các hoạt động dạy, học. Cụ thể như: Quản lý văn bản điện tử; quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh (vnEdu); dạy và học trực tuyến; chấm thi trắc nghiệm; soạn bài giảng điện tử e-learning; quản lý văn bằng chứng chỉ; quản lý thi nghề, thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT… Nhiều cuộc họp, chương trình tập huấn của ngành được tổ chức trực tuyến và nay đã thành hình thức họp công nghệ phổ biến. Nhờ hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối giữa Sở GD&ĐT với các phòng GD&ĐT đã tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại, hội họp. 

Hơn 20 năm đứng lớp, quen với bảng đen phấn trắng, thế nhưng trước yêu cầu đổi mới giáo dục, thầy Nguyễn Gia Hòa, giáo viên lớp 5A3, Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp lại là người tiên phong thay đổi. Chính thầy đã truyền cảm hứng chia sẻ cách soạn giáo án điện tử, khai thác các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet; kỹ năng sử dụng phần mềm trình chiếu, soạn bài giảng e-learning, soạn câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, hỗ trợ cài đặt các phần mềm mới cho thầy, cô giáo trong trường.

CĐS bắt đầu từ việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Để có nguồn nhân lực tương xứng, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT vào giảng dạy, xử lý chuyên môn, ngành giáo dục cũng đã trải qua lộ trình dài đào tạo, tập huấn. Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh đã chủ động thích ứng, tích cực học hỏi, đào tạo để theo kịp với yêu cầu thực tế, nếu không sẽ tự mình đào thải hoặc bị đào thải.

Cách học hiện nay đòi hỏi giáo viên phải làm việc nhiều hơn. Việc soạn giảng tiết dạy có ứng dụng CNTT sẽ lâu hơn so với tiết dạy truyền thống, vì giáo viên phải chuẩn bị tư liệu, hình ảnh, clip.... Khi sưu tầm được các tư liệu, giáo viên phải biết chắt lọc để lấy những phần cần thiết. Nếu giáo viên không tìm tòi, đưa ra các giải pháp mới trong từng bài giảng sẽ không theo kịp vì những thông tin trong sách các em đều đã tự tìm hiểu ở nhà, lên lớp học sinh cần cái mới, cái khác trong sách để áp dụng vào cuộc sống. Vì vậy, giáo viên phải thay đổi, nếu không sẽ bị đào thải.

Thầy NGUYỄN GIA HÒA
giáo viên lớp 5A3, Trường tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp

 

Ngành GD&ĐT Bình Phước đang thực hiện các bước đi mạnh mẽ để có thể đổi mới cơ bản và toàn diện chất lượng GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên và công nghệ hiện đại kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho chất lượng dạy và học, trong đó giáo viên phải là những người chủ động, sáng tạo nắm bắt công nghệ mới trong giáo dục.

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay19,743
  • Tháng hiện tại397,645
  • Tổng lượt truy cập24,240,186
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây