Đầu tư cho tương lai
Trong xu thế CĐS, ngành GD&ĐT Bình Phước không đứng ngoài cuộc mà đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ưu tiên dành nguồn lực trang bị cơ sở vật chất xây dựng trường học tiên tiến. Đồng thời mở nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về nhận thức CĐS từ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hồ Hải Thạch cho biết: Sở đã phối hợp với nhiều đối tác trang bị kỹ năng dạy học trực tuyến, như lựa chọn các phần mềm trực tuyến, soạn bài giảng trực tuyến. Đơn cử như phần mềm quản lý trong nhà trường (vnEdu) đang hỗ trợ rất hiệu quả công tác quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên; liên thông trao đổi văn bản điện tử với tất cả cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục. Trong trao đổi công việc, ngành đã sử dụng hệ thống mail công vụ; các ứng dụng quản lý tài chính, tài sản, thư viện, xếp thời khóa biểu; các ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số; thực hiện thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tất cả trường trên địa bàn tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang giai đoạn CĐS tiếp theo.
Số liệu về trường lớp, về kết quả học tập của từng trường, từng lớp được cập nhật lên Trung tâm IOC tỉnh. Từ đó, lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng thể về chất lượng dạy và học của từng cấp học
Chuẩn bị nguồn lực cho CĐS, mỗi cơ sở giáo dục đều được bố trí 1 giáo viên, nhân viên chuyên trách kiêm nhiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học. “Các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và trung học đã được bố trí biên chế 284 giáo viên dạy môn Tin học. Các cấp học được trang bị 8.381 máy vi tính và 2.121 máy chiếu, tivi, bảng tương tác thông minh phục vụ dạy môn Tin học. Đến nay, trong ngành giáo dục đã đầu tư 5 hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn. Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục được chuẩn hóa với 121 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 100%” - ông Hồ Hải Thạch nhấn mạnh.
CNTT thực sự trở thành trụ cột cốt lõi không thể thiếu trong quản lý, tổ chức dạy và học của các trường. 100% trường học trong tỉnh đã phủ sóng internet tốc độ cao đến các lớp học và mỗi giáo viên đều có kỹ năng CNTT trong dạy học. Từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đã có 14.531 học sinh nhận được hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến; 100% trường và học sinh được cấp tài khoản học trực tuyến; sử dụng học liệu dạy học trực tuyến như: oLM, Vioedu, onluyen.vn.
Đối với ngành giáo dục, CĐS là một trong những vấn đề được ưu tiên. Minh chứng là khi xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, lĩnh vực GD&ĐT được ưu tiên đưa vào quản lý tại trung tâm. Số liệu về trường lớp, kết quả học tập của học sinh cũng được cập nhật. Hiện toàn bộ thông tin của 17.840 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; 265 trường học với gần 255.730 học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến. Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Trung tâm IOC tỉnh. Từ đó, lãnh đạo tỉnh sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về quy mô, chất lượng dạy và học của từng bậc học, từng trường. |
Quyết liệt hành động
Dù đạt những kết quả ấn tượng nhưng để CĐS hiệu quả, ngành giáo dục vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Ngành GD&ĐT Bình Phước hiện còn thiếu khoảng 250 phòng máy vi tính với 6.011 máy, 218 phòng lab, 2.127 máy chiếu, tivi và bảng tương tác thông minh... Tại các buổi giám sát việc ứng dụng CNTT và CĐS trong ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Anh Dũng cho rằng: “Mục tiêu lâu dài ứng dụng CNTT tiến tới CĐS trong ngành giáo dục là hoàn thành kho dữ liệu dùng chung phục vụ lợi ích của ngành và xã hội. Để làm được điều này phải bắt đầu từ chính nhận thức của từng cơ quan, đơn vị giáo dục và cần có sự đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.
“Ngành GD&ĐT xác định rõ, CĐS chỉ có thể thành công nếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tích cực ứng dụng công nghệ số trong công việc hằng ngày, hoạch định chiến lược và thực hiện quyết liệt, dám chấp nhận phá bỏ rào cản về tư duy quản lý và thực thi công vụ. Phải thấy được tính cấp bách của CĐS trong ngành, từ riêng lẻ một người tới nhiều người; từ một cơ sở giáo dục đến nhiều cơ sở bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hồ Hải Thạch chia sẻ.
Để đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn tỉnh có điều kiện học tập nâng cao trình độ, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ, giáo viên được hướng dẫn, tập huấn kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu, tìm kiếm thông tin trên internet; kỹ năng sử dụng phần mềm trình chiếu, soạn bài giảng e-learning, câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các kỹ năng về quản lý, triển khai hiệu quả các phần mềm quản trị trong nhà trường. Qua các chương trình đào tạo, cán bộ và giáo viên được tiếp cận các chương trình giáo dục hiện đại, giáo dục theo phương pháp STEM phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó, trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng cao nên chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.
Để có được mô hình trường học ứng dụng CNTT tốt đòi hỏi nguồn lực đầu tư tương đối lớn nhưng quan trọng hơn vẫn là con người. Nếu sự đầu tư lớn mà con người, nhất là các thầy, cô giáo không chủ động tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở vận dụng tối đa các thiết bị hỗ trợ giảng dạy thì sự đầu tư đó khó phát huy hiệu quả. |
Thầy NGUYỄN NĂNG ĐỒNG Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, TP. Đồng Xoài |
Trong quá trình hình thành hệ sinh thái giáo dục, “niềm tin số” đang được ngành giáo dục coi là yếu tố quyết định khi công nghệ trở thành niềm cảm hứng sáng tạo. Toàn ngành đang tiến hành CĐS thông qua sử dụng nguồn lực, hạ tầng công nghệ đã được đầu tư để số hóa, cấu trúc quy trình nghiệp vụ, từng bước tạo lập môi trường số trong giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó GD&ĐT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên thực hiện trước, vì giáo dục là lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hằng ngày tới người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành GD&ĐT Bình Phước đang chủ động nhận diện khó khăn để tháo gỡ rào cản về năng lực số, cơ sở vật chất, hạ tầng và nguồn lực đầu tư để thích ứng. Từ những kết quả đạt được bước đầu cho thấy, giáo dục CĐS thành công sẽ đào tạo ra thế hệ công dân thông minh, công dân điện tử, tạo động lực CĐS cho các ngành nghề khác, phục vụ lâu dài cho nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh.
Tác giả: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn