Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thứ tư - 17/05/2023 09:30
BPO - Hiện nay, tình trạng cán bộ sợ sai, làm việc cầm chừng, không “có gan phụ trách, có gan làm việc” đang là vấn đề vô cùng đáng báo động. Tình trạng cán bộ co cụm, thủ thân, không dám đột phá đang là bài toán mà nhiều bộ, ngành, địa phương phải đối mặt. Tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra ngày 19-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Phải chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức…

Bài 2
“HỒI CHUÔNG” BÁO ĐỘNG

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, đội ngũ cán bộ các cấp là lực lượng rường cột quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội; quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, dù ở bất cứ thời kỳ nào, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng luôn được khẳng định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là công việc hệ trọng của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, cùng với việc đấu tranh, xử lý những cán bộ suy thoái, biến chất, lợi dụng chức quyền để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ là tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, né tránh, không dám nghĩ, không dám nói, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, không dám đột phá, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

“Có gan phụ trách, có gan làm việc”

Không phải đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm mới được đặt ra. Ngay trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Trong cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Chính bởi vậy, “nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏa ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”…

Cùng với “Trí - Tín - Nhân - Liêm”, một đức tính quan trọng khác mà người cán bộ tốt cần phải có theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “Dũng”. Với Bác: “Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”.

“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”. Trong ảnh: Thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của tỉnh kiểm tra việc thực hiện đề án tại thị xã Bình Long Ảnh: N.H

Đời sống xã hội muôn hình vạn trạng và luôn thay đổi. Có những cơ chế, quyết sách ở thời điểm này là đúng nhưng ở thời điểm khác lại không còn phù hợp, trở thành những lực cản, điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh để đủ sức giải quyết những vấn đề được đặt ra. Thực tế, ngay cả khi chúng ta “đứng yên tại chỗ” cũng là một dạng thụt lùi so với sự vận động chung. Như lời Bác nói: “Không tiến bộ tức là thoái bộ, mà thoái bộ thì không làm tròn nhiệm vụ”. Cán bộ tốt hay cán bộ xoàng khác nhau nhiều nhất ở chữ “dám” và tinh thần bản lĩnh vì lợi ích chung. Bởi vậy, nhiệm vụ của Đảng là phải tập trung xây dựng cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”. Chúng ta không cần những cán bộ “đập đi, hò đứng”, nhát gan, không dám phụ trách. Theo Bác: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”.

Sợ trách nhiệm, thiếu chủ động

Tình trạng cán bộ sợ sai, làm việc cầm chừng, không “có gan phụ trách, có gan làm việc” đang là vấn đề vô cùng đáng báo động. Tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra: “Ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương...”.

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Trong ảnh: Cán bộ Sở Tư pháp kiểm tra, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công tại huyện Hớn Quản - Ảnh: N.H

Hậu quả của việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, không dám quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền làm quá trình xử lý công việc bị kéo dài, các hoạt động công vụ bị đình trệ, chậm trễ, tạo điểm nghẽn cho sự phát triển. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công là một trong những thực tiễn nhức nhối cho thấy điều này. Trong nhiều năm qua, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn là đề tài “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Mặc dù thể chế đã có nhưng kết quả giải ngân vẫn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Thống kê kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 ở nước ta cho thấy, có 49/52 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp (dưới 9%); cá biệt có 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Việc giải ngân thấp kéo theo nhiều dự án, chương trình chậm tiến độ, đến khi triển khai được thì đội vốn gấp nhiều lần, vừa gây lãng phí ngân sách, vừa không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc dư luận. Hay như vấn đề của TP. Hồ Chí Minh, từ một địa phương “đầu tàu kinh tế” của cả nước, nổi tiếng với tính năng động, sáng tạo thì đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Hồ Chí Minh năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cũng giảm mạnh từ vị trí thứ 14 của năm trước xuống vị trí thứ 27. Thậm chí, tiêu chí “tính năng động của chính quyền tỉnh” cũng thuộc nhóm đáy bảng, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đáng chú ý, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 trung bình của cả nước là 10,35% thì TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,89%.

Làm việc với Thành ủy Thủ Đức ngày 13-4-2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay đội ngũ cán bộ thành phố đang bị một vấn đề bao trùm là sợ. Có người sợ sai, sợ tù tội, nhẹ hơn là sợ trách nhiệm và có người còn sợ khó, sợ khổ. “Một số người đã nói là hiện nay có vẻ như TP. Hồ Chí Minh không còn “Tinh thần Võ Văn Kiệt”, tinh thần dám nghĩ, dám làm nữa” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nói.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong quý 1/2023 dù cao hơn 3,9% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tỷ lệ còn thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu các cấp, ngành đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao. Trước đó, khi kiểm tra tiến độ một số hạng mục thuộc dự án nâng cấp ĐT741 đoạn từ cầu Thác Mẹ đến quốc lộ 14C, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đã ra thời hạn nếu trong thời gian 2 tháng tính từ thời điểm kiểm tra, dự án vẫn chưa hoàn thành, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý bằng việc chốt khối lượng và cắt hợp đồng đối với đơn vị thi công.

 

Việc cán bộ thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước. Những cán bộ này lâm vào tình trạng “được chăng, hay chớ”, chọn việc dễ, bỏ việc khó, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Điều này gây ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động. Nguy hiểm hơn, từ việc cán bộ không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm sẽ rất dễ dẫn đến đoàn kết xuôi chiều, thậm chí là bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ…

Tác giả: baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay6,889
  • Tháng hiện tại234,262
  • Tổng lượt truy cập25,355,754
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây