Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 Điều 45, 46, 47 cho nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo không nên quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trong dự thảo luật, với lý do là quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ Bình Phước
Đại biểu nêu thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành, như: Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia.
Liên quan đến hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đối với việc đấu thầu, cần có quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi, vì đây là lĩnh vực đặc thù. Đối với cơ chế đặt hàng, đề nghị nghiên cứu quy định mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư, sản xuất phim; cơ chế Nhà nước mua bản quyền một số phim phù hợp để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục.
Về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang cần có sự thống nhất, đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 21 đều quy định cả biên kịch và đạo diễn đều được hưởng quyền đặt tên và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Luật cũng cần có quy định làm rõ người có quyền này trong trường hợp các bên không thống nhất được với nhau về tên gọi và việc sửa chữa nội dung của tác phẩm.
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang đề xuất không thành lập thêm Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Đại biểu lưu ý, ngoài biên kịch và đạo diễn, đối tượng có quyền đặt tên và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm điện ảnh là nhà sản xuất. Thực tế lĩnh vực sản xuất phim cho thấy, nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng với việc tuyển diễn viên, chọn đạo diễn, cho đến đặt tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, thời điểm phát hành, cách thức quảng bá một bộ phim...
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, dự thảo luật đã bổ sung hình thức “truy tặng” đối với danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để phù hợp với Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, quy định này thể hiện sự ghi nhận và tri ân của Nhà nước đối với cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thời hạn khoảng từ 5-10 năm sau khi nghệ nhân qua đời để bảo đảm tính khả thi khi thi hành luật và thực sự đem lại ý nghĩa cũng như tạo động lực đối với những người truyền thừa di sản, đặc biệt là nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện nay, có 37 nội dung giao cho Chính phủ quy định, trong khi đó, hiện Ban soạn thảo mới chỉ có dự thảo đề cương Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nội dung chi tiết của dự thảo nghị định, bảo đảm nghị định hướng dẫn thi hành thể hiện được đầy đủ, toàn diện các nội dung của dự thảo luật sửa đổi, tránh tình trạng “luật khung, luật ống”.
Đại biểu Vũ Ngọc Long nêu một thực trạng đáng lưu ý là thời gian qua có một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức, không được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức. Đơn cử trường hợp một hiệp hội trong lĩnh vực thương mại trao bằng khen cho một ca sĩ, lại công nhận một danh xưng tự phong của nghệ sĩ đó là Giáo sư âm nhạc. Qua đó đã tạo ra một luồng dư luận không có lợi cho phong trào thi đua khen thưởng nói chung. Hoặc tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng gây ảnh hưởng, gây bức xúc dư luận xã hội và cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải.
Đại biểu Vũ Ngọc Long góp ý kiến đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
Dự thảo luật đã đổi tên danh hiệu thi đua "gia đình văn hóa", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa" thành "gia đình tiêu biểu", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu". Nhưng ban soạn thảo chưa làm rõ cơ sở của việc đổi tên này khi các quy định về "gia đình văn hóa", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa" đã ổn định, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội nhiều năm qua.
Đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng, lập luận của tờ trình nêu ra là do bổ sung danh hiệu xã tiêu biểu, phường tiêu biểu nên đổi tên khu phố… và gia đình văn hóa thành khu phố tiêu biểu và gia đình tiêu biểu là chưa thuyết phục.
Đại biểu Vũ Ngọc Long nêu 2 quan điểm. Thứ nhất, có cần thiết phải bổ sung danh hiệu xã, phường tiêu biểu không? Tiêu biểu ở đây là về cái gì và cho cái gì; về những lĩnh vực gì, nội hàm của khái niệm này trong luật chưa rõ. Mặt khác, địa bàn phường là đô thị, rộng, đan xen với các đơn vị hành chính khác, thì việc công nhận tiêu biểu chỉ có ý nghĩa ở mặt danh hiệu, danh xưng mà ít có ý nghĩa với một đơn vị hành chính cụ thể, một thực thể tồn tại và đang sống trên thực tế. Nó khác với thôn, bản, ấp: là một thực thể dân cư tương đối độc lập và có bản sắc. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc chưa bổ sung danh hiệu xã, phường tiêu biểu.
Thứ 2, có cần thiết phải đổi tên gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, thôn bản văn hóa không? Danh hiệu gia đình văn hóa, bản làng văn hóa đã ổn định lâu dài và khá phù hợp, không nhất thiết phải đổi. Vì đổi thành tiêu biểu không hay hơn, mà còn gây tranh cãi hơn?
Đại biểu Vũ Ngọc Long nêu ví dụ: Bản làng văn hóa thì phải đủ ăn, có nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa, cư xử văn minh, thân thiện. Nếu công nhận tiêu biểu phải đứng đầu thi đua thì bản Cát Cát, thung lũng Mường Hoa ở Sapa có thể không đạt, vì không có nhà máy, không có showrom, không dẫn đầu về kinh tế, thu ngân sách. Đại biểu đề nghị trong khi chưa có danh hiệu nào phù hợp hơn thì chưa nên bỏ danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố, bản làng văn hóa.
Đối với các nội dung khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua, để đảm bảo việc đánh giá công bằng cho người lao động, đại biểu đề nghị cần quy định ưu tiên đối với người lao động trực tiếp, không trình, khen thưởng quá 2/3 số lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, có quy định để phát huy tập thể nhỏ có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Đại biểu Vũ Ngọc Long cũng đề nghị không phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quy định điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương mà giao thẩm quyền này cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính thống nhất trong công tác thi đua, khen thưởng.
Trần Thể
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn